Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường cà phê nhân?

(TBKTSG Online) - Chỉ chưa đầy ba ngày giao dịch, giá cà phê phái sinh London đã nhảy mạnh từ đáy 1.303 lên đỉnh 1.438 đô la Mỹ/tấn khi đang giao dịch ngày 5-8-2020 (lúc 16g45 theo giờ VN).
Diễn biến giá phái sinh robusta London đến 16g (VN) 5-8-2020 (nguồn: barchart.com)
Giá phái sinh tăng mạnh

Giá sàn cà phê robusta London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu - đã "phóng" mạnh. Chỉ chưa đầy ba ngày giao dịch, ngay giữa phiên ngày 5-8-2020, giá đã đạt đỉnh 1.438 đô la/tấn tăng 135 đô la/tấn.

Thật ra, chuỗi tăng bắt đầu từ cuối tháng 6-2020 khi giá sàn này chạm 1.152 đô la, nhưng từ đó đã tăng mạnh mẽ với +286 đô la/tấn trong vòng chưa đầy năm tuần.

Đợt phóng mạnh như tên bắn này có công lớn của đồng đô la Mỹ rẻ (DXY). Từ tháng 3-2020 khi thế giới vừa bắt đầu lo ngại số người nhiễm dịch Covid-19 tăng, DXY đã có dấu hiệu yếu. Nhưng phải đến tháng 7-2020, thị trường mới tỏ ra nghi ngờ sức mạnh của đồng đô la Mỹ. DXY tỏ ra yếu hẳn và có một tháng giảm điểm tồi tệ nhất tính từ cả chục năm nay. DXY có lúc đã chạm mức 92,51 điểm, mức thấp nhất tính từ hai năm trở lại. Sau đó, chỉ số này hồi phục đôi chút nhưng từ hai hôm nay, DXY lại muốn quay về mức thấp ấy.

Giá trị đồng đô la Mỹ giảm lần này không chỉ giúp cho giới kinh doanh hàng hóa thương phẩm dùng đồng bạc xanh làm phương tiện giao dịch giảm nhiều loại chi phí để tăng mua, nhưng còn gây nên tâm lý bất an cho người giữ đồng tiền này làm họ phải tìm những loại hàng hóa khác để bảo toàn vốn. Các sàn vàng và cà phê là những nơi có lượng hợp đồng giao dịch lớn, lực thanh khoản cao, nên giới kinh doanh tập trung chuyển vốn về mua mạnh.

Vả lại, khi thị trường nghe tin khối lượng cà phê đạt chuẩn trên sàn robusta xuống mức thấp nhất tính từ hơn một năm rưỡi nay, điều này khiến giới đầu tư càng vững tin để đặc cược vào sàn London. Tính đến ngày 3-8-2020, lượng tồn kho cà phê đạt chuẩn robusta thuộc sàn London được ghi nhận chỉ còn 110.910 tấn.

Dù có tin cà phê Brazil được mùa cả hai loại arabica và robusta, Tổ chức Cá phê Thế giới (ICO) mới đây cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6-2020 giảm 5,27% còn 10,57 triệu bao (bao=60 kg). Như vậy, trong 9 tháng đầu niên vụ  2019-2020, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm hơn 5% chỉ đạt 95,36 triệu bao.

Phản ứng của thị trường trong nước

Giá London tăng mạnh, nhưng “cà phê bán giao kho đã chốt xong hết rồi”, một doanh nhân ở TPHCM nói trong tiếc nuối. Thật ra, qua một thời gian dài giá cứ lận đận trong khu vực 1.150-1.250, nhiều chủ vựa và nhà xuất khẩu chỉ cần đợi lên 1.300 đô la/tấn là nhanh tay chốt bán. Hầu hết, khi giá niêm yết sàn London đến 1.320-1.350 đô la/tấn thì tất cả các hợp đồng giao dịch trên London tháng 9-2020 đã bán sạch.

Chính vì vậy, áp lực bán hàng thực trên sàn phái sinh không còn. Nhờ đồng đô la yếu, luồng tiền kéo về, giá cà phê phái sinh có dịp bung mà không có lực nào ngăn được.

Mặt khác, từ ngày 4-8 đến giữa phiên hôm nay, hiện tượng “vắt giá” trên sàn London lại xuất hiện. Giá tháng 9 đã cao hơn tháng 11-2020 là 38 đô la/tấn thay vì thấp hơn chừng ấy tiền (1.438/1.400).

Theo nhận định của một số nhà kinh doanh, hiện tượng “vắt giá” có thể làm giá tăng thêm nhưng nông dân và nhà xuất khẩu chẳng lợi lộc gì vì đấy chẳng qua là ván bài tài chính của người tham gia trên sàn. Giá tháng giao ngay tăng mạnh và cao hơn các tháng sau là một cách để hấp dẫn hàng cà phê kéo về sàn. Tuy nhiên, đấy cũng là cơ hội thuận lợi để người mua kéo giá xuất khẩu xuống vì giá này từ hàng chục tháng nay đều có mức cộng so với giá niêm yết.

Giá xuất khẩu cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể từ +240 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) so với giá niêm yết London cách nay mấy tháng đã bị kéo xuống còn +100 và đến nay người mua đang trả giá xuống +50/+70 đô la/tấn FOB so với giá niêm yết.

Chính vì vậy, “giá sàn London có tăng mấy, người mua kéo giá xuất khẩu xuống, người nông dân chẳng hưởng được bao nhiêu”, một nhà xuất khẩu phát biểu.

Nhưng nhìn xa hơn, nếu như hàng cà phê được kéo nhiều qua sàn trong thời gian này nhờ vắt giá, thì đó là dấu hiệu cho “quyền làm giá”  sẽ về tay người mua trong mùa cà phê tới.

Nguyễn Quang Bình
0 Nhận xét