Theo lý giải của nhà sáng lập, giá thành hợp lý, lại là sản phẩm tốt cho sức khỏe nên Sữa chua trân châu Hạ Long nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khách hàng và tăng tưởng thần tốc trong chưa đầy 1 năm ra mắt.
Hè 2020 ghi nhận sự lên ngôi của một món đồ uống vừa quen vừa lạ: Sữa chua trân châu. Sự kết hợp giữa sữa chua dẻo, mát và các loại topping ăn kèm như chuối khô, dừa khô, trân châu,…đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
Tuy nhiên, giữa một thị trường đang lên với hàng trăm địa điểm lớn nhỏ khác nhau mở ra mỗi ngày, có một thương hiệu đã đi với tốc độ gần như áp đảo các đối thủ còn lại, đó là Sữa chua trân châu Hạ Long. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Hồng Huy, một trong ba nhà sáng lập thương hiệu Sữa chua trân châu Hạ Long đã chia sẻ rõ ràng hơn về hành trình của họ.
* Chào anh Huy, anh có thể kể lại một chút về quá trình gây dựng thương hiệu Sữa chua trân châu Hạ Long được không?
Tôi thường ăn sữa chua trân châu mỗi khi về Hạ Long, và từ ấy suy nghĩ vì sao một món ăn ngon như vậy lại chưa được nhiều người biết đến đã được hình thành trong tôi. Cũng là thiên thời địa lợi nhân hòa khi vốn có sẵn kinh nghiệm nhiều năm trong mảng F&B, tôi quyết định đưa sản phẩm này thành một thương hiệu hướng tới người Việt, vì sức khỏe người Việt.
Cùng với 2 người bạn nữa, chúng tôi dành nửa năm để chuẩn bị, từ nghiên cứu công thức, nguồn nguyên liệu, cho đến áp dụng công nghệ để thay thế các loại hóa chất, chất bảo quản mà vẫn giữ được vị tươi ngon của sản phẩm…Sau khi mọi việc chỉn chu, tháng 8/2019, chúng tôi khai trương đồng thời 3 cơ sở đầu tiên tại 19 Thái Phiên, 431 Bạch Mai và 68 Chùa Láng (Hà Nội). Tôi muốn định hình khách hàng của mình, trong đó cửa hàng tại Thái Phiên sẽ hướng tới phục vụ khách văn phòng, Bạch Mai là khu dân cư còn Chùa Láng là học sinh, sinh viên.
Thật bất ngờ, cả 3 cửa hàng đều có doanh thu tốt, được các tầng lớp khách hàng khác nhau ủng hộ. Từ nền tảng này, trong vòng 4 tháng chúng tôi phủ kín Hà Nội, 8 tháng là gần như tất cả tỉnh thành miền Bắc đều có cửa hàng Sữa chua trân châu Hạ Long. Sang tới tháng thứ 9, chúng tôi mở rộng tại miền Trung, miền Nam và hiện tại có 114 cơ sở trên khắp cả nước sau 9 tháng hoạt động.
* Có vẻ như chặng đường phát triển của các anh tương đối trơn tru, thuận lợi?
Đúng là giai đoạn đầu tiên chúng tôi khá thuận lợi vì được người tiêu dùng ủng hộ. Các bạn trẻ thì không nói làm gì nhưng kể cả những khách hàng lớn tuổi cũng rất yêu thích. Chúng tôi có một số cửa hàng ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 8h tối là có 1 nhóm các cô bác đi tập dưỡng sinh về sau đó ghé vào, làm ly sữa chua rồi mới đi ngủ.
Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi gặp trở ngại lớn nhất là vấn đề nhái thương hiệu. Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ thương hiệu và logo Sữa chua chân Trâu Hạ Long, nhưng nhiều bên tự ý dùng hình ảnh, logo của chúng tôi để mở quán mà chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Nhất là trên các ứng dụng như Now, Grab, họ đẩy giá thành lên tới 40.000, 50.000 đồng sau đó chiết khấu 50% để dễ lọt top đầu tìm kiếm. Khách hàng đặt xong lại phản hồi với chúng tôi, sau khi kiểm tra mới biết cửa hàng ấy không nằm trong hệ thống.
Mỗi ngày chúng tôi nhận tới cả trăm comment nhầm lẫn như thế. Nên sắp tới chúng tôi dự định triển khai lắp đặt hệ thống màn hình ngay tại mặt tiền các cửa hàng, chiếu rõ quy trình từ khi sản xuất sữa chua cho đến lúc tới tay khách hàng, để mọi người dễ phân biệt.
*Vậy còn câu chuyện nhượng quyền thì sao. Từ khi nào các anh xác định sẽ xây dựng mô hình theo hướng nhượng quyền thương hiệu?
