Google, Apple hay Samsung đều có chung 'công thức thành công' về quản trị nhân sự bất kỳ công ty nào cũng muốn học hỏi

Sự thành công và nổi tiếng của các gã khổng lồ trên thế giới như Google, Apple, Samsung đã cho thấy họ có cách quản trị nhân sự hiệu quả, có văn hóa doanh nghiệp đặc sắc để thu hút, giữ chân người tài.
Google

Nhân viên được tự do trong khuôn khổ

Laszlo Bock, cựu Phó Chủ tịch phụ trách mảng vận hành nhân sự của Google chia sẻ: "Hãng luôn cố gắng tạo ra những điểm sinh hoạt chung mà mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau". Nhân sự làm việc tại Google sẽ luôn được tự do đưa ra ý tưởng. Google café là nơi nhân viên được khuyến khích gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò và chia sẻ quan điểm của mình về công việc cũng như cuộc sống.

Lý giải cho chiến lược quản lý nhân sự  này, ông Laszlo Bock đã nói rằng:

"Khi thực hiện chiến lược quản trị như thế, nhân viên sẽ biết bản thân được tự do trong một chừng mực nhất định và có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn trong khuôn khổ đó. Nếu một người quản lý kìm kẹp, can thiệp sâu và nhúng tay vào quá nhiều việc, cấp dưới sẽ chẳng biết đường nào mà lần. Khi ấy, phần lớn trường hợp nhân viên sẽ không biết điều gì nên hay không nên làm, dần dà dẫn tới sự bức bách và bó hẹp trong môi trường làm việc."

Thay vì tập trung vào lãnh đạo Google tập trung vào nhân viên 

Thay vì cách quản lý nhân sự truyền thống là tập trung vào lãnh đạo, Google tập trung vào nhân viên và việc thay đổi cục diện này giúp nhân viên tự tin hơn vào năng lực của mình.

Ở cấp cao hơn như cấp độ đội nhóm, Google cũng thường xuyên phỏng vấn nhân viên quản lý và dựa trên các thông tin này để đánh giá năng lực của họ. Nhà quản lý tốt nhất sẽ trở thành hình mẫu cho các nhà quản lý khác, đồng thời sẽ là người dạy kỹ năng quản lý cho năm tiếp theo. Các nhà quản lý nhận nhiều phàn nàn nhất sẽ phải tham gia các khóa huấn luyện tăng cường nhân lực.

Đặt giá trị tinh thần làm mục tiêu kinh doanh

Khác với cách quản lý nhân sự của các doanh nghiệp lớn trên thế giới là tập trung vào lợi ích, lợi nhuận của công ty, Google lại đặt giá trị tinh thần làm mục tiêu kinh doanh.

Theo Laszlo Bock nói: "Nhiệm vụ thế này giúp cho mỗi cá nhân tìm ra được ý nghĩa trong công việc của mình, vì nó gắn liền với các giá trị đạo đức và tinh thần hơn chỉ đơn thuần là một mục tiêu kinh doanh".

Chính vì chiến lược quản lý nhân sự đặc biệt không giống ai này mà Google thu hút và giữ chân được các nhân tài đến với mình. Google cho nhân viên của mình thấy, họ đang cho nhân viên một sự nghiệp chứ không phải là một công việc đơn thuần.

Apple

Kiểm soát thời hạn và hiệu suất làm việc

Tập đoàn "táo khuyết" Apple quản trị nhân sự bằng cách giao nhiệm vụ cùng với thời gian cụ thể để hoàn thành. Apple quan niệm nhân viên cần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đi đúng hướng và mục tiêu của công ty. Việc trì trễ thời gian làm việc cho dù bất cứ lý do nào là điều không thể chấp nhận được tại Apple. Nhà quản lý nhân sự bằng mọi cách phải đảm bảo nhân viên hoàn thành công việc đúng hạn.

