(TBKTSG) - Sụt giảm doanh thu, thậm chí thua lỗ mạnh đang là tình cảnh chung của các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ trên toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo các biện pháp giãn cách xã hội và sự sụt giảm chi tiêu của người dân. Liệu nền kinh tế chia sẻ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục phát triển?
Thua lỗ - thực trạng chung của các nền tảng kinh tế chia sẻ trong mùa dịch Covid-19. |
Bước vào năm 2020 với những hy vọng tràn trề về việc sớm có lợi nhuận, thế nhưng giờ đây, những công ty giá trị nhất của lĩnh vực kinh tế chia sẻ như Uber, Lyft, Airbnb đều đang phải chứng kiến nhu cầu của người tiêu dùng gần như biến mất bởi đại dịch Covid-19.
Báo cáo kinh doanh quí 1 cho thấy Lyft đã lỗ 97,4 triệu đô la Mỹ với lượng khách liên tục sụt giảm. Nếu tình hình không được cải thiện, hãng cung cấp dịch vụ gọi xe lớn thứ hai tại Mỹ nhiều khả năng sẽ đối mặt với mức lỗ “khủng” 360 triệu đô la trong quí 2. Đối thủ chính của Lyft là Uber, ghi nhận mức doanh thu quí 1 đạt 3,54 tỉ đô la - tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức lỗ thậm chí còn khủng khiếp hơn (2,94 tỉ đô la, tăng 190%), chủ yếu là do sự sụt giảm của các khoản đầu tư tại Grab (Singapore) và Didi Chuxing (Trung Quốc).
Thê thảm hơn cả chính là nền tảng đặt phòng trực tuyến Airbnb. Dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội tại nhiều nước đã khiến lượng khách đặt phòng của Airbnb giảm sâu ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Theo công ty phân tích dữ liệu đặt phòng trực tuyến AirDNA, chỉ riêng tại Mỹ, lượng đơn đặt phòng trên Airbnb đã giảm 53% trong giai đoạn từ 3-2 đến 13-4-2020, và giá trị của hãng sụt giảm từ 31 tỉ xuống xuống 26 tỉ đô la. Kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay của nền tảng này cũng đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Tương tự, Grab - công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore cũng phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng doanh thu từ hoạt động chở khách, khi nhu cầu di chuyển sụt giảm do các biện pháp phong tỏa trên diện rộng tại khu vực.
Theo tiến sĩ Oksana Gerwe, trường Đại học Brunel (London, Anh quốc) mặc dù vẫn chưa có một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu, kinh tế chia sẻ có thể được xác định bởi bốn đặc điểm chính: Các nền tảng số cho phép tiến hành các giao dịch trực tiếp giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng; Dựa trên cơ sở các giao dịch ngang hàng, giữa những nhà cung cấp và người mua; Chú trọng tới quyền sử dụng tạm thời thay vì quyền sở hữu; Cho phép tiếp cận các tài sản ít được sử dụng.
Trên thực tế, các đặc điểm này đã đóng góp đáng kể vào thành công lớn của kinh tế chia sẻ trong suốt thập kỷ vừa qua, giúp các nền tảng như Airbnb, Uber, Lyft có thể mở rộng với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã biến những điểm mạnh của nền kinh tế chia sẻ trở thành điểm yếu.
Đầu tiên, trong khi các nền tảng trực tuyến vẫn có thể hoạt động trôi chảy trong điều kiện bị phong tỏa, các giao dịch lại không như vậy. Nền tảng Airbnb hay ứng dụng Uber vẫn chạy tốt, nhưng người dùng không thể thuê phòng hay xe bởi các quy tắc giãn cách xã hội.
Thứ hai, khi nhu cầu về vệ sinh và an toàn cá nhân ngày càng gia tăng, những giao dịch ngang hàng trở nên kém tin cậy hơn bao giờ hết. Mọi người không còn cảm thấy thoải mái khi di chuyển trên những chiếc xe hay ở những căn phòng đã có nhiều người sử dụng trước đó.
Và quan trọng hơn, trong điều kiện đại dịch, quyền sở hữu vốn bị coi nhẹ giờ đây lại trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhiều người. Sử dụng các tài sản của chính mình chắc chắn sẽ an toàn hơn, và việc sở hữu tài sản cũng có thể giúp người dùng vượt qua những khó khăn kinh tế do đại dịch.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các nền tảng kinh tế chia sẻ đang làm tất cả những gì có thể, để cắt giảm chi phí hoạt động, gia tăng lượng tiền mặt nắm giữ. Cả Lyft, Uber và Airbnb đều đã cắt giảm nhân sự trên toàn cầu ở mức tỷ lệ hai con số (Lyft 17%, Uber 14% và Airbnb là 25%). Lương của ban lãnh đạo và các nhân viên còn lại đều bị cắt giảm, các nguồn vốn khẩn cấp đều được huy động.
Các doanh nghiệp cũng cố gắng điều chỉnh mô hình kinh doanh sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tại Malaysia, để bù đắp cho thiệt hại từ dịch vụ chở khách, Grab đã đẩy mạnh các hoạt động giao nhận hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu đã gia tăng tới 30% khi phần lớn người dân phải ở nhà.
Tương tự, tại Mỹ, Uber cũng đẩy mạnh dịch vụ giao nhận đồ ăn Uber Eat, đồng thời triển khai thêm dịch vụ mới Uber Connect - cho phép người dùng có thể duy trì kết nối với người thân và bạn bè, gửi đồ cho nhau. Lyft cũng đã bắt đầu nhảy vào lĩnh vực giao nhận hàng hóa và đồ ăn khi triển khai dịch vụ mới hôm 20-3, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng tại nhiều thành phố ở Mỹ.
Quan trọng hơn cả chính là những nỗ lực nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng cũng như các đối tác của mỗi nền tảng.
Để tạo sự an tâm cho khách lưu trú, gần đây, Airbnb thông báo áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh mới ở các phòng cho thuê trong tháng 4. Theo đó, khách có thể lựa chọn phòng thuê phải trống trong 24 hoặc 72 giờ trước khi họ nhận phòng.
Còn tại Malaysia, bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí về giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn cho khách hàng trong khi cung cấp dịch vụ, hãng công nghệ Grab còn triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính cho đối tác của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ giúp hoạt động kinh doanh của các nền tảng kinh tế chia sẻ sớm hồi phục.
Tuy nhiên một khảo sát mới đây tại Mỹ của Statista cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Có tới 26% số người được hỏi cho biết sẽ ít sử dụng các dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ hơn sau đại dịch, 49% vẫn duy trì mức cũ và chỉ 19% khẳng định sẽ sử dụng nhiều hơn. Ông Daniel Ives, Giám đốc bộ phận nghiên cứu cổ phiếu của Công ty đầu tư và dịch vụ tài chính Wedbush Securities, dự báo 30% doanh thu của nền kinh tế chia sẻ có thể biến mất trong 1-2 năm tới và một phần trong số đó có thể “một đi không trở lại”.
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Oksana Gerwe, trường Đại học Brunel cho rằng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã kích hoạt nút “khởi động lại”, mang đến sự cân bằng hơn cho nền kinh tế chia sẻ. Một số nền tảng sẽ cạn kiệt nguồn tài chính và buộc phải rời cuộc chơi trong thời gian tới, trong khi những nền tảng còn lại sẽ phải chú ý nhiều hơn đến các nguyên tắc kinh doanh cơ bản, ưu tiên tiềm năng sinh lời và dòng tiền thay vì chỉ tăng trưởng và phụ thuộc vào việc bơm vốn của các nhà đầu tư. Các nền tảng cũng sẽ phải cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe, làm cho lĩnh vực này bền vững hơn với tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh có thể đóng vai trò là chất xúc tác để các nhà hoạch định chính sách mang lại một trật tự cần thiết cho sân chơi chia sẻ. Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý và chính quyền thực hiện các thông lệ, quy tắc và chuẩn mực tốt hơn, như bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ kinh tế chia sẻ khỏi sự bấp bênh trong thị trường suy thoái; cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Điều này sẽ góp phần duy trì một nền kinh tế chia sẻ vững chắc hơn, đảm bảo lợi ích của tất cả những người tham gia trong dài hạn.
Lạc Diệp