Công ty phần mềm lớn nhất thế giới đưa ra lời kêu gọi và hành động cụ thể để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu toàn cầu.
Microsoft đã kêu gọi chính phủ và các công ty trên khắp thế giới chia sẻ dữ liệu của họ với các tổ chức khác để ngăn chặn sự tập trung quyền lực kỹ thuật số vào tay Mỹ, Trung Quốc và một số ít các công ty công nghệ khổng lồ.
Công ty công nghệ khổng lồ này lên kế hoạch hợp tác với các tổ chức khác để mở một số dữ liệu của mình, đồng thời tạo ra các công cụ và khung pháp lý được tiêu chuẩn hóa để giúp những người khác dễ dàng sử dụng nguồn dữ liệu mở.
Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, cho biết việc chia sẻ dữ liệu ở quy mô lớn hơn là cần thiết để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của một số công ty đang tích lũy phần lớn dữ liệu được thu thập qua internet. Ông nói thêm rằng sự tích luỹ ngày càng tăng lên trước sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, dựa trên lượng lớn dữ liệu để đào tạo các thuật toán thông minh, trong đó dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc. Chủ tịch Microsoft cho biết, chưa đầy 100 công ty công nghệ nhưng thu thập hơn một nửa số dữ liệu được tạo ra trên trực tuyến toàn cầu.
Dữ liệu số toàn cầu đang tăng chóng mặt |
Chẳng hạn, báo cáo của ASPI nêu chi tiết hoạt động của Công ty GTCOM trực thuộc chính phủ Trung Quốc trên khắp thế giới. GTCOM tự xưng là công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (A.I), chuyên thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu với hơn 65 ngôn ngữ, phục vụ khách hàng là doanh nghiệp lẫn chính phủ.
Một trong số những nền tảng của GTCOM là Insidersoft, có thể thu thập 10 terabyte dữ liệu từ mạng xã hội mỗi ngày, tương đương với khoảng 1.000 tỉ chữ do người dùng gõ. Hằng năm, Insidersoft vơ vét khoảng 2-3 petabyte dữ liệu, tức khoảng 20 tỉ hình ảnh đăng trên Facebook.
Nguy cơ này khiến các quốc gia và công ty có quyền truy cập vào dữ liệu ít hơn bị bỏ lại phía sau sự phát triển của công nghệ số. Ông Smith thừa nhận hành động của Microsoft ủng hộ lợi ích kinh tế và thương mại của riêng mình, nhưng đồng thời cũng phù hợp với lợi ích của số đông. “Chúng tôi không cố gắng quốc hữu hóa dữ liệu của mình, chúng tôi không cố gắng làm giảm giá trị của dữ liệu. Nhưng chúng tôi đang nói các công ty khác nhau có nhu cầu dữ liệu khác nhau”, ông Smith cho biết.
Lời kêu gọi của Microsoft được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang yêu cầu mở rộng không gian dữ liệu để đối phó với dịch COVID-19. Chẳng hạn, bất chấp các quy tắc bảo mật nghiêm ngặt của EU, Ngày 20.4, Ủy ban châu Âu phối hợp một số đối tác cho ra mắt Nền tảng dữ liệu COVID-19 của châu Âu để cho phép nhanh chóng chia sẻ dữ liệu nghiên cứu sẵn có và thu thập dữ liệu về dịch bệnh này.
OECD cho rằng nếu dữ liệu được trao đổi rộng rãi hơn, nhiều quốc gia có thể được hưởng mức tăng từ 1% đến 2,5% GDP. Ước tính này dựa trên các giả định tạo thêm các cơ hội kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp, khối kinh tế tư nhân.
Các nhóm phi lợi nhuận, đang hợp tác với Microsoft trong một số sáng kiến dữ liệu mở đầu tiên của họ, cho biết động thái của Microsoft có thể là một bước ngoặt cho phong trào dữ liệu mở. “Nếu một trong những công ty công nghệ lớn nói rằng dữ liệu mở là quan trọng, thì đó là một tín hiệu rõ ràng cho những người khác có dữ liệu - đặc biệt là các chính phủ”, Stefaan Verhulst, đồng sáng lập GovLab của Đại học New York, nhận định.
Jeni Tennison, Giám đốc Điều hành của Viện Dữ liệu mở, cũng đang làm việc với Microsoft và tiến hành 20 dự án dữ liệu mở vào cuối năm 2022. Đầu tiên, họ đã phát hành một bộ dữ liệu với các chi tiết về truy cập băng thông rộng trên khắp Hoa Kỳ, thứ mà họ tuyên bố sẽ có giá trị trong khủng hoảng do virus Corona gây ra, buộc hàng triệu người phải ở nhà.
Jennifer Yokoyama, Cố vấn Công nghệ của Microsoft, cho biết Công ty đang cố gắng phát triển một kho lưu trữ và tài nguyên tốt nhất có thể được sử dụng để giải quyết những thách thức xã hội quan trọng. Nhiều chính phủ đã công nhận tiềm năng của dữ liệu mở. Các thành phố từ Berlin đến San Francisco có các sáng kiến dữ liệu mở của Google. Những người lạc quan tin rằng động thái của Microsoft giống những gì IBM đã thực hiện vào cuối những năm 1990 đối với hệ điều hành mở Linux.
Trực Thanh