Nhập môn kinh doanh TMĐT cho các “tay mơ”: Tiền nhiều chưa chắc thắng, dân công sở hay mẹ bỉm sữa đừng mong part-time kiếm tiền

Người người, nhà nhà đua nhau lên sàn thương mại điện tử để kinh doanh, nhưng không phải ai cũng thắng. Bạn cần biết lợi thế của mình là gì, cần trau dồi cái gì hay lựa chọn mô hình nào cho phù hợp, thì mới mong cõ lãi.
Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng sôi động và trở thành miếng bánh béo bở mà bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng muốn giành phần. Làm thế nào để kiếm lợi nhuận từ các sản thương mại điện tử? Cần những điều kiện gì? Những ai sẽ phù hợp?

Dưới đây là những điểm cơ bản cần lưu ý, được chia sẻ bởi doanh nhân Vũ Minh Trà – ông chủ của Shoptida, người đã có kinh nghiệm chinh chiến trong lĩnh vực TMĐT 6 năm. Với mô hình tinh gọn, không cửa hàng, 10 nhân sự, Shoptida từng thu về 2 tỷ đồng doanh thu giữa mùa dịch Covid-19, thậm chí tăng trưởng 30%.


Bạn có bao nhiêu lợi thế trong tay?

Kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) không đơn giản chỉ là tạo ra gian hàng, đưa sản phẩm lên rồi sẽ bán được. Cái khó ở chỗ bạn sẽ phải cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm đối thủ khác.

Muốn "ăn lên làm ra" trên các sàn TMĐT, bạn cần xác định và tận dụng được những lợi thế của mình mà người khác không có. Theo anh Minh Trà, có 9 điều kiện quyết định bạn sẽ thành công trên sàn TMĐT hay không.

Thứ nhất, sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất, chiếm đến 20% - 30% thành công. Ngay khi bạn nghĩ tới kinh doanh thương mại điện tử, điều cần xác định đầu tiên là bán cái gì, chứ không phải bán như thế nào.

Bạn có xưởng sản xuất riêng? Bạn có hợp đồng nhận cung cấp độc quyền từ nước ngoài? Hay có nguồn nhập sản phẩm với giá rẻ hơn? Tất cả đều có thể trở thành lợi thế về sản phẩm.

Thứ hai, muốn có đơn hàng thì cần "traffic". Những ai có sẵn lợi thế này, ví dụ như đang quản lý một hội nhóm có đông đảo thành viên từ bên ngoài, đều nên tận dụng.

Thứ ba, hãy làm ảnh và video cho thật tốt. Bạn nên tự trang bị cho mình kỹ năng này để giảm thiểu chi phí thuê ngoài khi mới bắt đầu, vốn mỏng.

Một yếu tố khác, chủ động một kho đủ rộng từ 200-1000 m2, thuận tiện cho việc đóng gói, vận chuyển là rất cần thiết. Không giống như Facebook, nguyên tắc bán trên các sàn TMĐT là bán số lượng lớn, giá hợp lý mà vẫn có lãi. Do đó, cần tích trữ để tránh cháy hàng.

Thứ năm, thương hiệu. Thị trường ngày càng cạnh tranh, việc bán hàng không thương hiệu hoặc xuất xứ không rõ ràng cũng ngày càng khó. Do đó, những ai có sẵn thương hiệu và được bảo hộ, sẽ có lợi thế rất lớn.

Thứ sáu là yếu tố nhân sự, vận hành. Kinh doanh TMĐT đi liền với tiết kiệm, nhưng bạn cũng cần đối nhóm tư vấn, đóng gói,… Nếu có sẵn một đội ngũ nhân sự tin cậy từ việc kinh doanh trên Facebook thì hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, đơn hàng còn ít, chỉ cần bạn hoặc thêm một cộng sự, cùng nghiên cứu, vừa làm vừa học là đủ.

Một điều kiện khác quan trọng không kém, sự tập trung.

