WeFit nổi lên từ năm 2016 với định vị "Uber của giới Fitness". Đầu năm 2020, việc phải hứng chịu "cơn bão kép" - Cơn bão tái cơ cấu và bão Covid-19 – khiến startup này cạn kiệt dòng tiền, buộc phải nộp đơn xin phá sản.
"Quan trọng nhất không phải chúng ta có thể tránh được cái chết hay không, mà quan trọng là khi gặp rồi thì chúng ta đứng dậy như thế nào", Khôi Nguyễn - Founder Wefit – từng chia sẻ.
WeFit đã từng "chết lâm sàng" vài lần. Nhưng lần này, startup từng được kỳ vọng sẽ trở thành Unicorn của Việt Nam đã không thể đứng dậy.
Unicorn có nghĩa là kỳ lân. Đây là một loài vật trong trí tưởng tượng có hình tượng là một chú ngựa có sừng mọc trên đầu. Trong nhiều truyền thuyết thì unicorn còn có cả cánh và bay được. Con thú quý hiếm với những đặc tính tuyệt vời này đã là nguồn cảm hứng để gắn biệt danh cho các công ty startup xuất sắc có giá trị hơn 1 tỷ USD.
Sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020, WeFit (hiện đổi tên thành WeWow) lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do Covid-19.
"Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn", WeFit gửi thư thông báo tới các đối tác và khách hàng. Với các đối tác, WeFit gửi thêm thông tin xác nhận công nợ, kèm thông báo đối tác liên hệ với Tòa án Nhân dân TP Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình.
Vì đâu WeFit phá sản?
Năm 2016, đội ngũ 12 người bắt đầu chung tay phát triển WeFit từ chính nhu cầu tập luyện của bản thân, với khao khát tạo ra một cách thức tập luyện mới đầy linh hoạt, tiện lợi, đa dạng. Năm ấy, cái tên WeFit cùng với Founder Khôi Nguyễn nổi lên như một hiện tượng. WeFit ngày ấy luôn đi kèm định vị "Uber của giới Fitness", khi Uber vẫn còn là cái tên đầu bảng của nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy).
Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.
Tuy nhiên, mô hình của WeFit là cung cấp "một bữa buffet" KHÔNG GIỚI HẠN cho tất cả người dùng và trả tiền THEO LƯỢT cho các đối tác phòng tập. Hiểu nôm na, người dùng càng đi tập nhiệt tình, các đơn vị trung gian càng lời ít, thậm chí bù lỗ để sinh tồn.
Với những thứ dán mác "không giới hạn", thường người ta càng cố xài thật nhiều. WeFit không chỉ gặp vấn đề khi các khách hàng của mình quá yêu thể thao, mà còn phải đối mặt với tình trạng booking ảo.
"Nhiều người dùng chung 1 tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng – đỉnh điểm là 202 lần/tháng", tân CEO WeFit Nguyễn Hải Đăng chia sẻ hồi đầu tháng 3/2020 trong tâm thư gửi khách hàng và đối tác.
Trong khi chưa vá được "lỗ hổng" cheating mảng Fitness, WeFit lấn sân sang mảng Beauty, ra mắt thương hiệu WeJoy và đổi tên startup thành WeWow.
Tình trạng mất cân đối dòng tiền ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cuối tháng 12, cuộc khủng hoảng chính thức nổ ra trên mặt trận truyền thông. Salsa Spring, Beso Latino, F&P Dance Studio, GymPlus, Divine Yoga &Dance Studio... - các đối tác phòng tập lần lượt tuyên bố công khai ngừng hợp tác với WeFit. Lý do phần lớn là không thanh toán công nợ như cam kết, có nơi công nợ lên đến 100 triệu đồng.
Số liệu được tổng hợp dựa trên những lần WeFit công bố công khai trên báo giới. Số phòng tập ở thời điểm hiện tại dựa trên quảng cáo gói tập WeFit ngày 5/3/2020.
Đầu tháng 2/2020, Khôi Nguyễn rời ghế CEO, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng lên thay.
Cuộc gắng gượng của WeFit
Nhận thức mô hình "Buffet phòng tập" không bền vững, WeFit từng bước chuyển sang mô hình trả tiền THEO LƯỢT. Đầu tháng 3, WeFit công bố chính sách mới, xóa bỏ toàn bộ chính sách tập không giới hạn. Nay khách hàng chỉ có thể đặt lịch tập luyện theo hạn mức số điểm gói sản phẩm đã mua.
Tuy nhiên, mô hình này vấp phải sự phản đối của rất nhiều khách hàng đang sử dụng - khi gói tập của họ theo mô hình cũ thời hạn sử dụng phòng tập không giới hạn lên tới 2 năm.
Nhiều người cho biết với cách tính mới, 2 năm tập của họ quy ra số buổi tập giờ chỉ còn gần 4 tháng. Quy chiếu về một phòng tập cố định như Fit24, 60 buổi tập giờ chỉ còn 6 buổi. Người ít đi tập thì thừa nhận cách tính mới không bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.
Sau khi đối mặt với cơn giận dữ của khách hàng vì chính sách chuyển từ tập không giới hạn sang tập đổi điểm (buổi nào tính tiền buổi ấy), giữa tháng 3, CEO WeFit/WeWow Nguyễn Hải Đăng đã gửi tâm thư công khai xin lỗi các khách hàng vì chính sách "đánh mất niềm tin" này, đồng thời công bố chính sách sử dụng mới, trung dung giữa quyền lợi của khách hàng và khả năng sinh tồn của WeFit.
CEO Nguyễn Hải Đăng. |
Nhận được sự ủng hộ của khách hàng và một số đối tác, WeFit tiếp tục hoạt động cầm chừng, gia hạn việc chuyển đổi từ gói tập "không giới hạn" sang gói tập tính điểm đến 1/4.
Khoảng thời gian vượt khủng hoảng của WeFit lại trùng với đại dịch Covid-19, bắt đầu leo thang lần 2 tại Việt Nam từ đầu tháng 3, với ca bệnh số 17.
Đúng ngày theo kế hoạch sẽ kết thúc chuyển đổi gói tập, WeFit thông báo tạm đóng toàn hệ thống, đảm bảo giãn cách xã hội, chủ động phối hợp thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan ban ngành để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Ngày 4/5, startup này thông báo mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh không book được lịch, hoặc sau khi book đến phòng tập lại được thông báo phòng tập đã ngưng liên kết, lỗi do WeFit không update.
Ngày 11/5, WeFit gửi thư xin lỗi tới các khách hàng và đối tác, thông báo đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và chính thức dừng hoạt động từ 8:00 ngày 11/5.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ
Lời bình: Khi dám định vị bản thân là KHÔNG GIỚI HẠN thì nguồn lực cũng cần KHÔNG GIỚI HẠN nếu không startup của bạn sẽ chết vì cái "định vị" sai lầm về chiến lược đó. Dân Trí Soft dám tặng phần mềm tính tiền miễn phí KHÔNG GIỚI HẠN là nhờ trợ sức Microsoft cho đi không giới hạn công cụ như SQL Server bản free, sức lực của cộng đồng & trí tuệ của đội ngũ DanTriSoft thì như nồi cơm Thạch Sanh vậy đó - càng cho đi càng đầy hơn. Theo Cao Trung Hiếu - sáng lập & điều hành Dân Trí Soft.