GDP quý II của Singapore suy giảm mạnh nhất trong lịch sử và phá vỡ mọi dự đoán của các chuyên gia.
Thông báo của Bộ thương mại và công nghiệp Singapore cho thấy nền kinh tế này suy giảm 41,2% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước, mức cao lịch sử và vượt dự đoán giảm 35,9% của Bloomberg. Đây là quý suy giảm thứ 2 liên tiếp, qua đó khiến Singapore chính thức suy thoái kỹ thuật khi có 2 quý tăng trưởng âm liền nhau.
Trong khi đó, hãng tin Reuters đã dự đoán nền kinh tế Đông Nam Á này sẽ chỉ giảm 10,5% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng tình hình thực tế có vẻ tồi tệ hơn nhiều.
Trước đó, GDP quý I/2020 của Singapore đã giảm 0,7%, báo hiệu một cuộc khủng hoảng lớn tại nền kinh tế này.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách phòng dịch đã tác động tiêu cực đến thị trường. Việc đóng cửa phần lớn nhà máy cũng như trường học đã ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh của Singapore, nhất là trong mảng tiêu dùng.
Hãng tin Reuters cho biết doanh số bán lẻ của Singapore trong tháng 5/2020 đã giảm 52,1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1986.
Tồi tệ hơn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng đang khiến nhiều hoạt động xuất nhập khẩu và tài chính của Singapore bị ảnh hưởng.
Chính phủ Singapore cũng khá bi quan về tình hình khi dự báo nền kinh tế này sẽ suy giảm 4-7% trong năm nay. Mặc dù Singapore đã bơm 67 tỷ USD vào nền kinh tế để cứu trợ doanh nghiệp và hỗ trợ các hộ gia đình nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.
"Con đường hồi phục nền kinh tế trong những tháng tới sẽ vô cùng khó khăn. Chúng tôi dự đoán tốc độ hồi phục sẽ chậm và không dễ dàng. Nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu dùng yếu trong khi chính phủ sẽ phải tiếp tục lệnh giãn cách nhằm chống các đợt dịch thứ 2-3 trong tương lai bằng các biện pháp khắt khe hơn", Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nhấn mạnh.
Không riêng gì Singapore, nhiều nước trong khu vực cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Kinh tế Thái Lan dự báo suy giảm 8,1% trong năm nay, mức tệ nhất khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế Ấn Độ, Indonesia cũng đang phải vật lộn với số người nhiễm bệnh ngày một tăng.
"Thậm chí nếu nền kinh tế mở cửa trở lại từ đầu tháng 6/2020, ví dụ như cho các cửa hàng nhỏ hoạt động trở lại thì chúng cũng không thể quay về mức bình thường trước dịch bởi chẳng có du khách nào đến Singapore mua sắm thời điểm này", Chủ tịch Ho Meng Kit của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) ngậm ngùi thừa nhận.
AB
Theo Tổ Quốc/Bloomberg