(TBKTSG Online) – Từ chiều ngày 3-6, thị trường di động Việt Nam đã có thêm mạng di động ảo Reddi sử dụng đầu số 055 do Công ty Cổ phần Mobicast đầu tư. Đây là mạng di động ảo thứ 2 trên thị trường di động Việt Nam sau mạng di động ITelecom do công ty Đông Dương Telecom đầu tư đã ra mắt cách đây hơn một năm.
Lễ ra mắt mạng di động ảo Reddi. Ảnh: DNCC |
Cũng giống ITelecom, mạng di động ảo Reddi sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Mạng di động ảo là mạng di động kinh doanh dịch vụ di động mà không đầu tư hạ tầng mạng, đi thuê hoặc hợp tác với mạng di động khác về hạ tầng để cung cấp dịch vụ di động của mình. Có thể hiểu cả Reddi và Đông Dương Telecom đều mua buôn dịch vụ di động của VNPT để cung cấp cho khách hàng.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 5 nhà mạng di động có hạ tầng là Viettel, MobiFone, VNPT, Vietnamobile và Gtel. Sinh sau đẻ muộn, Reddi cho biết sẽ tập trung cung cấp viễn thông và dịch vụ số cho khách hàng trẻ, hiện đại, thông qua nền tảng ứng dụng di động (mobile app). Mobicast cho biết Reddi sẽ không chạy theo cuộc đua về giá cước mà nhắm đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Mobicast sẽ kết hợp các nhà cung cấp dịch vụ số để cung cấp các công nghệ và dịch vụ mới, sẽ cá nhân hóa dịch vụ cho khách hàng của Reddi...
Được biết, cách đây một năm mạng di động ảo đầu tiên tại Việt Nam là ITelecom đã ra mắt thị trường Việt Nam với đầu số 087. Thời điểm ra mắt, nhà mạng không hạ tầng nay cũng cho biết sẽ đi vào thị trường ngách, cung cấp sản phẩm, dịch vụ di động cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, sau lễ ra mắt mạng, ITelecom không hề công bố về kết quả kinh doanh mà nhà mạng này đạt được cho đến bây giờ.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện thị trường di động Việt Nam đang có tổng thuê bao khoảng 126 triệu. Tuy nhiên, số doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao lại thấp, chỉ khoảng chưa đến 100 ngàn đồng/một thuê bao trong một tháng. Do đó các chuyên gia cho rằng thị trường hiện cạnh tranh rất khốc liệt nên khó có cơ hội cho các mạng di động ảo.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch tập đoàn Viettel, cho rằng mạng ảo chỉ thành công ở một số nước châu Âu, nơi có doanh thu trung bình trên thuê bao cao. Khi giá di động còn cao thì ra mạng ảo (do tiết kiệm được chi phí, không phải đầu tư hạ tầng) mới có thể giảm giá. Nhưng mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động tại Việt Nam hiện đã khá thấp rồi, trung bình chỉ khoảng 70.000-90.000 đồng mỗi tháng, thì nhà mạng ảo rất khó cạnh tranh.
Thêm nữa, theo ông Dũng, mạng ảo chỉ có thể sống khi mạng thật chưa có kênh bán hàng rộng khắp. Nhưng giờ các nhà mạng thật cũng bán lẻ khắp nơi với hệ thống cửa hàng dày đặc và các đại lý trên cả nước kết hợp với bán qua mạng, thì các mạng ảo không có “cửa”.
Ngoài ra, dù nhà mạng ảo có lợi thế là không phải đầu tư hạ tầng mạng, nhưng rủi ro cũng rất lớn vì nếu không bán được hết gói dịch vụ mua theo giá sỉ của các mạng thật, khoảng một triệu phút, thì vẫn phải trả đủ tiền và sẽ lỗ. Hiện các nhà mạng thật có mạng lưới cửa hàng dày đặc, đủ các kênh bán hàng mà phát triển thuê bao mới còn khó, huống chi là mạng ảo.
Ông Dũng phân tích: “Bản chất khi có thêm mạng di động ảo là các nhà mạng sẽ phải chia sẻ doanh thu chứ không có thêm khách hàng mới. Như vậy nhà mạng ảo khó lấy được thuê bao của nhà mạng thật.”
Còn theo các chuyên gia viễn thông, mạng di động ảo có thể sống sót hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh của nhà mạng đó. Sẽ khó thành công nếu họ đơn thuần chỉ xin cấp phép để đi bán lại các dịch vụ tương tự của nhà mạng thật mà không tìm được thị trường riêng cho mình, không tạo ra được ưu thế riêng biệt của mình.
Vân Ly