(TBKTSG Online) - “Chúng tôi đã bắt đầu kích hoạt kịch bản thứ ba, kịch bản cho tình huống xấu nhất. Mô hình kinh doanh trong bối cảnh hiện nay phải rất linh động, thay đổi và ứng biến”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dynamic Retail, chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng mật ong Beera cho biết. Nhiều doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu như ông Dũng đã có kế hoạch ứng phó cho tình huống xấu nhất là sẽ phải đóng cửa các cửa hàng nếu thực hiện giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng.
Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Dũng cho biết, với thị trường Đà Nẵng, thành phố hiện đang phải thực hiện giãn cách xã hội khi các ca dương tính với virus Sars-CoV-2 lần lượt được phát hiện, Beera gửi lượng hàng lớn cho đại lý và thực hiện giao hàng tận nhà khi khách mua trực tuyến (online). Trong trường hợp TPHCM, nơi Beera có cửa hàng phải thực hiện các quy định về giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, Beera sẽ tập trung vào một điểm bán là cửa hàng giới thiệu sản phẩm nằm ở văn phòng công ty, đóng các cửa hàng khác. Lúc này, kênh giao tiếp với khách hàng từ xa (qua hotline, messenger, zalo…) sẽ được tăng cường để bán hàng. Hàng hóa cũng đã được lấy thêm, doanh nghiệp chấp nhận tồn kho để có nguồn hàng sẵn sàng giao đi.
Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty cổ phần 25FIT, chủ sở hữu hệ thống phòng tập cùng tên, cho biết, ngay từ đầu tuần, công ty đã kích hoạt trở lại quy trình phòng chống dịch (rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang) và mở bán lại dịch vụ tập tại nhà (25FIT at Home), sản phẩm đã được cung cấp từ lần giãn cách xã hội trước.
Ông Long nhấn mạnh, công ty này đang có kế hoạch đưa dịch vụ tập tại nhà (huấn luyện viên mang theo máy móc, dụng cụ tập luyện gói gọn trong một ba – lô đến nhà của khách hàng để hướng dẫn) thành sản phẩm chính, không phải là sản phẩm dự phòng như trước. Mục đích là để thích ứng với tình huống xấu nhất là dịch bệnh kéo dài.
So với cách đây 3 tháng, thời điểm 25FIT tung ra dịch vụ tại nhà lần đầu, việc vận hành đã thuận lợi hơn nhờ chuỗi này đã có thêm 5 trung tâm ở 5 quận khác nhau (trước đây là 1 điểm tại quận 3), giảm được thời gian đi lại cho huấn luyện viên, tiết kiệm được chi phí cho khách hàng…
“Dịch Covid hay bất kỳ dịch bệnh nào khác, đều là những thứ chúng tôi không bao giờ kiểm soát được. Dù là làn sóng thứ hai, thứ ba hay thậm chí là thứ n thì chúng tôi cũng sẵn sàng đối mặt. Tâm thế, vị thế lần này rất khác, hoàn toàn chủ động”, ông Long nói.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH BeeSchool Việt Nam, đơn vị sở hữu thương hiệu trung tâm dạy tiếng Anh dành cho trẻ em từ 3 đến 10 tuổi BeeSchool với 6 chi nhánh ở Hà Nội, Quảng Ninh và Thái Bình cũng đồng quan điểm. Ông cho biết, nếu phải đóng cửa các trung tâm thì ông cũng sẽ không ngồi im chịu trận như lần trước. Bởi lẽ, ông đã sẵn sàng về tâm lý cũng như đã có phương án đối mặt.
Ở thời điểm hiện tại, BeeSchool đã có thêm sản phẩm mới: đồ chơi giáo dục về tiếng Anh do công ty tự phát triển, bên cạnh dịch vụ dạy tiếng Anh cho trẻ. Sản phẩm này hiện đang được phân phối ở các trung tâm BeeSchool cũng như trên kênh trực tuyến (website, fanpage của công ty và một số sàn thương mại điện tử), đem lại doanh thu ổn định. “Trong điều kiện bình thường thì doanh thu dịch vụ có thể chiếm tới 90%, còn lại là từ sản phẩm đồ chơi giáo dục. Nhưng nếu dịch bùng phát, trung tâm phải đóng cửa thì cơ cấu sẽ khác. Đó sẽ là nguồn thu để chúng tôi đảm bảo việc làm cho nhân viên, duy trì công ty”, ông Dũng nói và giải thích thêm, cung cấp sản phẩm là phương án tối ưu với BeeSchool trong bối cảnh hình thức học tiếng Anh trực tuyến không thực sự được khách hàng của trung tâm hào hứng, hiệu quả không cao.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Giám đốc điều hành chuỗi Star Home Spa (5 chi nhánh) chia sẻ, sau đợt dịch trước, tâm thế của các thành viên trong công ty là dịch có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nên đã chuẩn bị sẵn sàng các “vũ khí”.
