Hậu đại dịch là thời điểm giới F&B vẫn chưa thể bước hoàn toàn ra khỏi khó khăn do hành vi khách hàng đã thay đổi. Vì vậy, đây sẽ là thời điểm cần những cú đẩy về marketing để vừa khơi gợi nhu cầu khách hàng, vừa giúp doanh nghiệp bật lên so với nhiều đối thủ khác trong ngành.
Tình hình bệnh dịch dường như đã và đang là gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp mảng ăn uống, nhà hàng (F&B). Theo báo cáo Khủng hoảng COVID-19: Tác động và tiềm năng phục hồi do Adsota-Công ty con của Appota, phát hành, có tới 26,2% trong số 1.200 doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có thể chịu cảnh phá sản nếu bệnh dịch kéo dài hơn 6 tháng. Trong đó, ngành F&B thuộc nhóm chịu tác động mạnh mẽ và tức thì của đại dịch.
Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, ngành hàng này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng. Đây cũng là thời điểm diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với giới F&B, đòi hỏi những chiến lược truyền thông khác biệt trong bối cảnh nhà nhà, người người đẩy mạnh marketing trên mọi nền tảng.
1. Đừng để khách hàng ‘phát ngấy’ với các nội dung ‘cũ rích’
Đại dịch bùng phát đã khiến thực khách lo lắng về chất lượng thực phẩm hơn bao giờ hết. Theo đó, việc xây dựng những nội dung "behind the scene" - phía sau một món ăn, sẽ là công cụ hữu ích để thương hiệu kết nối và duy trì niềm tin của khách hàng.
Tuy nhiên, chỉ "tâng bốc" hương vị và cách chế biến món ăn mà không có kế hoạch cụ thể sẽ không thể mang lại hiệu ứng như mong muốn. Thay vào đó, hãy kể những câu chuyện riêng để thu hút khách hàng. Câu chuyện này có thể được kể bằng rất nhiều "chất liệu" như: khung cảnh toàn bộ căn bếp - nơi mọi người vẫn đang hoạt động hăng say trong mùa dịch, những chia sẻ xúc động từ nhân viên, cách thương hiệu chấp hành đầy đủ quy định vệ sinh,…
Một cách hiệu quả nhưng ít ai ngờ tới chính là chia sẻ công thức nấu ăn của bạn tới khách hàng. Trong bối cảnh phải đóng của hàng loạt do Covid-19, Burger King Pháp đã chia sẻ công thức để khách hàng có thể tạo ra những món ăn "ngon như Burger King làm" từ các nguyên liệu sẵn có tại siêu thị. Theo đó, khi thưởng thức những món ăn tự làm này, khách hàng sẽ luôn nhớ đến thương hiệu, thậm chí còn thôi thúc họ đến thưởng thức hương vị "nguyên bản" ngay khi bệnh dịch kết thúc. Đặc biệt, thương hiệu cũng sẽ nhận được những "quảng cáo miễn phí" khi khách hàng đăng tải thành quả của họ lên các mạng xã hội.
2. Tận dụng tối đa nền tảng digital để chạm tới khách hàng
Việc cắt giảm chi phí, điển hình là chi phí dành cho marketing trong mùa dịch đang khiến không ít thương hiệu phải đau đầu. Bởi lẽ đây là thời điểm người dùng dành nhiều thời gian và sẵn sàng tương tác trên Internet.
Tuy nhiên, những quảng cáo hoành tráng và dễ gây ấn tượng lại thường đòi hỏi chi phí và thời gian sản xuất quá lớn, trong khi những quảng cáo đơn giản lại kém thu hút hơn hẳn. Chính vì vậy, điều các doanh nghiệp F&B cần là một ý tưởng "gọn nhẹ", tốn ít chi phí, phân bố trên những nền tảng trực tuyến một cách phù hợp và hấp dẫn. TikTok là một cái tên nên được đầu tư, đặc biệt khi người dùng đã quá quen thuộc với Facebook, Instagram hay Youtube.
Chipotle, một chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Mỹ, đã có tới hơn 549,000 người theo dõi nhờ việc đăng tải những video ngắn sử dụng âm nhạc, meme với nội dung liên quan đến những món ăn nổi bật trên menu của họ lên Tik Tok.
Mùa hè năm ngoái, Chipotle cũng đã "gây sốt" bằng cách khởi xướng thử thách #GuacDance tại Mỹ trên TikTok. Chiến dịch này gắn liền với "Ngày Guacamole", món ăn đậm chất Mexico nổi trội trong menu của Chipotle. Chiến dịch đã tạo ra hơn 250.000 video được gắn hashtag trên Tik Tok và góp phần giúp toàn chuỗi Chipotle bán được hơn 802,000 phần guacamole chỉ trong một ngày.
3. Chuẩn bị một chiến lược dài hơi để thích nghi với dịch bệnh
Covid đã đẩy các doanh nghiệp F&B vào "thế bí" không thể chối cãi. Tuy nhiên đây cũng có thể coi như một động lực phát triển cần thiết, giúp các doanh nghiệp không còn bỡ ngỡ trước những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Starbucks là một trong những thương hiệu phải sớm chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 tấn công thị trường Trung Quốc, nơi họ sở hữu tới 4.300 cửa hàng, tương đương với 13% tổng số cửa hàng trên toàn thế giới. Ngay sau khi thị trường Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc trở lại thì "ông lớn" ngành cà phê lại phải đối diện với khủng hoảng Covid-19 tại thị trường châu Âu. Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc dường như đã giúp Starbucks "dễ thở" hơn trong việc xử lý vấn đề.
Thay vì quảng cáo rầm rộ, hãng quyết định tập trung vào việc kết nối với đối tác và những khách hàng sẵn có. Tuy đã bắt đầu mở lại tới 90% cửa hàng tại thị trường châu Âu, Starbucks vẫn duy trì hoạt động theo mô hình mua mang đi, giúp hạn chế tiếp xúc trong quy trình bán hàng. Starbucks cũng liên tục nhấn mạnh sự ưu tiên đối với khách hàng lâu năm và đối tác trong thời điểm khó khăn này.
Ngoài ra, thương hiệu cũng đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức cho khách hàng về khủng hoảng trong lĩnh vực thực phẩm mùa dịch và khuyến khích họ cùng chung tay quyên góp cho tổ chức từ thiện Feeding America. Nhờ chiến dịch này, Starbucks đã quyên góp hơn 700.000 bữa ăn, 62.000 ga-lông sữa và hàng triệu cốc cafe miễn phí cho Mỹ và Canada. Hoạt động marketing theo hướng thiện nguyện này đã giúp Starbucks dễ ghi điểm với khách hàng, tăng tính gắn bó của họ với thương hiệu.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