Kết quả này dựa trên một khảo sát công bố gần dây của Acheckin về hiệu quả làm việc từ xa với nhân sự tại Việt Nam.
Ngày 5/5, tại Hà Nội, ACheckin đã công bố báo cáo Khảo sát Hiệu quả Làm việc Từ xa tại Việt Nam.
Khảo sát nghiên cứu, phân tích cảm nhận của hơn 500 nhân sự và 51 quản lý về làm việc từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, đánh giá tác động của phương thức làm việc mới này đến năng suất của người lao động Việt Nam. Từ đó, đưa ra một số kết quả đáng chú ý sau.
Người quản lý luôn lo lắng về năng suất của nhân viên
Làm việc từ xa không còn là khái niệm mới mẻ, tuy vậy do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, đây là lần đầu tiên phương thức làm việc này phải áp dụng đại trà tại Việt Nam.
Theo khảo sát, có tới 82% doanh nghiệp không có nhân sự làm việc từ xa thường xuyên. Về phía người lao động, có tới 91% người trả lời họ không thường xuyên làm việc từ xa, trong đó 39% chưa làm việc ngoài công sở bao giờ.
Dữ liệu cho thấy mức độ tập trung và khả năng làm việc nhóm đều có xu hướng giảm, với con số lần lượt là 61% và 55% nhân sự cho rằng họ giảm đi từ ít đến rất nhiều mức độ tập trung và khả năng teamwork khi làm việc ở nhà. Bên cạnh đó, các yếu tố về, giao tiếp với đồng nghiệp, cảm giác gắn bó, mức độ tham gia hoạt động chung cũng đều có chiều hướng giảm so với thời gian làm tại văn phòng.
Có tới 67% quản lý cho rằng khối lượng công việc của nhân viên sẽ sụt giảm khi làm từ xa, 71% cũng cho rằng chất lượng sẽ không đảm bảo được. Tuy vậy, khối lượng và chất lượng công việc lại được nhân viên đảm bảo duy trì tốt, với hơn 50% phản ánh họ không có thay đổi gì khi làm việc tại nhà. Thậm chí có trên 16% cho rằng năng suất của họ còn tăng lên khi không ở văn phòng.
Bên cạnh đó, thời gian nhân viên dành để làm việc cũng có xu hướng duy trì tốt hơn so với suy nghĩ của người quản lý. Có tới 58% nhân sự trả lời họ giữ và tăng thời gian làm việc tại nhà, trong khi đó nhóm lãnh đạo thể hiện sự lo lắng rõ rệt với 73% nghĩ rằng nhân viên sẽ giảm thời gian làm việc khi không còn ở văn phòng.
Như vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, làm việc nhóm, thì đa phần nhân sự vẫn duy trì tốt công việc của mình khi làm việc từ xa.
Quy định quản lý chặt chẽ về thời gian và công việc có thể làm rạn nứt quan hệ nhân sự.
Không thể phủ nhận việc quản lý chặt chẽ về chấm công, báo cáo công việc đem lại hiệu quả về mặt kỷ luật với nhân viên. Có tới 63% nhân sự trong nhóm được quản lý chặt trả lời họ duy trì và tăng được thời gian làm việc, con số này ở nhóm không có quy định quản lý thời gian, công việc là 46%.
Tuy nhiên khảo sát của Acheckin cho biết không có sự chênh lệch đáng kể giữa năng suất làm việc của cả hai nhóm. Bên cạnh đó, có tới 73% nhân sự bị quản lý chặt chẽ phản ánh rằng họ giảm đi việc tham gia các hoạt động chung, trong khi con số này chỉ là 56% ở nhóm còn lại.
Cảm giác gắn kết với đồng nghiệp, công ty vì thế cũng sụt giảm ở nhóm nhân sự bị quản lý chặt. Bởi họ có thể đang có cảm giác bị giám sát quá cứng ngắc, không còn muốn thêm thời gian cho các hoạt động nội bộ, từ đó gây rạn nứt mối quan hệ giữa nhân viên với nhau và với quản lý.
Như vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc mức độ áp dụng các quy định quản lý, tránh gây áp lực công việc không cần thiết.
Phóng viên
Theo Trí Thức Trẻ