Nhiều chuyên gia cảnh báo về việc bán đi các doanh nghiệp tốt, điều đáng sợ không phải là vài tháng qua mà là vài tháng tới khi doanh nghiệp Việt Nam quá ngưỡng chịu đựng và giới hạn kiên nhẫn.
Mới đây trên website của CTCP Cáp điện Thịnh Phát đăng thông tin đơn vị này chính thức sáp nhập với một tập đoạn của Thái Lan từ tháng 4 vừa qua. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư bởi lẽ Thịnh Phát làm một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn tại Việt Nam có thương hiệu dù nguyên do dẫn đến thương hiệu này vẫn chưa được công bố rõ ràng nhưng việc nhiều doanh nghiệp Việt có nền tảng tốt rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại cũng gợi nên nhiều suy nghĩ băn khoăn.
Là đơn vị chuyên tư vấn mua bán và sáp nhập, đại diện công ty luật Basico cho biết họ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng tìm kiếm các đối tác để xúc tiến việc mua bán cổ phần trong thời gian vừa qua trong đó có doanh nghiệp Việt tên tuổi trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
"Khi gặp khó khăn do khủng hoảng vừa rồi, các doanh nghiệp đối mặt với một loạt với các các vấn đề, suy giảm tính cạnh tranh ví dụ như thiếu nguyên vật liệu đầu vào, chuỗi cung ứng đa quốc gia bị hạn chế, tiềm lực tài chính, tiềm lực về vốn. Về việc bán đi các doanh nghiệp tốt, điều đáng sợ không phải là vài tháng qua mà là vài tháng tới khi doanh nghiệp Việt Nam quá ngưỡng chịu đựng và giới hạn kiên nhẫn. Đấy là điều đáng lo ngại.", ông Trần Minh Hải, giám đốc công ty luật Basico cho biết.
Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Trung Kiên, trưởng phòng kinh tế đối ngoại, Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết hoạt động đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài đang nổi lên như một xu hướng mới, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài so với các hình thức truyền thống như dự án đầu tư.
Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là 3 quốc gia rót vốn nhiều nhất mua cổ phẩn doanh nghiệp Việt chiếm tới 40%. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu như đa phần các thương vụ M&A hướng tới đầu tư tài chính chiến lược thì thời gian vừa qua bản chất nhiều thương vụ đã khác. Theo ông Hải, thực tế nhiều thương vụ đầu tư đã mang tính lấy được xuất xứ hàng hóa và hợp thức hóa xuất xứ hàng hóa. Đây là tín hiệu đáng lo ngại bởi khi chúng ta hình dung ra gặp phải sự phát giác từ cộng đồng nhập khẩu như EU, Mỹ thì người ta có thể không trừng phạt một doanh nghiệp mà cả lĩnh vực đó, ngành nghề đó.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cảnh báo hiện tượng mua bán, sáp nhập còn diễn ra mạnh mẽ hơn thời gian tới dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.
Thời cá mập đi săn mồi
Cụ thể phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" diễn ra sáng 9/5, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, trong đó, hiện tượng mua bán, sáp nhập DN trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, dẫn tới nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ"
Chia sẻ về nguy cơ này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hai tháng trước, Bộ KH&ĐT đã chủ động cảnh báo về tình trạng này. Bộ đã có báo cáo lên Chính phủ về nguy cơ thâu tóm DN nội, sau khi đã kịp thời nghiên cứu, tham khảo các biện pháp mà nước ngoài đang áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
Theo ông Hoàng, việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp bình thường thì nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.
Về phía Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng gửi kiến nghị lên Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp có thể tính tới tạm dừng việc mua bán sáp nhập (M&A) trong giai đoạn dịch bệnh. Cụ thể, VCCI cho biết trong bối cảnh DN Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một số DN, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các DN trong ngành BĐS, bán lẻ… và đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập DN trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc DN nước ngoài thâu tóm các DN Việt Nam.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các DN FDI "nhăm nhe" vào các DN nội đang thiếu vốn là điều rất bình thường. "Đây là thời gian các "nhà đầu tư cá mập" lùng sục các DN nhỏ bán cổ phần với giá rẻ để đầu tư. Các DN nội chào mời các nhà đầu tư mua cổ phần là điều bình thường, nhưng nếu chào mời rộng rãi quá thì rất dễ bị thâu tóm. Hiện Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nguy cơ DN Trung Quốc thâu tóm các DN nước ngoài khác là rất lớn", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ trên báo Hải quan.
Do đó, ông kiến nghị Chính phủ nên chủ động có chính sách, kế hoạch thu hút đầu tư vào thời điểm này, theo đó, những lĩnh vực đầu tư nào có thể gây rủi ro về chính trị, kinh tế, xã hội thì cần phải được kiểm soát. Việc chọn ngành nghề mời gọi đầu tư cũng phải đi cùng với quy định tỷ lệ đầu tư của DN FDI để có sự khống chế tỷ lệ hợp lý. Tỷ lệ này có thể có sự điều chỉnh theo cung cầu của thị trường, nhưng một số lĩnh vực cần có tỷ lệ theo quy định của nhà nước để tránh việc bị thâu tóm ở những lĩnh vực chủ chốt, nhạy cảm.
Thảo Nguyên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế