Độc quyền "song mã": Đây là cách Google và Apple đang vô tình giúp đỡ lẫn nhau khi cùng thống trị thị trường di động

Là ông chủ của 2 hệ điều hành di động đang thống trị thị trường, Apple và Google nên "ghét nhau". Nhưng trong thực tế, mỗi ông lớn lại rất cần đến sự tồn tại của kẻ còn lại.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, chỉ duy nhất Apple và Google bắt tay để tạo ra giải pháp cho phép người dùng di động theo dõi khả năng tiếp xúc với người nhiễm nCoV trong quá khứ. Sự tồn tại của bộ API này đã chứng minh một sự thật mà gần như ai cũng biết: bất chấp sự tồn tại của nhiều hệ điều hành khác, toàn bộ thị trường di động đã nằm gọn trong tay Apple và Google.

2 ông lớn smartphone đang tranh đấu với nhau một cách vô cùng gay gắt. Trong khi thị phần Android bán ra hàng năm cao gấp 4, 5 lần thị phần iPhone, Apple lại nắm thế thượng phong trên phân khúc cao cấp, nơi tập trung phần lớn lợi nhuận của thị trường di động. Trên mặt trận truyền thông, Apple vẫn thường lôi tình trạng phân mảnh của Android ra mỉa mai, còn Google thì lại thường xuyên coi iPhone là mục tiêu công kích tại các sự kiện vén màn smartphone Pixel mới.

Ghét nhau ra mặt là vậy, nhưng chắc chắn trong lòng Apple và Google đều mừng thầm vì có đối thủ xứng tầm.

Tại sao ư? Mới gần đây, Epic Games (nhà phát triển/phát hành Fortnite) đã tuyên bố sẽ đưa nền tảng phân phối game của riêng mình lên Android. Mặc dù vẫn giương cao khẩu hiệu "giúp cho nền công nghiệp game phát triển", mục tiêu của Epic không gì khác là tránh được khoản phí 30% bị Google tính trên vật phẩm game Fortnite phát hành qua Play Store. Năm ngoái, Epic từng cố gắng loại bỏ Google khi phát hành phiên bản Android của Fortnite dưới  dạng file APK tải về trực tiếp. Cuối cùng, vì gây ra quá nhiều bất tiện cũng như vì chính các cảnh báo từ Google đến người dùng, Epic lại phải đưa tựa game tỷ đô của mình lên Play Store.

Những lùm xùm xoay quanh Fortnite gợi nhắc đến vụ kiện đình đám giữa Spotify và Apple vào năm ngoái. Trong cáo buộc được gửi đến tòa án châu Âu, Spotify cho rằng khoản phí 30% của App Store sẽ khiến dịch vụ này trở nên kém cạnh tranh hơn so với Apple Music. Trong thông điệp đáp trả, Apple khẳng định Spotify chỉ đang cố gắng lợi dụng những lợi thế App Store mang lại cho tất cả các ứng dụng iOS. Đến nay, vụ kiện này vẫn chưa được giải quyết, và Spotify vẫn phải đều đặn chia sẻ doanh thu cho Apple.

Năm 2014, một vụ kiện chống độc quyền nhắm vào các ứng dụng được Google cài đặt sẵn vào Android cũng nhanh chóng chìm vào dĩ vãng. Chia nhau thống trị thị trường di động, Apple và Google đang tạo ra thế độc quyền song mã khiến các nhà phát triển ứng dụng không thể nào lách luật.

Qua những tranh cãi này, bạn sẽ thấy vị thế của Google có lợi cho Apple, và vị thế của Apple cũng có lợi cho Google. Sau cái chết của BBOS hay Windows 10 Mobile, các nhà phát triển ứng dụng muốn tham gia vào thị trường di động đều sẽ phải tìm đến nền tảng của Google hoặc Apple. Việc Fortnite buộc phải lên Play Store sau khi phát hành qua APK riêng hay việc Spotify buộc phải kiện Apple cho thấy, hai chợ ứng dụng của Google và Apple là con đường duy nhất mà các nhà phát triển/phát hành đều phải đi qua.

Nắm thị trường trong tay, Google và Apple buộc các nhà phát triển phải chấp nhận mất phần trăm doanh thu nếu muốn ứng dụng của họ đến tay người dùng di động. Khi ngay cả những tên tuổi lớn như Epic và Spotify đều đã phàn nàn về "thuế ứng dụng" và rồi chấp nhận phần thua, các nhà phát triển khác đều hiểu rằng họ chỉ có lựa chọn duy nhất là trích phần trăm doanh thu cho 2 ông lớn thống trị.

Ấy thế mà trong các vụ kiện, chẳng ai lại có thể nói Apple và Google độc quyền cả. Nếu Spotify không chấp thuận các chính sách của Apple, chắc chắn Apple sẽ đưa ra luận điểm rằng Spotify có thể ngừng phát hành qua nền tảng của Apple và chuyển sang một nền tảng khác đang nắm đến 80% thị phần (Android). Còn Epic, nếu dám "hục hặc" với Google chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời: nếu chê Google, hãy đưa Fortnite lên một chợ ứng dụng đang nắm phần doanh thu lớn hơn (App Store). Trên giấy tờ, các nhà phát triển có 2 lựa chọn. Nhưng trong thực tế, 2 lựa chọn này đều nặng nề như nhau: 30% doanh thu trong năm đầu và 15% các năm tiếp theo đó.

Chưa dừng lại ở đây, Apple và Google sẽ đem vị thế độc quyền này để chèn ép cả các nhà cung ứng phần cứng. Năm 2017, Apple đột ngột dừng trả phí bản quyền cho Android và thực hiện chiến tranh pháp lý đến tận năm ngoái mới làm hòa. Trong nửa đầu thập niên 2010, Google dùng quyền phủ quyết chặn tất cả các đối tác gia công không được phép sản xuất thiết bị Android không do Google trực tiếp cấp phép. Ngoài mặt thì ghét nhau, nhưng trong lòng, Google và Apple đang cùng nhau thiết lập một gọng kềm sắt đá lên nền công nghiệp di động toàn cầu.

Liam
Thao Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét