"Dịp giãn cách xã hội vừa qua liên hệ với khách hàng rất dễ, cứ đến nhà là gặp luôn bởi họ không có chỗ nào để "trốn", thu được nợ rất nhanh"...
Giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19 vừa qua đã thay đổi nhiều tới thói quen sinh hoạt, mua sắm, tiêu dùng của nhiều người. Đây không chỉ là nhận xét của ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc công ty tài chính Fe Credit khi trao đổi với chúng tôi dịp gần đây, mà còn nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, nhà kinh doanh và nhà phân tích trên thị trường. Nhu cầu mua sắm, ăn uống, đi chơi của người dân hạn chế vì lo ngại dịch bệnh cũng đã kéo chùng lại nền kinh tế.
Đòi nợ dễ hơn vì khách hàng không..."trốn"
Tuy nhiên có một thứ lại đi ngược lại xu hướng chung đó là hoạt động...đòi nợ. Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng điều này đã được thừa nhận của các cán bộ xử lý nợ tại các tổ chức tín dụng. "Ngày bình thường chúng tôi tìm gặp khách hàng để thúc nợ rất khó, nhắn tin, gọi điện cho khách cũng không được. Nhưng dịp giãn cách xã hội vừa qua liên hệ với khách hàng rất dễ, cứ đến nhà là gặp luôn bởi họ không có chỗ nào để "trốn", thu được nợ rất nhanh, hoặc nếu chỗ nào không trả nợ ngay thì họ cũng có cam kết thời gian trả" - Giám đốc trung tâm xử lý nợ của một ngân hàng cho biết.
Một chuyên viên xử lý nợ tại ngân hàng V. cũng cho hay, ngày thường khách hàng hay viện cớ đi công tác, đi nước ngoài hoặc nhờ người khác tiếp đón...nhưng dịch bệnh hạn chế đi lại nên họ hay ở nhà hoặc ở cơ quan, cứ đến là gặp. "Có vị khách hàng thuộc nhóm nợ xấu của ngân hàng ở khu đô thị cao cấp C., trước đây nhiều lần tôi gọi điện không gặp, lúc liên lạc được thì bảo đi nước ngoài, đến nhà bao nhiêu lần cũng không thấy. Nhưng đợt vừa rồi đến là gặp luôn. Tôi thông báo rằng nếu anh ta không trả nợ sẽ gửi thông báo ở tòa nhà, thế là anh đó xấu hổ và trả nợ luôn" - chuyên viên này kể.
Các khoản nợ lớn vẫn ế ẩm, đại hạ giá cũng khó bán
Trong khi các khoản nợ nhỏ của doanh nghiệp, hoặc nợ của khách hàng cá nhân dễ xử lý hơn trong thời gian qua thì các khoản nợ xấu lớn hàng chục, hàng trăm và hàng nghìn tỷ đồng vẫn khó xử lý. Có những khoản nợ được rao đi rao lại tới 4-5 lần, thậm chí hàng chục lần, có dự án hạ giá mỗi lần hàng chục tỷ đồng, thậm chí là đại hạ giá nhưng vẫn không kiếm được người mua.
Chẳng hạn BIDV đang chật vật tìm người mua tài sản của Công ty Nhà Hưng Ngân với giá giảm so với ban đầu tới 24%. Hay như tài sản là dự án Kenton Node được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVComBank (BIDV chiếm 58% giá trị) cũng được BIDV rao bán để thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng dư nợ mãi vẫn chưa thực hiện được. Một khoản nợ khác được BIDV rao bán nhiều lần nhưng chưa thành công là dự án của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn, cùng 95 khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Phú Tài (Bình Định) với tổng dư nợ hơn 2.700 tỷ đồng.
Hoặc trường hợp của Scombank đấu giá tài sản lần 7 quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại P.10 quận 5, Tp.HCM; đấu giá lần thứ 21 tài sản tại Quận Bình Thạnh...
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo là các căn hộ, đất nền khi bên vay mất khả năng trả nợ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, không dễ để các ngân hàng có thể bán được các tài sản thế chấp này bởi ngân hàng thì muốn bán được giá cao trong khi nhà đầu tư còn sợ "mua hớ", muốn chờ giá hạ thêm. Ngoài ra trong thời gian dịch bệnh, sức cầu của thị trường cũng suy giảm do nhà đầu tư thận trọng về tài chính.
Dự báo nợ xấu sẽ tăng
Covid-19 đang khiến cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng gặp muôn vàn khó khăn. Trong năm nay, nhiều kế hoạch tham vọng của các nhà băng phải dừng lại vì virus corona. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng phần hỗ trợ giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã khiến các ngân hàng giảm tới hơn 100.000 tỷ đồng thu từ lãi, còn theo tính toán của các công ty phân tích thì lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm từ 10 – 30%, trong đó riêng nhóm Big4 có thể giảm tới 30-40% lợi nhuận, nhóm các ngân hàng niêm yết giảm không dưới 10%.
Các chuyên gia nhận xét, việc xử lý nợ xấu thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn nữa, đặc biệt là các khoản nợ lớn. "Trong quý 1 và quý 2 người ta còn cố gắng cầm cự, chứ một vài tháng nữa không cố được sẽ phải buông và khi ấy nợ xấu sẽ tăng lên" - giám đốc phụ trách hoạt động xử lý nợ tại một ngân hàng nói với chúng tôi như vậy. Ông dự báo giá các tài sản đảm bảo cho những khoản nợ có thể giảm hơn nữa trong thời gian tới do "nguồn cung dồi dào" và các chủ nợ muốn nhanh chóng thu hồi nợ.
Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của NHNN thì đã có đến 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá tiềm ẩn nợ xấu tăng trong năm nay, và đưa ra 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý 2 và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020.
Kịch bản thứ 2, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp và được kiểm soát trong quý 2, nợ xấu sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý 2 và 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cũng như khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng.
Ngọc Thảo
Theo Nhịp Sống Kinh Tế