Mở rộng "vùng trời" cho nhân viên tự do phát triển

Tập đoàn Apple đi đầu về phát triển công nghệ ứng dụng, sản phẩm thông minh được nhiều người dùng trên thế giới tin tưởng. Để làm được điều đó, nhân viên tại Apple đều phải sáng tạo, tu duy không ngừng. Tại tập đoàn "táo khuyết" nhân sự phải "think outside the box" mạnh mẽ và liên tục. Nhân viên của Apple luôn có "một vùng trời" sáng tạo riêng cho mình, để có thể tự xây dựng và cải tiến sản phẩm mỗi ngày.

Chú trọng cân bằng giữa cuộc sống và công việc

Quản trị nhân sự tại Apple không chỉ chú trọng vào công việc tại công ty mà còn chú ý quan tâm đến cuộc sống cá nhân của nhân viên. Mục tiêu của Apple luôn chú trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên. Họ làm việc chăm chỉ và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình.

Với chính sách chăm sóc sức khỏe tuyệt vời cho đến sự hào phóng trong các ngày nghỉ lễ hàng năm đều khiến nhân viên tại Apple yêu quý công việc mà hãng tạo ra.

Samsung

Nhân viên làm việc không theo giờ "chuẩn"

Thông thường các công ty Hàn Quốc làm việc từ 9h sáng và kết thúc vào 6h tối. Tuy vậy, ông chủ tập đoàn Samsung lại đưa ra khung giờ làm việc bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 4h chiều.

Thời gian còn lại của buổi chiều, các nhân viên của công ty có thể dành cho gia đình và các hoạt động xã hội. Hoặc thời gian được về sớm hơn bình thường đó, nhân viên của công ty có thể tham  gia các khóa đào tạo ngoài giờ của tập đoàn. Điều đó cho thấy, trong cách quản lý của ông Lee Kun Hee, ông muốn nhân viên của mình vừa học vừa làm, thời gian học không ảnh hưởng đến thời gian làm và học là để áp dụng vào làm việc.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nhân viên

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nhân viên là cách ông Lee Kun Hee tạo động lực phấn đấu và giữ chân "nhân tài" cho tập đoàn. Ông sẵn sàng sa thải 5-10% nhân viên không có tiến bộ, không có sự thay đổi trong năng suất và hiệu quả làm việc. Ông cũng giáng chức 25%-30 và chỉ giữ lại 5-10% nhân viên xuất sắc để đào tạo trở thành cán bộ cấp cao.

Chính bởi cách quản lý nhân sự "nghiêm khắc" này, chủ tịch tập đoàn Samsung luôn thúc giục nhân viên của mình phải cố gắng mỗi ngày, cố gắng không ngừng nghỉ để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nhân viên cũng chính là cách ông chủ Samsung giữ chân "nhân tài" của mình. Nhân viên "giỏi" sẽ được cạnh tranh với nhân viên "giỏi" để nhanh chóng hoàn thiện bản thân.

Phát triển nhân tài ở tầm quốc tế

Một trong những cách quản lý nhân sự ít tập đoàn nào trên thế giới áp dụng được như ở Samsung đó là "phát triển nhân tài ở tầm quốc tế". Tất cả các nhân viên đã làm việc lâu năm tại tập đoàn hoặc có thời gian làm việc ít nhất 3 năm sẽ được đi vòng quanh thế giới trong vòng 1 năm để học hỏi và trải nghiệm môi trường làm việc mới. Đây không phải là điều mà các tập đoàn lớn trên thế giới có thể làm được.

Nhân viên tại Samsung sẽ được học hỏi về nền văn hóa mới, ngôn ngữ mới tại các vùng miền và các quốc gia họ đi qua để khi trở về công ty họ có thể chia sẻ với các nhân viên khác, giúp ích cho công việc tại công ty. Cách phát triển nhân tài ở tầm quốc tế giúp họ nhanh chóng thích nghi với mọi hoàn cảnh và môi trường làm việc, có kiến thức sâu rộng và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của mỗi quốc gia.

HBR
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
0 Nhận xét