Hàng chục ngàn doanh nghiệp rời thị trường vì Covid

(TBKTSG Online) - Hàng loạt người lao động tiếp tục rơi vào tình trạng mất việc làm, bị sa thải hoặc may mắn hơn chút là làm việc cầm chừng... do hàng ngàn doanh nghiệp mất đơn hàng hoặc bị hủy cung cấp dịch vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 trở lại.
Những mặt bằng cho thuê ở tuyến đường trung tâm ở TPHCM đang mời gọi doanh nghiệp thuê kinh doanh. Ảnh: Hùng Lê
Thêm nhiều người lao động mất việc

Công ty giày dép Huê Phong ở quận Gò Vấp (TPHCM) sau hai lần cắt giảm gần 2.500 lao động do ảnh hưởng Covid-19, giờ đây rục rịch tiếp tục với việc giảm lượng lao động.

Theo Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, Công ty TNHH Huê Phong đóng trên địa bàn quận dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm gần 1.600 lao động vào cuối tháng 8 này do khó khăn về đơn hàng.

Tình hình không chỉ diễn ra với Huê Phong, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, lưu trú, dịch vụ vận tải, may mặc, giày dép... cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nên buộc phải cắt giảm hoặc cho người lao động nghỉ việc.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống Covid-19 với các quận huyện và triển khai các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế vào chiều 17-8, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, việc phục hồi kinh tế của Thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn.

Người đứng đầu TPHCM dẫn số liệu của Cục Thuế TP HCM, đến ngày 31-7, TPHCM có 23.158 doanh nghiệp được thành lập, thế nhưng cũng có đến 21.226 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể, khiến số vốn giảm xuống hàng ngàn tỉ đồng.

Điều này, theo ông Phong là sẽ kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc, gây tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực mạnh đến kinh tế, tạo ra nhiều thách thức cho Thành phố vốn đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ.

Trước tình hình này, ông Phong yêu cầu các quận huyện, sở ngành đưa ra các giải pháp cụ thể để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Sau hơn hai tháng, Công ty Huê Phong sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 1.577 lao động. Ảnh: VGP/Băng Tâm
Hơn 63.000 doanh nghiệp rời thị trường

Không riêng TPHCM, "bão" Covid-19 đã và đang càn quét khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp trên cả nước phải rút lui khỏi thị trường.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bảy tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019).

Tính ra trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh với số liệu bảy tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 15,4%), có thể nhận thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.

Đáng chú ý, theo dữ liệu lịch sử của Cơ quan này thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến với mức trung bình là 28,1%.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn bảy tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019.

Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch này đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.

Cùng thời gian trên số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 21.802 doanh nghiệp, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Và trên cả nước có 26.652 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Với diễn biến dịch hiện nay, giới quan sát đánh giá từ đây đến cuối năm hoạt động của doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn và điều này sẽ dẫn đến nhiều người sẽ tiếp tục mất việc làm.

Trước đó, theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), do ảnh hưởng từ đại dịch, thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong sáu tháng đầu năm 2020.

Theo tính toán sơ bộ và báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6-2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Số lao động mất việc làm trong sáu tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900.000 người. Số người lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống...

Lê Hoàng
0 Nhận xét