TheLEADER - Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều nhà hàng, quán cà phê, giải khát rơi vào tình cảnh khó khăn. Chỉ trong vài tháng, toàn bộ ngành F&B đã phải chuyển mình, thích nghi với đại dịch, tạo nên xu hướng mới và có thể tồn tại ngay cả khi bệnh dịch qua đi.
Các ông lớn ngành F&B chuyển mình
Để tiếp tục duy trì doanh thu, các nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát buộc phải chuyển đổi nền tảng kinh doanh. Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đến cả chuỗi nhà hàng của Golden Gate - doanh nghiệp F&B vốn "nói không với các dịch vụ đặt hàng online" cho các chuỗi cao cấp như GoGi, Hutong, Manwah cũng đã thay đổi chiến lược.
Bên cạnh đó, các chuỗi nhà hàng, café lớn khác như RedSun, Starbucks, The Coffee House cũng phải đẩy mạnh đầu tư cho nền tảng đặt hàng trực tuyến vốn có của mình.
Cụ thể, như trường hợp Starbucks Việt Nam, khi các thành phố lớn yêu cầu đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết vào cuối tháng 3/2020, doanh thu từ mảng giao hàng của Starbucks Việt Nam đã tăng 50% so với mức doanh thu bình quân tháng.
Golden Gate kịp thời tung ra các gói dịch vụ G-Delivery và I-cook giao hàng tận nhà với các combo đồ nướng và lẩu đặc trưng. Golden Gate cũng đẩy mạnh quảng cáo các món ăn chế biến sẵn từ chuỗi nhà hàng trong hệ thống, thậm chí cho phép khách hàng mượn bếp nướng hoặc lẩu tại nhà miễn phí.
The Coffee House thì tung ra ưu đãi tất cả các đơn hàng từ 50.000 đồng trở lên đều được miễn phí vận chuyển. Cũng nhờ có nền tảng ứng dụng có sẵn mà doanh thu đơn hàng từ mảng giao hàng tính tới ngày 29/3/2020 đã tăng 30% so với tuần trước đó.
Các dịch vụ trong mùa Covid-19 đã tạo điều kiện cho khách hàng được trải nghiệm thưởng thức những món ăn yêu thích ngay tại nhà. Sự thuận tiện này có tác động đáng kể đến thói quen sử dụng dịch vụ của thực khách trong mùa dịch và có khả năng kéo dài sau mùa dịch khi mùa nắng nóng tới.
Cơ hội nào cho những đơn vị "thấp bé nhẹ cân"
Theo báo cáo "Thích nghi với Covid-19" thực hiện bởi Adsota, so với các thương hiệu lớn, các đơn vị F&B tầm trung và nhỏ trong thời gian này gặp nhiều khó khăn vì tiền mặt bằng, cơ sở vật chất mất đi không thể bù lại được bằng lượng khách online. Vì vậy, họ buộc mình phải thích nghi nhanh hơn bằng việc lập tức đẩy mạnh kênh online, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Rất nhiều doanh nghiệp F&B vừa và nhỏ đã quen với việc hoạt động online thông qua các ứng dụng giao hàng như Grab, Loship, Now, GoViet,... hoặc tự vận hành qua các kênh mạng xã hội phổ biến như: Facebook và Instagram.
Vì vậy, việc tối ưu kênh trực tuyến được triển khai nhanh chóng hơn so với các chuỗi nhà hàng lớn, do lượng nhân sự không quá lớn, dễ điều phối. Việc kinh doanh online không chỉ giúp hạn chế tối đa thiệt hại trong mùa dịch,mà còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch..
Cloud kitchen - cơ hội mới của ngành F&B?
Xu hướng "Cloud kitchen" là các dịch vụ ăn uống cung cấp trực tiếp bởi nhà hàng qua các nền tảng đặt hàng online vốn đã tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới nhưng cho đến thời gian này mới thực sự lên ngôi.
Nhờ có đợt giãn cách xã hội, không chỉ các doanh nghiệp mà người dùng đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với hình thức kinh doanh F&B "tưởng mới mà không mới" này.
Tuy nhiên, "Cloud kitchen" vẫn gặp một số khó khăn do sử dụng bao bì nhựa không thể tái sử dụng trong khi người dùng mùa dịch càng ngày càng để ý hơn đến các vấn đề sức khỏe và môi trường. Bên cạnh đó, trải nghiệm tại nhà hàng và cảm giác đặc biệt khi được phục vụ vẫn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn của khách hàng
Trong thời gian cách ly và hậu cách ly, nhiều người dùng vẫn còn chần chừ không muốn qua lại nhà hàng do vẫn còn tâm lý đề phòng dịch bệnh. Vì vậy, "Cloud kitchen" vẫn là hình thức mà các nhà hàng có thể tận dụng kết hợp với các chiến dịch digital marketing để không chỉ tối đa lợi nhuận trong thời điểm này mà còn đẩy mạnh nhận diện thương hiệu trên các kênh truyền thông.
Việt Hưng