(TBKTSG Online) - TPHCM có vài ngàn hướng dẫn viên du lịch nhưng chưa đến 10 người nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của chính phủ. Với mảng lưu trú, số người nhận được hỗ trợ cũng rất ít trong khi đợt dịch lần thứ 2 đã đến làm phần lớn người lao động đã mất việc.
Hướng dẫn viên, nhân viên du lịch bị mất việc do Covid-19 bán hàng trong chương trình do Chi hội hướng dẫn Du lịch TPHCM tổ chức. Ảnh: Đào Loan |
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cũng như nhiều địa phương khác, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ở TPHCM đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Phần lớn lao động trong ngành đã không còn việc làm. Tuy nhiên, số lượng người lao động và doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính phủ lại ít.
Trong đó, với hướng dẫn viên du lịch, hiện chưa có đến 10 người được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của chính phủ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị khó khăn do Covid-19. Với người làm việc tại các cơ sở lưu trú, chỉ những người nộp hồ sơ trong tháng 4-2020 mới được giải quyết, nộp tháng từ tháng Năm trở đi thì chưa.
Phía doanh nghiệp lữ hành cũng vậy, đang là lúc rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả những nơi chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn không được phép vay vì không có tài sản thế chấp.
"Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này nhưng tôi cho rằng, chính sách cần đi vào thực tiễn để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động thời đại dịch", bà nói tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức.
Theo bà, các cơ quan thẩm quyền nên cho doanh nghiệp lữ hành vay lại tiền ký quỹ tại ngân hàng để xoay xở trong lúc khó khăn này. Đây là phần tiền có sẳn, xem như là tải sản của doanh nghiệp cho nên có thể linh động giải quyết.
"Phương pháp này đã được một số nước áp dụng. Trong đó, Trung Quốc đã giải tỏa đến 80% tiền đặt cọc cho lữ hành, thời hạn hoàn đến tháng 2-2022", bà Hoa nói và cho rằng, trong bối cảnh du lịch suy giảm trầm trọng như hiện tại thì nên giảm nhiều loại thuế, phí cho doanh nghiệp thay vì chỉ hoãn.
Trao đổi với TBKTSG Online trong những ngày gần đây, nhiều doanh nhân cũng nhận định tương tự, cho rằng nhân viên du lịch khó tiếp cận với gói 62.000 tỉ đồng và để giúp người lao động cũng như doanh nghiệp, chính phủ nên thực hiện những chính sách linh hoạt hơn.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Asian Trails Co., LTD ví dụ về chuyện giữ nguồn nhân lực. Theo đó, trong điều kiện quá bất thường như đại dịch lần này, chính phủ có thể áp dụng chính sách đặc biệt như cho phép trích quỹ bảo hiểm xã hội để cùng doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
"Tiền đóng bảo hiểm xã hội là do doanh nghiệp cùng người lao động đóng, nay chúng tôi không có thu thì nên trích quỹ, cùng doanh nghiệp trả lương thay vì để người lao động nghỉ việc để nhận bảo hiểm thất nghiệp”, bà nói.
Theo bà, nếu thực hiện chính sách này, công ty sẽ không phải cho nhân viên nghỉ việc mà có thể giữ lại để tiếp tục huấn luyện, làm sản phẩm chuẩn bị để quay lại thương trường sau này. Khi việc kinh doanh tốt hơn, doanh nghiệp sẳn sàng đóng lại khoản tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian không có thu.
Đào Loan