Quán nhậu đông nghịt người sau giãn cách xã hội, sự lạc quan Top đầu của người Việt sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn?

6h30 chiều cuối tuần, quán nhậu trên đường Ngụy Như Kon Tum không còn chỗ trống. Ngành F&B, vốn chịu "cú đấm kép" từ Nghị định 100 lẫn Covid-19, đang có dấu hiệu dần hồi phục. Sự lạc quan và niềm tin tiêu dùng Việt đang trợ lực cho nền kinh tế, khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng của người Việt đứng top 4 toàn cầu...
Tín hiệu tốt của nền kinh tế nhìn từ quán nhậu

"Các quán nhậu ở Quận 1, Quận 2 đã đông trở lại", ông Trương Công Thành, CEO Ecomobi - nền tảng hỗ trợ bán hàng trực tuyến (social selling platform), nhìn nhận.

Chia sẻ tại sự kiện "Hành vi khách hàng trong bối cảnh "Bình thường mới"" do Endeavor Vietnam tổ chức mới đây, CEO Ecomobi nhận định người Việt có khả năng thích ứng rất cao nhìn từ những quán nhậu đông người.

Ông Thành cho rằng nếu các quán nhậu chịu một "cú đấm lẻ" từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (liên quan đến việc xử lý hành vi uống rượu, bia khi lái xe), khả năng cao là 2 tháng sau đó người dân sẽ đi uống bia bình thường. Do chịu "cú đấm kép" từ Nghị định 100 và thêm đại dịch Covid-19, người dân tiếp tục có gần một tháng giãn cách xã hội. Và nay, các quán nhậu Quận 1 và Quận 2 đã đông nghịt.

"Sau giãn cách xã hội, ngày càng nhiều người muốn ra ngoài. Người Việt đang muốn quay trở lại trạng thái gần nhất với trạng thái bình thường trước khi Covid-19 ập đến", bà Louise Hawley, Giám đốc Điều hành Nielsen Vietnam, nhận định.

Sau Nghị định 100 rồi đến Covid-19, văn hóa "nhậu" của người tiêu dùng Việt đã dịch chuyển từ on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, khách sạn, quán bia...) sang off-trade (tiệm tạp hóa, siêu thị...). Việc ra ngoài uống cốc bia với bạn bè, đồng nghiệp hay mua bia về uống tại nhà được đặt lên bàn cân.

"Thực tế chúng tôi ghi nhận sự sụt giảm ở cả hai kênh on-trade và off-trade", bà Louise cho biết. "Thời gian sẽ trả lời câu hỏi liệu Nghị định 100 có tác động tới xu hướng tiêu dùng đồ uống có cồn trong dài hạn không. Điều chúng tôi nhìn thấy bây giờ là Covid-19 đã gây ra một tác động lớn và nhanh chóng sau ít tuần. Nhưng tôi tin Việt Nam sẽ hồi phục rất nhanh".

Sự lạc quan Top đầu thế giới sẽ giúp Việt Nam hồi phục nhanh hơn?

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đang đứng top 4 toàn cầu, đứng sau Ấn Độ, Philippines và Indonesia, theo khảo sát của Nielsen. So với chỉ số niềm tin người tiêu dùng Quý 4/2019, chỉ số Quý 1/2020 (trong bối cảnh đại dịch Covid-19) thậm chí còn tăng nhẹ lên mức 126 điểm.

Nielsen cho biết mức tăng này do sự lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng về công việc được cải thiện trong khi sự lạc quan về tài chính cá nhân và chi tiêu vẫn ổn định.

Bà Louise cũng đồng tình với ý kiến cho rằng bên cạnh năng lực phòng dịch, chính tinh thần lạc quan của người Việt Nam cũng là yếu tố giúp nền kinh tế nhanh phục hồi hơn các quốc gia khác.

Khảo sát niềm tin người tiêu dùng toàn cầu được thành lập năm 2005. Những năm trở lại đây, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam luôn nằm trong Top 10, thậm chí Top 5 toàn cầu. Với tinh thần lạc quan ấy, khi cho rằng hiện đã an toàn để quay trở lại quán bar, quán nhậu, họ sẽ rất vui vẻ đi nhậu.

Bà Louise cho rằng mặc dù có một số bộ phận chịu tác động bởi yếu tố tài chính – những người mà thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi thất nghiệp, hoặc mất việc tạm thời – nhưng nhìn chung, Việt Nam là một thị trường với tinh thần lạc quan và sự tự tin rất lớn, sẽ trợ lực cho tăng trưởng GDP.

Chia sẻ một tin vui khác của nền kinh tế, CEO Ecomobi cho biết AOV (giá trị đặt hàng trung bình) của ngành thương mại điện tử giảm, và cho rằng đây là câu chuyện tốt của ngành. Khi mọi người lên mạng và mua những thứ cơ bản, đấy mới thực sự là thương mại điện tử (TMĐT).

"TMĐT là mọi người sẽ mua những thứ thiết yếu, cần dùng hàng ngày, chứ không phải chỉ chạy theo tìm các mặt hàng thời trang, mua điện thoại giảm giá, tìm voucher... Và Covid-19 là thời điểm tốt để educate (định hướng) thị trường. Khi bạn có thể mua 1 chai nước mắm, lọ dầu ăn...", ông Trương Công Thành cho biết.

Với Ecomobi, doanh số các tháng 3 – 4, và dự báo tháng 5 gần như đạt kỷ lục. "Các tháng khác tăng gấp 3 và tháng 5 này có thể tăng gấp 5 lần vì tháng này là tháng ramadan ở Indonesia, với tỷ lệ mua sắm không khác tháng 1 của Việt Nam. Và giờ họ có nhiều thời gian ở nhà", Thành nói.

Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét