Cashback biến tướng: Coi chừng “tham sáu đồng lãi mất năm mươi tư đồng vốn”

(TBKTSG) - Vài tháng trước, trên Facebook, không ít bạn hào hứng đăng thông tin về chương trình ưu đãi hoàn tiền của ví điện tử Momo. Vài ngày qua, một số bạn lại chia sẻ cảnh báo về các ứng dụng (app) hoàn tiền (cashback) biến tướng. Quả thật, rất khó để phân biệt chính - tà khi mọi thứ vẫn còn tranh sáng tranh tối. Nhưng dù gì, khi pháp luật còn đang loay hoay tìm phương thức điều chỉnh phù hợp, tránh để không gặp phải rủi ro vẫn tốt hơn là liều mình để rồi có ngày “được vạ má đã sưng”.
Cashback: Mới nhưng không lạ

Ít nhất thì hơn mười năm trước, nếu như hệ thống siêu thị Big C vẫn tự tin tự tại về chương trình bán hàng có ưu thế về... giá của mình thì Co.opmart đã phát hành được một lượng lớn thẻ thành viên. Ngoài mục đích nâng cấp thẻ, việc tích điểm khi mua hàng còn giúp khách hàng quy đổi ra tiền để mua hàng tiếp tục. Với một số khách hàng, số tiền lại quả là không lớn, nhưng với đa số người tiêu dùng theo trường phái “có còn hơn không”, chương trình tích điểm khi mua hàng của Co.opmart đã giúp hệ thống siêu thị bán lẻ thuộc hàng tốp này phát triển được mạng lưới khách hàng trung thành hùng hậu cho đến nay.

Có thể, Co.opmart không phải là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng mô hình này. Nhưng đây có thể được xem là cái tên tiêu biểu cho đến khi các chương trình tích điểm, hoàn tiền ngày một trở nên phổ biến và có thể gặp bất cứ đâu, như Grab, Tiki, the Coffee House..., hay hệ thống toàn cầu của Starbucks.

Thú vị hơn, các đơn vị trung gian mua sắm và thanh toán cũng tham gia và sử dụng chính sách ưu đãi này dù họ không phải là bên trực tiếp bán hàng.

Có thể thấy, trước khi trở thành một cái tên quen thuộc, hoàn tiền là một trong những chính sách ưu đãi hấp dẫn mà ví điện tử Momo đã áp dụng cho những khách hàng dùng Momo mua sắm và thanh toán cho đối tác của Momo.

Sự trỗi dậy của Momo đặt các ngân hàng và đơn vị phát hành thẻ thanh toán vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhiều ngân hàng vì vậy cũng đã đưa ra chương trình hoàn tiền khi dùng thẻ tín dụng (credit) họ phát hành để thanh toán. Hoàn tiền theo thẻ tín dụng từ đó chính thức đánh dấu cho phương thức khuyến mãi này trước khi có sự nở rộ của các trang web, app mua sắm có hoàn tiền như hiện nay.

Cảnh bảo cashback biến tướng

Người tiêu dùng bắt đầu nhận được thông tin cảnh báo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vào tuần trước. Theo đó, đã xuất hiện cashback biến tướng và thậm chí là có dấu hiệu... lừa đảo.

Có hai xu hướng biến tướng của cashback cần được lưu ý.

Thứ nhất, một số app áp dụng cashback đang chuyển sang phương thức... huy động vốn. Chính xác hơn, bên cạnh các cashback “thuần chủng”, một số app huy động vốn đã tranh thủ và chuyển hướng sử dụng cashback như một phương thức huy động vốn. Cụ thể, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các app biến tướng này thường yêu cầu người dùng (user)... nạp tiền vào tài khoản trên app để được tích điểm/tích số và được hoàn tiền theo số tiền đã nạp.

Thực ra, nạp tiền vào tài khoản (nhằm sử dụng cho các mục đích mua sắm sau đó) và nhận được chiết khấu ngay trên số tiền được nạp vào là hình thức ưu đãi không mới. Tại Nhật Bản, các hệ thống siêu thị lớn thường áp dụng chính sách ưu đãi này, như Donkihote, Bic Camere, Yodobashi, EDion... Thông thường, khi khách hàng nạp tiền trước vào thẻ thanh toán được phát hành hay được chỉ định mua/mượn thì được nhận trước phần trăm chiết khấu ngay trên tổng tiền nạp vào tài khoản đó.

Ở Việt Nam, người dùng có thể hình dung về phương thức này thông qua các chương trình khuyến mãi tiết kiệm trả lãi trước của một số ngân hàng. Phổ biến hơn là chương trình nạp thẻ trả trước của các mạng di động. Ngay khi nạp tiền vào tài khoản, khách hàng sẽ nhận số tiền khuyến mãi vào các tài khoản khuyến mại 1 hay 2 hay 3... dù tiền nạp vào tài khoản chính vẫn chưa được sử dụng.

Đương nhiên, chính sách sử dụng điểm/tiền được chiết khấu có những điều kiện, giới hạn riêng tùy thuộc vào mỗi hệ thống. Thực tế, sẽ có đơn vị chỉ cho phép sử dụng tiền đó để mua hàng tại cùng hệ thống, nhưng cũng sẽ có đơn vị nới lỏng hơn - cho phép mua hàng, hay gọi/nhắn tin cho các đối tác liên kết khác.

