Đại dịch đang tạo ra sự thay đổi lớn trên mọi ngành nghề, trong đó thể hiện sự đứt gãy các chuỗi liên kết về giao tiếp xã hội, bộc lộ sự lơ là của nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa công ty. Theo các chuyên gia, đây là một cuộc sàng lọc mạnh nhất từ trước đến nay, là bài học lớn thức tỉnh các nhà lãnh đạo nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay cả trong thời điểm chưa có biến cố.
Văn hóa quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp trước khủng hoảng
Chiều 4/6, Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) đã tổ chức thành công Webinar số 6 với chủ đề "Văn hóa doanh nghiệp - Sức mạnh vượt qua mọi khủng hoảng" với sự tham gia của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Phạm Duy Hiếu, Ủy viên Ủy ban nhân sự ABBank và bà Nguyễn Thị Minh Giang - Tổng Giám đốc Mekong Capital. Các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong khủng hoảng, thực tế chính là đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những xáo trộn lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, văn hóa doanh nghiệp chính là linh hồn của một công ty. Nếu không có văn hóa thì sự tan rã trước những biến cố lớn vô cùng chóng vánh. Văn hóa doanh nghiệp là cả một quá trình hình thành lâu dài mà người lãnh đạo phải là người làm gương đi đầu. Một công ty phải ý thức xây dựng văn hóa từ nhiều năm và khi dịch ập đến là lúc hưởng lợi chứ không phải "nước đến chân mới nhảy".
Theo ông Hiếu, đây là một liều thuốc thử, những doanh nghiệp nào vốn đã có sẵn nền văn hóa từ lâu đời và luôn được vun đắp chắc chắn sẽ hưởng thành quả rõ nét trong đại dịch. Một đám đông sẽ luôn có sức mạnh, sức mạnh này nếu rơi vào tay người tiêu cực và không có ý thức vươn lên, không có mục tiêu phấn đấu sẽ là sự tàn phá cả đám đông. Văn hóa phải hình thành ngay từ khi doanh nghiệp mới sơ khai chứ không chờ đến khủng hoảng.
"Ví dụ như việc tập thể dục, tập một 2 lần chưa khỏe nhưng nếu chúng ta tập lâu dần, bền bỉ và kiên trì sẽ tạo ra hiệu quả lớn. Trong điều kiện bình thường chúng ta nghĩ rằng việc tập thể dục không mang lại hiệu quả nhưng những người chịu khó tập luyện thường xuyên thì khi dịch bệnh ập đến dĩ nhiên sức đề kháng của họ sẽ cao hơn người bình thường. Kể cả họ bị nhiễm bệnh thì cũng dễ dàng vượt qua. Cứ hình dung văn hóa doanh nghiệp cũng giống như vậy, phải xây dựng ngay từ đầu, từ trong cốt lõi doanh nghiệp của mình", ông Hiếu chia sẻ.
Chung quan điểm đó, bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ rằng chính nền tảng văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và vun đắp nhiều năm đã giúp doanh nghiệp của bà vượt qua khủng hoảng trong đại dịch.
"Văn hóa là cái gì còn lại sau khi mất đi tất cả. Nghĩa là dù có khó khăn, có khủng hoảng thì văn hóa vẫn luôn tồn tại và là liều thuốc giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại. Kinh tế thế giới đi qua biết bao nhiêu đợt khủng hoảng. Những doanh nghiệp nào có nền tảng bền vững thì sẽ vượt qua, và những ai đã vượt qua thì thậm chí là phát triển mạnh hơn. Đó chính là sự sàng lọc, thế giới sẽ đi qua nhiều giai đoạn, nhiều đợt khủng hoảng tiếp theo tương tự nhưng sau những đợt khủng hoảng đó sẽ chọn lọc ra những con người, tổ chức có nền tảng vững chắc để cùng nhau phát triển", bà Dung nói.
Đơn cử như tại PNJ, ngay thời điểm đại dịch bùng phát, ban lãnh đạo và nhân viên đều lo lắng ngày Thần Tài sẽ sụt giảm doanh số nghiêm trọng. Khi đó, toàn thể công ty bước vào giai đoạn truyền thông, kêu gọi mọi người chính thức bước vào giai đoạn chiến đấu, đòi hỏi tính sáng tạo, trách nhiệm, sự gắn kết những giá trị đã có. Toàn thể nhân viên được truyền nhiệt huyết giữ vững tinh thần, hoặc là tìm cách thay đổi hoặc là thụt lùi.
Ngay thời điểm đó, ban lãnh đạo nhận ra các chương trình thúc đẩy doanh số trước đây không còn phù hợp trong mua dịch. Giờ là lúc đòi hỏi tính sáng tạo, thay đổi cách thức bán hàng và cuối cùng doanh số đã được giữ vững ngoài sự mong đợi.
