Thực tế phụ nữ chiếm đa số tại các mục nấu ăn trên truyền hình, trổ tài nấu tại gia hoặc trong trường quay, làm chủ nhà ăn ở căng tin trường học, công ty,…nhưng lại hiếm khi giữ vị trí bếp trưởng trong các nhà hàng, khách sạn lớn.
Nguyên nhân tất nhiên không phải từ sự phân biệt giới tính, thậm chí xét về sự khéo léo hay thẩm mĩ một nữ đầu bếp cũng không hề thua kém một đầu bếp nam. Tuy nhiên theo chuyên trang Hoteljob, công việc này có những đặc thù mà bếp trường là nam giới sẽ đáp ứng tốt hơn.
Nam giới có sức khỏe tốt hơn
Nghề bếp gắn liền với những công việc nặng nhọc và vô cùng áp lực. Bạn sẽ thấy rõ điều này ở vị trí bếp trưởng khi hàng ngày phải làm việc từ 12-14 giờ (thường là ban đêm), đứng liên tục ít nhất 5-6 tiếng; điều hành hàng chục nhân viên; chỉ đạo, phân công công việc chế biến phục vụ hàng trăm thực khách; trực tiếp thao tác với những cái chảo nặng vài kg trong một không gian nóng bức…
Chỉ khi có sức khỏe tốt, có sự dẻo dai, nhanh nhẹn, làm việc cường độ cao, chịu được áp lực công việc, một người mới đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn trong nghề. Đây là lý do tiên quyết lý giải thắc mắc tại sao hầu hết bếp trưởng nhà hàng, khách sạn lớn đều là nam.
Nam giới có khả năng tập trung cao độ trong công việc
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, khi trưởng thành, phần lớn nam giới sẽ có khả năng làm một việc ở mức tập trung cao độ; trong khi nữ giới dù có thể làm một lúc rất nhiều việc nhưng sẽ bị chi phối bởi nhiều vấn đề nhỏ nhặt khác và không hoàn toàn tập trung vào công việc đang làm.
Trong khi đó, sự tập trung ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng của việc bếp núc. Chỉ cần một chút lơ là, chểnh mảng, đầu bếp cũng có thể lỡ tay làm hư cả món ăn đặc sản của nhà hàng (món ăn quá mặn, bị cháy khét hoặc trang trí không đẹp,…). Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định rằng, nam giới một khi đã đặt niềm đam mê vào một lĩnh vực gì thì quyết tâm của họ sẽ mạnh mẽ hơn và ít bị tác động của ngoại cảnh.
Nam giới không có những "ngày khó ở"
Nghe có vẻ như đùa vui nhưng sự thật những "ngày khó ở" của phụ nữ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công việc và chất lượng món ăn. Người đầu bếp luôn cần có khẩu vị cân bằng trong chế biến để đảm bảo chất lượng món ăn, điều này sẽ không đáp ứng được ở những nữ đầu bếp nếu họ đang trong kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, phụ nữ cũng còn phải trải qua giai đoạn sinh đẻ, điều này khiến hoạt động sản xuất của nhà hàng bị đình trệ trong một khoảng thời gian rất dài và nhà hàng sẽ phải tốn thời gian cũng như chi phí để tìm kiếm và đào tạo người thay thế.
Vấn đề nữa là nữ giới thường tóc rất dài và dễ rụng hơn nam giới, do đó sẽ tăng khả năng rơi rớt vào món ăn cả trong sơ chế nguyên liệu cũng như khi chế biến, trang trí.
Nam giới có xu hướng tập trung phát triển sự nghiệp
Nấu ăn là nghề của cảm hứng sáng tạo và kỹ thuật điêu luyện. Trong khi phụ nữ thường có xu hướng sống thiên về gia đình, thích nấu những món ăn ngon cho chồng, con thưởng thức và chờ đợi lời khen từ họ; thì nam giới lại muốn chứng minh khả năng bản thân với những người xung quanh, vì thế họ đặt 99% mối quan tâm của mình cho sự nghiệp xã hội.
Điều này lý giải vì sao càng lớn, phụ nữ càng có ý muốn lui về chăm sóc tổ ấm; còn nam giới lại muốn vươn xa hơn trên con đường sự nghiệp, trở thành bếp trưởng trong các nhà hàng, khách sạn lớn.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