Theo đó, nếu trường hợp các cửa hàng phải đóng cửa, Star Home Spa sẽ đẩy mạnh bán dịch vụ tại nhà và sản phẩm làm đẹp thương hiệu riêng. So với lần giãn cách xã hội trước, các sản phẩm dịch vụ ở thời điểm này đã được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn nhờ đã có thời gian đào tạo thêm nhân viên, nghiên cứu thị trường.
Nhà đầu tư “không sợ dịch”
Theo ông Long, dịch vụ tập tại nhà có thể mang đến doanh thu bằng 40% so với bình thường. Con số này đảm bảo cho các nhà đầu tư phòng tập theo hình thức nhượng quyền vẫn có lãi dù có phải đóng cửa trung tâm. Tất nhiên không bằng bình thường nhưng duy trì được việc làm, thu nhập cho nhân viên, trang trải các chi phí mặt bằng. Lý do là mô hình phòng tập của 25FIT nhỏ, chi phí cố định chỉ khoảng 150 triệu đồng/tháng (thuê mặt bằng, nhân viên).
“Chúng tôi cam kết điều này với các nhà đầu tư đang muốn mua nhượng quyền thương hiệu 25FIT. Có lẽ vì vậy mà các nhà đầu tư thấy dịch bùng phát lại nhưng hai ngày qua vẫn ký hợp đồng ghi nhớ để triển khai trung tâm mới. Từ đây đến cuối năm chúng tôi còn mở 4 địa điểm nữa”, ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, ở thời điểm hiện tại, giá mặt bằng giảm xuống khá nhiều so với trước dịch nên thuận lợi để phát triển cửa hàng mới.
Bà Ngân tính toán, mỗi chi nhánh chỉ cần có 10 lượt khách làm dịch vụ tại nhà là đã có thể đảm bảo nguồn thu để duy trì hoạt động, giữ chân khách hàng. Do vậy, Star Home Spa đang đưa dịch vụ này là mũi nhọn trong thời gian tới, dù có hay không có giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, chuỗi này cũng đa dạng hóa mô hình spa. Theo đó, sẽ có mô hình ki-ốt cung cấp một dịch vụ (chăm sóc móng hoặc massage chân) nằm ở các trung tâm thương mại hay cửa hàng nhỏ, có các dịch vụ làm đẹp cơ bản, mở tại các khu căn hộ…
Cho đến thời điểm này, các nhà đầu tư mua nhượng quyền vẫn hào hứng. Họ nói vui rằng họ không sợ Co vi bằng cô hồn hơn nên chỉ chờ qua tháng Bảy âm lịch là triển khai”, bà Ngân thông tin.
Ông Dũng cho biết, theo kế hoạch trước đây, chuỗi cửa hàng Beera dự kiến ra mắt vào tháng 4-2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh, mọi thứ đã phải dời lại đến tháng 6. Trong vòng một tháng, doanh nghiệp đã mở 3 cửa hàng và cũng đã đóng 1 trong số này. Nguyên nhân không phải là thua lỗ mà theo kế hoạch đo đếm thị trường, hiệu chỉnh mô hình. Hợp đồng với bên cho thuê mặt bằng cũng đã chuẩn bị sẵn cho tình huống này.
Điều đó có nghĩa, kinh doanh trong bối cảnh này là phải luôn có kịch bản ứng biến cho mọi tình huống có thể xảy ra, mô hình kinh doanh phải đủ linh hoạt để tùy biến theo tình hình thị trường.
“Chỉ mới hôm nay chúng tôi vừa chốt việc thuê mặt bằng mới để mở rộng một điểm bán. Chúng tôi đầu tư là tầm nhìn dài hạn và luôn kiên định với kế hoạch của mình. Câu chuyện là trong các bối cảnh khác nhau thì sẽ có các kịch bản khác nhau. Quan trọng là phải chuẩn bị sẵn sàng để thực thi kịch bản”, ông Dũng nói.
Minh Tâm