Như vậy theo bà Dung, văn hóa chính là sự gắn kết hàng ngàn thành viên trong một tổ chức. Sợi dây liên kết vững chắc này sẽ là liều thuốc cứu doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn khủng hoảng. Nếu không có sự đồng lòng thì mọi kết quả từ trước đến nay sẽ trôi sông đổ bể…Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ban đầu sẽ rất khó khăn, đòi hỏi người lãnh đạo phải kiên trì, xây dựng một tổ chức đi theo các phạm trù đã được định sẵn như một thói quen của họ. Dần dần văn hóa đó biến thành Gen rồi thì tự khắc những người có cùng 1 Gen sẽ tồn tại trong tổ chức đó. Người không phù hợp sẽ tự khắc bị đào thải. Và khi một tổ chức đã hoàn chỉnh về văn hóa doanh nghiệp thì người lãnh đạo dù có đi đâu mọi thứ vẫn vận hành bình thường và trơn tru.
Xác lập trật tự mới sau khủng hoảng
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Covid-19 đã dẫn đến sự gián đoạn về giao tiếp, cách ly, làm việc tại nhà…. Thực tế cho thấy nếu công ty nào giữ được quá trình làm việc đạt hiệu quả trong dịch nghĩa là văn hóa doanh nghiệp của họ rất vững vàng. Cũng từ đây, các doanh nghiệp bắt đầu tiếp nhận hành vi mới, học cách thích ứng, linh hoạt trong khủng hoảng.
Hình thức làm việc online xuất hiện khắp nơi trên thế giới nhưng không phải công ty nào cũng thành công. Văn hóa doanh nghiệp chính là tạo ra sự gắn kết dù không cần phải gặp mặt trực tiếp. Xã hội đang tiến vào cuộc đua số hóa mà chúng ta cứ khăng khăng phải gặp để bắt tay thì sẽ thất bại. Dịch Covid-19 lộ ra các hành vi mới, sự đứt gãy các liên kết, người nào giữ được liên kết đó theo cách mới thì sẽ thành công.
Thứ 2 là khi dịch xảy ra thì tất cả đều bất ngờ. Nhiều doanh nghiệp thay vì đi theo kế hoạch định sẵn thì họ lựa chọn sự linh hoạt một cách chủ động, cách làm ứng biến trên từng bức tranh. Họ đi từng bước 1 để thấy được cần phải thay đổi ra sao, cần phải làm gì. Nhiều doanh nghiệp nhận ra thế giới thay đổi từng giây từng phút nên lựa chọn sự linh hoạt để thích nghi.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Giang - Tổng Giám đốc Mekong Capital chia sẻ, khi khủng hoảng xảy đến thì nhà quản trị sẽ phải ngồi lại, viết lại một cuộc chơi mới. Thị trường bước vào cuộc chơi mới mà ở đó luôn đòi hỏi tính linh hoạt trong một tổ chức. Ví dụ như công ty Pizza 4Ps (một thương hiệu mà Mekong Capital đang đầu tư), trước khi có dịch Covid-19 mỗi ngày thường phải từ chối từ 500-1000 khách. Thế nhưng khi dịch ập đến, toàn bộ cửa hàng phải đóng cửa. Thậm chí các nhân viên phải mang thức ăn thừa đi cho. Trước tình thế này, Ban lãnh đạo ngồi ra suốt 19 ngày để tìm ra giải pháp. Và cuối cùng 1 App đặt hàng trực tuyến, vận chuyển tại nhà được đưa ra để giải quyết khủng hoảng cho doanh nghiệp rất nhanh chóng.
Điều này cho thấy sự nỗ lực và tính kết nối của các thành viên, doanh nghiệp nào nhanh chuyển hóa, sáng tạo ứng biến vượt qua mọi khủng hoảng thì sẽ thắng thế. Bà Giang chia sẻ, văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố quyết định sự quan tâm của các quỹ đầu tư. Ví dụ Mekong Capital khi đầu tư sẽ nhìn vào con người, Ban lãnh đạo công ty có chính trực và cam kết mục tiêu lớn hay không, có cam kết việc xây dựng và chuyển hóa doanh nghiệp hay không.
Trước câu hỏi có nên mượn văn hóa của công ty khác để áp dụng vào doanh nghiệp mình ngay trong và sau dịch, ông Phạm Duy Hiếu cho rằng không nên "dùng nước xa để cứu lửa gần" mà nên dùng chính nội lực để chữa cháy. Khi đang biến cố mà tất cả cùng ngồi lại chính là Văn hóa. Khi lửa đang cháy, hãy đồng lòng cùng dập lửa là tốt nhất. Khó khăn cũng là thời điểm tốt nhất để đồng lòng hình thành văn hóa doanh nghiệp.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cũng nhận định rằng sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sẽ phải ý thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa là có sẵn và người lãnh đạo chỉ cần chọn ra yếu tổ nổi bật là tô đậm nó lên. Tuy nhiên văn hóa không bất biến nên phải bồi bổ vun đắp từng ngày chứ không phải xây dựng một lần là xong. Thông thường, một doanh nghiệp nên cứ 5 năm một lần cập nhật lại các văn hóa mới, bổ sung văn hóa du nhập để áp dụng và thay đổi. Bởi có những thứ trước đây nghĩ là không thể nhưng một khi biến cố xảy ra, doanh nghiệp như bị đặt vào "nồi nước sôi" buộc họ phải vùng vẫy để thoát ra. Tính linh hoạt trước đây từng được nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ nhưng giờ mới là lúc áp dụng. Sau dịch, một trật tự mới sẽ được xác lập, tô vẽ ra bức tranh mà ở đó tồn tại những tổ chức có nền văn hóa vững bền.
Tường Vy
Theo Tổ Quốc