Ngay từ những bước đầu tiên, tôi và các cổ đông thành lập đã xác định sẽ nhân rộng rất nhiều cửa hàng trên khắp cả nước, đã có sự tính toán kĩ lưỡng cho từng giai đoạn phát triển trong 1 năm đầu tiên. Và chúng tôi gọi mô hình của mình là hợp tác phát triển, chứ không phải nhượng quyền theo kiểu mua đứt bán đoạn.
Chúng tôi có thể mạnh về hệ thống và sản phẩm, chúng tôi sẽ tìm kiếm những đối tác có mặt bằng đẹp, có thiện chí và nếu có kinh nghiệm trong mảng F&B thì càng tốt. Chúng tôi chia sẻ với họ công thức, nguyên liệu, sản phẩm, hỗ trợ họ về mặt truyền thông để cùng nhau đi đường dài.
* Anh có thể tiết lộ chi phí đầu tư cho một cửa hàng là bao nhiêu và sau bao lâu thì có thể bắt đầu thu hồi vốn?
Chi phí đầu tư không phải nhỏ, cũng không phải quá lớn, tùy thuộc vào khả năng của đối tác nhưng nhìn chung ngang tầm với đầu tư cà phê hay trà sữa. Còn kĩ hơn thì tôi xin phép được giữ lại vì đây cũng là kế hoạch riêng của công ty, mong bạn thông cảm nhé.
* Với số lượng cửa hàng lên tới 114, anh làm sao để đồng nhất chất lượng giữa các quán?
Sản phẩm tại các cửa hàng sẽ đi từ xưởng sản xuất tổng của chúng tôi. Trong đó sản phẩm sản xuất từ xưởng đều qua 3 khâu kiểm duyệt là kiểm duyệt nguyên liệu ủ đầu vào, kiếm duyệt chất lượng ủ và kiểm duyệt chất lượng xuất xưởng. Gần như 100% sản phẩm ra khỏi xưởng là đã đạt chất lượng. Tôi từng khuyên khách hàng nếu không tin tưởng cứ mua sữa chua sau đó mang đi kiểm nghiệm để xem thành phần dinh dưỡng và chất lượng thế nào.
Ngoài ra, chúng tôi cũng quy định rõ ràng về vấn đề nguyên liệu. Toàn bộ nguyên liệu phụ như matcha, cà phê, cacao,….chúng tôi đều dùng sản phẩm nguyên chất. Nếu phát hiện cửa hàng nào mua nguyên liệu ngoài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi sẵn sàng loại cửa hàng đó ra khỏi hệ thống.
*Anh có thể tiết lộ sữa chua trân châu Hạ Long đặt mục tiêu sẽ có bao nhiêu quán trong tương lai?
Năm nay, chúng tôi xác định sẽ gây dựng tối thiếu 250 quán, trong đó đẩy mạnh phát triển khu vực miền Trung và miền Nam để mang nhiều sản phẩm tốt tới tay khách hàng. Còn sang năm thì chúng tôi hiện chưa tính đến.
*Nhưng rõ ràng thị trường chỉ có dung lượng nhất định, giả sử hôm nay anh đạt số lượng quán tối đa thì ngày mai phải chuyển qua giai đoạn khác chứ, làm sao tăng mãi được?
Chúng tôi có quy định về giãn khoảng cách giữa các quán. Ví dụ tại thành phố lớn khoảng cách tối thiếu từ cửa hàng này đến cửa hàng kia là 1,5-2km. Hoặc tại các thị trấn thị xã, mỗi nơi chúng tôi sẽ chỉ mở số lượng cửa hàng nhất định. Chúng tôi có thuê một bên khảo sát độc lập để đánh giá và người ta sẽ trả về kết quả một khu vực nên mở số lượng cửa hàng bao nhiêu.
Hiện nay tại Hà Nội, chúng tôi còn 5 điểm chưa mở. Đây đều là những điểm đã ký hợp đồng rồi nhưng vướng vào đợt dịch Covid-19 nên phải tạm dừng. Từ trước Tết chúng tôi đã ngừng nhận đối tác khu vực Hà Nội và đây sẽ là 5 điểm cuối cùng. Giờ chúng tôi sẽ đẩy mạnh vào miền Trung và miền Nam.
* Anh nghĩ sữa chua trân châu sẽ là món ăn theo xu hướng ngắn hạn hay sẽ tồn tại lâu dài giống như các mô hình kinh doanh cà phê?
Theo cá nhân tôi, sữa chua là sản phẩm tốt cho sức khỏe người dùng. Đây không phải là món ăn ngày 1 ngày 2 mà có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào nên chắc chắn sẽ là sản phẩm tiêu dùng dài hạn. Tôi và các cộng sự cũng rất mong muốn được phát triển lâu dài, đưa thương hiệu Sữa chua trân châu Hạ Long tới nhiều khách hàng hơn nữa.
*Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện vừa rồi.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