"Theo mình, đã quyết định kinh doanh trên sàn TMĐT thì phải tập trung vào nó. Có những người vừa muốn bán hàng TMĐT, vừa muốn bán trên Facebook và cả bán lẻ, bán buôn thì rất khó do các mô hình chồng chéo lên nhau.

Trên sàn TMĐT, do phải cạnh tranh với hàng trăm người nên giá cần hợp lý, linh hoạt theo từng thống kê, không thể như giá trên Facebook được. Hệ thống cũng vây, TMĐT chỉ cần chi quảng cáo 5% thôi nhưng Facebook lại 20% - 30%, gây ra hoảng loạng trong kiểm soát chi phí và thiếu hiệu quả.

Như mình, mình bỏ luôn Facebook, chỉ coi đây là kênh kéo "traffic" thôi", anh Trà chia sẻ.

Thậm chí, việc kinh doanh TMĐT cũng rất mất thời gian và nguồn lực, khó mà coi như một công việc part-time được.

"Mình nghĩ cần tập trung 100% vào nó. Còn như một số quảng cáo nói rằng mẹ bỉm sữa chỉ cần dành vài tiếng một ngày thì không thể làm được đâu. Chỉ là khi bạn đã tập trung xây dựng, vận hành tốt hệ thống trong 6 – 12 tháng rồi thì lúc ấy có thể rảnh tay hơn. Đừng nói với mình rằng "Em muốn làm TMĐT, nhưng vẫn muốn làm ngân hàng, vẫn đến văn phòng long lanh chứ không phải nhà kho", không được đâu"

Điều kiện thứ tám, kiến thức về TMĐT. Bạn đã nghiên cứu xem bán trên Tiki, Lazada, Shopee,… khác với bán trên Facebook thế nào chưa? Bạn đã tham khảo những doanh nhân có kinh nghiệm? Nếu chưa, hãy học ngay đi nhé!

Điều kiện cuối cùng mới là tiền. Trong giai đoạn 6 tháng đầu, khi đơn hàng còn thấp chỉ đủ hòa vốn thì bạn cần chút vốn sẵn có để duy trì hoạt động và đội ngũ của mình. Tuy nhiên, thay vì hỏi "Tôi có 100 triệu hay 200 triệu, 500 triệu có kinh doanh TMĐT được không?" thì hãy quan tâm 8 yếu tố trên trước tiên. Có tiền thôi chưa đủ để bảo chứng cho thành công trên TMĐT.

Nếu đã sở hữu 3 – 4 trong 9 lợi thế trên, bạn hoàn toàn có thể tự tin để tham gia vào thị trường TMĐT. Nếu sở hữu ít hơn, thay vì lao vào kinh doanh ngay, bạn nên hoàn thiện, nâng cấp thêm những nguồn lực khác.

Lựa chọn một hay đa sàn?

Theo anh Mình Trà, nên tận dụng kinh doanh trên nhiều thay vì chỉ một sàn TMĐT. Vi dụ, giai đoạn đầu có thể chỉ tập trung phát triển Shopee, rồi sau đó dần lấn sân sang Lazada, Tiki, Sendo. Việc này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giảm thiểu rủi ro nếu như một kênh TMĐT nào gặp sự cố.

Tiêu chỉ lựa chọn sản phẩm cho người mới bắt đầu?
Một mô hình bán hàng tạp hóa trên Shopee
Có hai mô hình chủ yếu trên các sàn TMĐT là bán tạp hóa hay một mặt hàng chuyên biệt.

Nếu muốn kinh doanh một sản phẩm chuyên biệt, bạn cần có lợi thế và đặc thù nào đó hơn đối thủ khác. Do vậy, với người mới bắt đầu mà chưa có lợi thể nổi bật, có thể chọn mô hình tạp hóa vì dễ có đơn hàng ngay để duy trì và hoàn thiện quy trình, cũng như thu hút "traffic". Khi gian hàng đã ổn định, bạn có thể coi đây như kênh "back-up" để mở thêm gian hàng chuyên biệt khác.

T.D
Theo Nhịp Sống Trẻ
0 Nhận xét