(TBKTSG) - Tiếp nối bài viết Giải mã hàng loạt cửa hàng ăn uống “vỡ trận” trên TBKTSG số 14-2020, người viết sẽ kết nối góc nhìn về việc các cửa hàng F&B (thực phẩm và ăn uống) vỡ trận nhanh như thế nào với những vấn đề lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp.
Vai trò của dự trữ và tính hiệu quả
Cấu trúc chi phí cố định lớn, đặc biệt là chi phí mặt bằng cao, khiến việc duy trì kinh doanh của các doanh nghiệp F&B hết sức khó khăn. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp F&B thêm u ám là nguồn dự trữ tiền mặt thấp: doanh nghiệp nào có dự trữ càng thấp thì càng khó vượt qua đại dịch này.
Khi lập dự toán tài chính cho một cơ sở kinh doanh, các lý thuyết tài chính đều yêu cầu doanh nghiệp ngoài việc đầu tư mặt bằng, bàn ghế và vốn lưu động (vốn xoay vòng bao gồm các khoản tồn kho và phải thu là chủ yếu) thì nên dự trữ một lượng vốn dự phòng. Vốn dự phòng này thường được ước tính trung bình bằng 3-6 tháng vốn lưu động cần thiết của doanh nghiệp.
Nguồn vốn này sẽ là vùng đệm an toàn cho hoạt động kinh doanh vốn chịu nhiều biến động từ thị trường như F&B. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu hoạt động, cơ sở F&B sẽ có thể gặp nhiều khó khăn để thu hút khách hàng. Chính phần dự trữ vốn này giúp doanh nghiệp thoát khỏi rủi ro “là một ý tưởng khả thi nhưng lại “chết” trước khi kịp làm quen với khách hàng”. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn như dịch Covid-19 thì những khoản dự phòng đó lại càng có ý nghĩa sống còn.
Đây là bài toán tài chính kinh điển trong lĩnh vực F&B khi lập dự toán tài chính. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp F&B chỉ duy trì một mức vốn lưu động để vận hành chứ thường ít quan tâm đến dự trữ. Lý do rất đơn giản: dự trữ tiền mặt, dù được hưởng lãi khi gửi ngân hàng, vẫn có một chi phí cơ hội lớn đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nghĩ rằng việc dự trữ một lượng vốn đáng kể như vậy để dự trù cho rủi ro là chi phí quá lớn. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp quan tâm tới việc sử dụng vốn hiệu quả hơn là việc quản lý rủi ro.
Mỗi doanh nghiệp đều hướng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nguyên tắc đó cũng áp dụng cho mọi ngành và mọi nền kinh tế hiện đại.
Nền kinh tế toàn cầu vận hành dựa trên sự hiệu quả
Các quốc gia đều muốn duy trì tăng trưởng kinh tế đồng thời gia tăng hiệu quả sử dụng vốn nên ngày càng sử dụng nhiều các mô hình kinh doanh hiệu quả như mô hình “Just-in-time” hay “Lean business”. Các mô hình này hạn chế việc duy trì mức dự trữ bằng cách kết nối và phối hợp giữa các nhà cung cấp một cách hiệu quả qua hệ thống tự động. Nhờ đó mà tồn kho, dự trữ được giảm xuống dưới mức tối thiểu, qua đó giải phóng nguồn vốn lớn để thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đều lựa chọn Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất. Trung Quốc trở thành động lực chính, góp phần tạo giá trị cho các tập đoàn khổng lồ của Mỹ và châu Âu. Sau khi đạt được mức tăng trưởng bão hòa thì các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu dịch chuyển nguồn lực sản xuất về Trung Quốc để tối ưu hóa nguồn vốn lưu động sử dụng trong quá trình sản xuất, cũng như hưởng lợi từ chi phí nhân công giá rẻ.
Thống kê cho thấy chỉ trong vòng 20 năm qua, vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong báo cáo kinh tế đột xuất vào tháng 3-2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tác động của diễn biến dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, tổ chức này nhấn mạnh việc thế giới đang trao cho Trung Quốc một sức mạnh rất lớn.
Đáng chú ý, giai đoạn trỗi dậy của Trung Quốc có vẻ cũng là giai đoạn thịnh vượng nhất của các tập đoàn kinh tế Mỹ và phương Tây. Các doanh nghiệp này tạo ra một mô hình sản xuất hiệu quả và giải phóng lớn lượng tiền ra khỏi hoạt động của họ.
Trong vòng 10 năm qua, những tập đoàn này thừa tiền nhiều đến mức chi một lượng lớn tiền đến cả ngàn tỉ đô la Mỹ để mua lại cổ phiếu quỹ (cổ phiếu của chính họ) để làm lợi cho các cổ đông. Nên nhớ rằng Apple hay Microsoft có phần lớn hoạt động đầu tư và sản xuất diễn ra ở Trung Quốc chứ không phải ở Mỹ.
Khi công xưởng thế giới trở thành “kho súng”
Khi dịch bệnh lan rộng ra khắp thế giới, Trung Quốc đã “cứu trợ” các trang thiết bị y tế và xem đây là một dịp để đàm phán lại các điều kiện thương mại hay gia tăng tầm ảnh hưởng. Ngược lại, các nước như Mỹ và châu Âu đang thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế. Số liệu chứng minh rằng Mỹ và châu Âu đã trao cho Trung Quốc một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nguồn cung nguyên liệu cũng như các thiết bị, công cụ cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị y tế.
Biểu đồ trên cho thấy vai trò của Trung Quốc đã gia tăng trong việc xuất khẩu các thiết bị y tế. Chỉ trong vòng 20 năm qua, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp hàng chục lần (xem biểu đồ). Hơn nữa, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng cao, điều này chứng tỏ rằng các nước phương Tây đang chuyển giao dần công nghệ sản xuất cũng như các vật phẩm trung gian trong quá trình vận hành ngành y tế cho nước này.
Chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi y tế toàn cầu nói riêng đang bộc lộ những khuyết điểm lớn liên quan đến việc tối ưu hóa nguồn lực và đẩy toàn bộ trách nhiệm trong vận hành nguyên liệu về một quốc gia là Trung Quốc.
Trung Quốc đã xác lập một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tách rời Trung Quốc lúc này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp và quốc gia bị mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 kết thúc, các quốc gia trên thế giới sẽ phải suy nghĩ lại bài toán đầu tư ra nước ngoài của mình cũng như bài toán tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Thế giới sẽ phải dần cân nhắc lại về sự đánh đổi giữa tính hiệu quả và tính bền vững trong quá trình vận hành.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ được tình hình thiếu trang thiết bị y tế do phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài và kêu gọi “khôi phục lại sự độc lập kinh tế” của Pháp. Pháp sẽ đầu tư 4 tỉ euro để sản xuất kịp thời các loại thuốc và vật tư y tế và có thể sẽ còn nhiều hơn nữa sau dịch để thảm họa này không diễn ra lần nữa.
Lê Hoài Ân (CFA - Merlin Capital)