Thế hệ Y được các doanh nghiệp ngành Dược và Thiết bị y tế mong muốn tuyển dụng nhất. 5 yếu tố mô tả về Thế hệ Y được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn hẳn các nhóm thế hệ còn lại là: Hiệu suất công việc tốt; Khả năng ngoại ngữ tốt nhất; Ðề cao thay đổi và sáng tạo; Quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện; Ðề cao cân bằng công việc – cuộc sống.
Vì đâu Thế hệ Y được doanh nghiệp ngành Dược mong muốn tuyển dụng nhất?
"Có đến 86% nhà tuyển dụng cho biết họ ưu tiên tuyển dụng thế hệ Y cho doanh nghiệp", Báo cáo về "Đặc thù trong tuyển dụng và môi trường làm việc trong ngành Dược và Thiết bị Y tế" do Navigos Group công bố cho biết. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát 601 ứng viên và 43 doanh nghiệp.
Thế hệ Y là những người sinh trong giai đoạn 1980 – 1996.
Tỷ lệ nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển dụng Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 trở đi) chỉ ở mức 11%, tỷ lệ muốn tuyển dụng thế hệ X (sinh từ năm 1960 – 1979) ở mức 3%.
Lý giải cho mức chênh lệch trong mong muốn tuyển dụng này, báo cáo của Navigos Group cho biết khi được yêu cầu mô tả về chân dung người lao động tại doanh nghiệp, Thế hệ Y được nhà tuyển dụng khắc họa rõ nét nhất với nhiều đặc điểm nổi trội hơn với nhóm còn lại.
Theo đó, 5 yếu tố được nhiều tuyển dụng mô tả nhiều nhất về Thế hệ Y, đồng thời các yếu tố này cũng đạt tỷ lệ đánh giá cao hơn các nhóm thế hệ còn lại, lần lượt là: Hiệu suất công việc tốt; Khả năng ngoại ngữ tốt nhất; Ðề cao thay đổi và sáng tạo; Quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện; Ðề cao cân bằng công việc – cuộc sống.
Nhân sự thuộc Thế hệ X là nhóm tiếp theo được mô tả rõ hơn từ ý kiến của nhà tuyển dụng. Theo đó, có 2 mô tả giống với Thế hệ Y (mặc dù tỷ lệ chiếm không cao như Thế hệ Y). Ðó là Có mối quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện; Ðề cao cân bằng công việc – cuộc sống. Nhóm này cũng thể hiện xu hướng ổn định và gắn bó với tổ chức hơn.
Bên cạnh yếu tố coi trọng cân bằng cuộc sống – công việc, các mô tả khác chiếm tỷ lệ cao hơn cả các nhóm khác nên thể hiện rất rõ sự cam kết gắn bó của nhóm này. Ðó là: Thích một công việc ổn định; Ðề cao lòng trung thành với tổ chức.
Ðây là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp Dược/Thiết bị Y tế tại Việt Nam phát triển vượt bậc
Theo kết quả từ hãng nghiên cứu thị trường BMI đưa ra dự báo ngành Dược/Thiết bị Y tế tại Việt Nam tăng trưởng kép - CAGR giai đoạn 2012 – 2021 khoảng 10,6%, chi tiêu thuốc bình quân đầu người tiếp tục giữ vững ở mức 14%. Cũng theo IMS Health, Việt Nam được xếp vào nhóm Pharmerging Markets – là nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group Việt Nam nhìn nhận: "Ngành Dược/Thiết bị Y tế tại Việt Nam hiện nay sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển như: nền kinh tế tăng trưởng liên tục, thị trường tiêu dùng ngày một trưởng thành hơn, nhận thức về sức khỏe và hành vi sử dụng các sản phẩm Dược của người dân Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực, nhân lực ngành Dược có chuyên môn cao… Ðây được xem là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp Dược/Thiết bị Y tế tại Việt Nam phát triển vượt bậc".
"Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược giữ chân nhân tài chưa đạt hiệu quả vẫn còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Dược để bứt phá".
Từ báo cáo, Navigos Group đưa ra 6 đề xuất để doanh nghiệp có những chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn, gồm:
- Áp dụng những giải pháp phi tài chính phù hợp với mong đợi của người lao động
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ tầm vi mô đến vĩ mô
- Thương hiệu nhà tuyển dụng xây dựng trên nền tảng văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp
- Đẩy mạnh văn hóa học tập để chuẩn bị cho môi trường đa thế hệ
- Tối ưu hóa và đa dạng kênh tuyển dụng
- Sử dụng các công cụ đánh giá trí tuệ và cảm xúc.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