Song điều quan trọng là, cho dù có nhận được cashback trước hay sau thì mục đích của việc nạp tiền vào thẻ hay tài khoản trên trang web, app vẫn là... chi tiêu và với mong muốn giảm thiểu chi phí được thêm chừng nào tốt chừng đó.

Trong khi đó, thực tế mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang cảnh báo là nhiều app đang vận động “người chơi” bỏ tiền vào tài khoản để... kiếm lời từ việc tích điểm, nhận cashback. Nguy hiểm hơn, phương thức đa cấp trong huy động vốn qua ứng dụng cashback đã xuất hiện. Có nghĩa, người nào càng... nạp tiền nhiều, giới thiệu cho nhiều người khác tham gia và nhảy lên cấp độ cao hơn thì sẽ... được cashback “khủng” hơn.

Cũng tương tự, ưu đãi cho việc giới thiệu khách hàng mới cũng là phương thức tiếp thị và khuyến mãi không mới. Nhớ lại mấy năm đầu Grab mới vào thị trường Việt Nam, người dùng đã đăng ký app, kể cả tài xế, khi giới thiệu app cho một người mới cũng sẽ nhận được tiền vào tài khoản khuyến mãi.

Hay có thể đơn cử trường hợp của Whatsapp. Trước khi được Facebook mua lại, người sử dụng ứng dụng này dễ dàng tích điểm khi mỗi ngày đăng nhập, tham gia quay thưởng, xem quảng cáo hay thậm chí là... giới thiệu app cho một số điện thoại mới. Điểm này được hoán đổi để sử dụng cho cả các cuộc gọi (di động) quốc tế.

Điểm khác biệt trong mô hình cashback đa cấp là, nếu không cẩn thận - tham gia mạng lưới này với hy vọng được “ôm” tiền hoàn trả (với điều kiện sử dụng hạn chế) - thì người dùng sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro.

Tôi tạm gọi đó là rủi ro đổi... tiền thật để “ôm”... tiền ảo. Và đây cũng chính là xu hướng biến tướng thứ hai mà bài viết muốn đề cập đến.

Cụ thể, theo cảnh báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, phương thức huy động vốn mà các app hoàn tiền biến tướng sử dụng là kết nối hoạt động đầu tư bằng tiền “thật” của người dùng vào các mạng lưới đầu tư tiền ảo. Đương nhiên, ngoài rủi ro không được pháp luật bảo vệ trước những trục trặc phát sinh đối với loại tiền/tài sản chưa được thừa nhận này, nguy cơ lớn nhất là các hệ thống đầu tư tiền ảo đó có thể... sụp bất cứ lúc nào, kể cả tình huống nó có thể được dừng hoạt động theo như ý đồ của bên huy động “tiền thật” sau khi họ nhận thấy đã “ôm” đủ tiền. Đó là thực tế những gì đã diễn ra lâu nay với không ít mạng lưới huy động tiền ảo.

Chim tham ăn sa vào vòng lưới - Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu

Chung quy lại, nếu không tham gia cashback để đáp ứng nhu cầu mua sắm hằng ngày thì cần phải cẩn trọng trước những chiêu dụ. Nếu cần đầu tư thì phải ra quyết định đủ tỉnh táo. Đành rằng, đầu tư là mạo hiểm, là đối diện rủi ro, nhưng đầu tư không có nghĩa là đặt đồng tiền vào một hoạt động mà dù có lý giải kiểu gì cũng không ra được mức lãi được... hứa hão.

Dù có thế nào, thì cũng đừng vì lòng tham của mình để mà... dù không nhẹ dạ nhưng vẫn còn cả tin. Cách tốt nhất, cần phải cân đo đong đếm giữa đồng tiền thật bỏ vào “bọc” tiền ảo để hiểu được lời ông bà đã dạy: Đừng nhắm vào “sáu đồng lời” khi đã bỏ ra “năm mươi tư” đồng vốn.

Xin khẳng định lại, tiền hoàn lại là tiền... khuyến mãi nên việc sử dụng nó bao giờ cũng gắn liền với điều kiện, và những giới hạn. Cho nên, đừng để lòng tham làm mờ mắt mà “xuống tiền” trước những chiêu bài tỷ suất lại quả lên đến 80-100% như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phát hiện.

Không thể phủ nhận một logic là, khi cần, nhà cung ứng dịch vụ vẫn có thể áp dụng mức ưu đãi cao như vậy. Nhưng thực tế, đây thường là chiêu bài đánh úp, biến người dùng thành “chim tham ăn” mà “sa vào vòng lưới” vì số tiền hoàn lại được quy đổi sau đó được tính lại theo một tỷ lệ rất nhỏ, có khi chỉ 0,05-0,1%.

Thử lướt qua một vài app “trong sáng”, tôi nhận thấy tỷ lệ hoàn tiền đa phần đều dưới mức 10%. Có nghĩa, tỷ lệ hoán đổi “thật” nói trên là bình thường và hợp lẽ. Chỉ có điều, lần mở lại bảng nội dung giới thiệu, nếu bên cung ứng dịch vụ hoàn tiền “lập lờ” thì điều đó có thể xem như một chiêu thức... đánh lừa.

Điều đó lý giải vì sao pháp luật của các nước luôn đặt ra những tiêu chuẩn chặt chẽ cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến, nơi mà người dùng có nguy cơ cao “lướt mắt bỏ qua” nhiều nội dung cam kết chi tiết.

Trương Trọng Hiểu
Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
0 Nhận xét