Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên ồ ạt từ sự đồng thuận của cả người dân và chính phủ Ấn Độ sau đụng độ ở biên giới.
Người Ấn Độ đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và Chính phủ Ấn Độ đã cam đoan sẽ chặn đầu tư và tăng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sau vụ đụng độ chết người tại biên giới hai nước.
Trong một thông cáo chính thức, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thêm hàng rào thuế quan với 300 loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Truyền thông Ấn Độ cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước và tư nhân loại bỏ tất cả các hợp đồng sẽ ký với Trung Quốc trong tương lai. Các nhà thầu Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia nhiều dự án trong thời gian tới, bao gồm cả dự án nâng cấp mạng lưới 4G hiện tại của Ấn Độ.
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng lực lượng ở vùng biên giới tranh chấp tại tỉnh Ladakh, dẫn đến nhiều vụ chạm trán giữa binh lính hai bên. Một ứng dụng của Ấn Độ cho phép người dùng tìm kiếm và xóa bỏ các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc đã đạt 5 triệu lượt tải trước khi bị Google gỡ bỏ.
Với diễn biến bạo lực đẫm máu mới đây, làn sóng này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với sự hưởng ứng từ cả phía chính quyền.
Kỹ sư người Ấn - ông Sonam Wangchuk, người dân tỉnh Ladakh, cho biết Trung Quốc gần đây càng ngày càng ngang ngược. Họ ngang nhiên lấn đất và rào chặn những mảnh đất chăn nuôi dê lâu đời của chúng tôi. "Nếu chúng ta đối phó bằng quân sự, đó là điều họ đã chuẩn bị", Sonam Wangchuk chia sẻ. "Làm tổn hại về kinh tế mới làm họ ái ngại, Ấn Độ đã chi không biết bao nhiêu tiền nhưng chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy của họ và nhìn rõ Trung Quốc là một con sói, một đất nước ăn cướp".
Từ thứ 2, làn sóng chống Trung Quốc bùng nổ khắp Ấn Độ. Nhiều thước phim ghi lại nhiều người vứt bỏ tivi của Trung Quốc từ ban công. Tại thủ đô Delhi, Hội Phúc lợi người dân chống lệ thuộc, cũng “tuyên chiến” với Trung Quốc bằng biện pháp tẩy chay hàng hóa.
Liên đoàn Thương nghiệp Ấn Độ cũng hưởng ứng với kế hoạch tẩy chay 3.000 loại hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Dự án xây dựng đường điện ngầm ở Delhi mà chính quyền đã ký với nhà thầu Trung Quốc cũng chịu nhiều áp lực bãi bỏ. Tổng Bí thư Đảng Đối lập - ông Priyanka Gandhi cáo buộc Chính quyền Ấn Độ đã “quỳ gối” khi ký kết với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến chống lại làn sóng trên. Tờ Global Times nhận định rằng làn sóng tẩy chay là “không thực tế và chỉ gây tổn hại cho bản thân nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á khi tạo nên nhiều chia rẽ với nền kinh tế đứng đầu khu vực”.
Nguồn The Guardian
Phùng Mỹ dịch