Các nghiên cứu đã chỉ ra, nghịch lý trong hệ thống thuế của Việt Nam là dành ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI), trong khi gánh nặng thuế, phí ngày càng gia tăng, đè nặng lên người dân, doanh nghiệp trong nước.
Doanh Nghiệp Nội Cõng Thuế, FDI Hưởng Ưu Đãi |
Gánh nặng phí, lệ phí “đè” dân
Tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 17/6, các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng của hệ thống ngân sách của Việt Nam. Tỷ trọng phí, lệ phí trong tổng thu ngân sách nhà nước và thu thuế tăng trở lại trong giai đoạn gần đây. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, thu từ phí, lệ phí tăng mạnh về số tuyệt đối.
“Thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thuế gián thu, đặc biệt là VAT. Gánh nặng về phí, lệ phí đang đè nặng lên vai người dân. Các đề xuất tăng thuế tiêu dùng, tăng phí và lệ phí cần được xem xét một cách thận trọng, vì có ảnh hưởng tới tính công bằng trong chi tiêu. Đặc biệt trong bối cảnh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Phí và lệ phí đang được đưa ra thảo luận và điều chỉnh trong thời gian tới”, VEPR đánh giá.
TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR đánh giá, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới doanh thu thuế tại Việt Nam là nguồn cung cấp ưu đãi thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất 10%, bằng 1 nửa so với thuế suất phổ thông. Không ít DN đa quốc gia đã sử dụng chính sách thuế này để trốn, tránh thuế diễn ra từ lâu và phổ biến nhưng mới được điều tra từ năm 2010.
“Các thông tin như số tiền ngân sách nhà nước bị thất thu do ưu đãi thuế chưa được thống kê đầy đủ và chưa báo cáo công khai. Các phân tích lợi ích và chi phí ưu đãi thuế cũng không được thực hiện đầy đủ, chi tiết”, TS Phạm Thế Anh cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi hội nhập kinh tế sâu rộng sẽ tạo cơ hội cho nguồn thu thuế của Việt Nam tăng lên. Bà Lan cho rằng, vấn đề chính với ngành thuế là phải tính toán để đưa ra sắc thuế hợp lý và tổ chức tốt việc hành thu thuế (tức là thực hành việc thu thuế trong thực tế-PV).
“Lâu nay tôi trăn trở nhiều nhất với hệ thống thuế Việt Nam là hành thu thuế. Chúng ta điều chỉnh các sắc thuế theo thời gian nhưng hệ thống hành thu thuế chậm cải tiến. Từ đó xảy ra tình trạng trốn thuế, tránh thuế xảy ra nhiều trong khu vực FDI- khu vực đáng lẽ phải đóng góp lớn cho kinh tế. Đây là sự kém cỏi của Việt Nam trong quản trị thuế và tổ chức hành thu thuế”, bà Lan đánh giá.
Muôn kiểu rơi rớt thuế
Bà Lan cũng thẳng thắn, việc tham nhũng thuế còn lớn xét cả từ người nộp thuế và người đi thu thuế. Rõ ràng có sự “móc ngoặc” với nhau thì người nộp thuế mới có thể gian lận, mặc cả cò cưa với người đi thu. Từ đó, 2 bên cùng nhau lấy đi một phần thuế đáng lẽ phải nộp vào ngân sách. Đó chính là “tham nhũng” thuế.
Bên cạnh trốn thuế và tránh thuế, chi qua thuế là một trong 3 cấu phần gây hụt thu ngân sách nhà nước. Nhóm nghiên cứu của VEPR đã nghiên cứu chi qua thuế (đối với thuế thu nhập doanh nghiệp) qua các năm. Chi qua thuế là khoản ưu đãi thuế của Chính phủ với nhóm người nộp thuế và nằm ngoài mức thuế hoặc hệ thống thuế chuẩn. Nhờ ưu đãi này, người nộp thuế được nộp ở ngưỡng thấp hơn so với mức thuế chuẩn. Chi qua thuế đã làm hụt thu thuế do việc áp dụng điều khoản, cơ chế đặc biệt.
VEPR ước tính, chi qua thuế (thuế TNDN) tăng mạnh vào năm 2016 với khoảng 64.000 tỷ đồng. Số tiền này bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, bằng 30% số thuế TNDN, bằng 5% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn chi ngân sách cho y tế.
Ưu đãi thuế đang tập trung vào nhóm DN FDI và thuộc ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. DN thuộc ngành chế biến chế tạo có thuế suất nộp thực tế chỉ bằng 1/5 suất thuế phổ thông.
Từ nghiên cứu trên, VEPR đánh giá, việc xóa bỏ chi qua thuế (thuế TNDN) chỉ tác động tiêu cực đến nhóm thu nhập cao, đang hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế. Nếu cơ quan chức năng xóa bỏ ưu đãi thuế TNDN sẽ không làm thay đổi tỷ lệ nghèo đói.
“Việc loại bỏ chi qua thuế có thể mang lại lợi ích đáng kể cho nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua tăng đầu tư, tăng trợ cấp cho người nghèo”, VEPR kiến nghị.
Ở Việt Nam, sai phạm thuế không chỉ ở lĩnh vực thuế TNDN. Hành vi gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi. Các DN FDI trốn tránh thuế nhiều hơn DN trong nước (thực tế nhiều vụ việc cho thấy điều này - PV) .
Trước thực tế trên, VEPR kiến nghị, Việt Nam nên nhanh chóng nghiên cứu, áp dụng các biện pháp chống trốn, tránh thuế đang áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là quy định trong chỉ thị chống tránh thuế đang được áp dụng ở các nước EU hoặc biện pháp khuyến cáo của tổ chức quốc tế.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng: “Các quy định ưu đãi thuế có tính chất lịch sử, có quy định từ thời cấm vận như hợp đồng trong ngành dầu khí, than được ký kết từ năm 1990 đến nay vẫn được thực hiện và có ưu đãi thuế. Theo tôi, ưu đãi thuế là một phần chi phí cho sự phát triển. Nói rộng ra, đây là học phí trong thời kỳ đổi mới của Việt Nam...”.
VEPR ước tính, giai đoạn 2013-2017, mức thất thu thuế do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm dao động 13,3-20,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,4-9,9% số thu thuế TNDN. Con số này gấp 3-4 lần số vi phạm do cơ quan chức năng phát hiện. Mức thất thu thuế TNDN có thể lên tới 8-9 nghìn tỷ đồng (4-4,5% thuế TNDN), DN FDI có thể lên tới 10,5% nghìn tỷ đồng.
Quỳnh Nga