(TBKTSG Online) - Bản dự thảo về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ với hai phương án bán điện cho người tiêu dùng do Bộ Công Thương đưa ra hôm 10-8 lại tiếp tục thổi bùng lên cuộc tranh cãi chưa có hồi dứt về giá điện tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng cần phải có thị trường điện cạnh tranh thì mới chấm dứt được việc tranh luận về giá điện.
Nhân viên điện lực kiểm tra công tơ điện. Ảnh: EVN |
Khách hàng người chọn bậc thang, người chọn một giá
Sau khi bản dự thảo giá bán lẻ điện được công bố để lấy ý kiến người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Quý, ngụ ở quận Thủ Đức, TPHCM đã tính toán thử theo phương án như dự thảo. Bà cho biết, kỳ tiền điện tháng 7-2020, gia đình bà sử dụng 180 kWh giá tính theo bậc thang sáu bậc hiện nay là 365.000 đồng.
Nếu tính giá điện theo phương án 1 (năm bậc thang như dự thảo), tiền điện là 328.840 đồng, thấp hơn 36.000 đồng so với mức giá sáu bậc hiện hành. Nếu tính theo phương án một giá điện - 2A và 2B như dự thảo - với mức giá tương ứng là 2.703 đồng và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT), bà Quý sẽ trả mức tiền điện tương ứng là 486.540 đồng và 520.020 đồng - nghĩa là cao hơn nhiều so với cách tính năm bậc hay sáu bậc.
Sau khi so sánh hai phương án, bà Quý cho biết sẽ chọn phương án tính giá bậc thang. Tuy nhiên, bà cho rằng cần rút gọn còn ba bậc để đỡ rắc rối khi tính giá. Trong đó bậc một nên từ 200 kWh trở xuống với mức giá 1.500 đồng/kWh; bậc hai từ 200 đến 450 kWh với giá 2.000 đồng/kWh; bậc ba từ 450 kWh trở lên với mức giá 2.500 đồng/kWh.
Nhiều gia đình sử dụng từ 200 kWh/tháng trở xuống khi tính toán theo phương án 1 của dự thảo thì số tiền thấp hơn vài chục ngàn so với mức giá sáu bậc như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều gia đình sử dụng từ 500 kWh/tháng trở lên thì số tiền điện theo phương án mới không giảm.
Ông Lê Văn Phú, ngụ ở quận 9, TPHCM, trong tháng 6 gia đình ông dùng hết 645 kWh, số tiền phải trả chưa thuế là 1.626.115 đồng tính theo thang sáu bậc hiện nay. Nếu tính theo năm bậc như phương án 1 của dự thảo thì số tiền là 1.625.635 đồng (chưa tính thuế VAT). Còn tính theo điện một giá với phương án 2A là 1.743.435 đồng (chưa thuế) và phương án 2B là 1.863.405 đồng (chưa thuế).
Ông Vinh cho biết, nếu tính theo phương án 1 (năm bậc) thì giá vẫn tương đương như hiện nay; còn phương án một giá thì tăng rất cao. Như vậy thực chất, phương án 2 là tăng giá. Ông đề xuất Bộ Công Thương nên đưa giá điện về một giá và giảm giá thành còn 2.000 đồng/kWh.
Như vậy, với hai phương án được đưa ra, những gia đình sử dụng từ 300 kWh/ tháng trở xuống khi áp dụng phương án 1 sẽ có lợi hơn. Còn những gia đình sử dụng từ 500 kWh/tháng trở lên sẽ không được hưởng lợi nhiều. Nghĩa là người dùng điện càng nhiều thì càng bất lợi. Do vậy, biểu giá điện bán lẻ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Mơ về một thị trường không còn độc quyền
Việc tranh luận về giá điện với nhiều bậc thang đã diễn ra nhiều năm nay, có nhiều ý kiến cho rằng cần đưa giá điện về một giá để đảm bảo công bằng cho người sử dụng.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp đầu tư các dự án điện, ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Pacific Group, cho rằng nếu tranh cãi về tính giá điện bậc thang hay giá cố định, chắc chắn tranh luận sẽ không có hồi kết. Bởi vì phương án 1 có lợi cho một nhóm người tiêu dùng này, trong khi phương pháp hai có lợi cho một nhóm người tiêu dùng khác. Vấn đề cốt lõi trong giá điện là ngành điện vẫn giữ tình trạng độc quyền nên không có tính cạnh tranh.
Ông Minh cho rằng cần có cơ chế bán điện cạnh tranh. Ông đặt vấn đề vì sao ngành viễn thông xóa độc quyền, chuyển qua cơ chế cạnh tranh mà ngành điện không thể? “Thời gian qua quá nhiều lời phàn nàn trong dư luận về sự bất hợp lý trong đầu tư ngành điện cũng như giá điện. Chính phủ nên cân nhắc cải cách ngành điện cho tương đồng với các quốc gia phát triển trước Việt Nam”, ông Minh nói.
Ông Minh dẫn lại trường hợp của Nhật Bản - nơi có thị trường điện cạnh tranh - người tiêu dùng chỉ cần lên mạng tra cổng thông tin và tìm các công ty bán điện ở khu vực mình. Khi đó người tiêu dùng có quyền mua điện với công ty bán nào có giá cả phù hợp với mình.
Nếu Việt Nam có một thị trường điện cạnh tranh thì sẽ không có các câu hỏi thắc mắc về giá điện bậc thang hay giá cố định từ người tiêu dùng. Điều này ngành viễn thông đang làm rất tốt và hoàn toàn có thể làm được và làm ngay với ngành điện. Khi đó, những bức xúc, tranh cãi sẽ không còn nữa.
Góp ý cho bản dự thảo, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc đưa ra giá bán cố định bằng 145% và 155% so với mức điện bán lẻ bình quân là chưa có cơ sở. Bởi vì, phương án điện một giá đưa ra cần tính toán hợp lý, đảm bảo lợi ích giữa người tiêu dùng và ngành điện.
Theo ông, lúc này chưa nên tính tới phương án một giá điện bởi cách này chỉ có lợi khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Để tiến tới mục tiêu thị trường điện cạnh tranh thì phải cần thêm nhiều năm nữa.
Lê Anh