Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường tỉ đô thu hút hầu hết các thương hiệu điều hòa trên thế giới.
Daikin đã đầu tư xây dựng nhà máy Daikin Việt Nam tại Hưng Yên với mục tiêu sản xuất 1 triệu sản phẩm/năm, đạt tăng trưởng hơn 30%/năm với doanh số đến năm 2025 ước đạt 100 tỉ yen. Nhà máy này có diện tích 28.000 m với tổng số tiền đầu tư khoảng 72 triệu USD, có tốc độ sản xuất cao nhất của Daikin trên toàn cầu với tốc độ 25 giây/máy.
Sự thuận lợi trong kinh doanh của Daikin phản ánh sức nóng của thị trường các thiết bị làm lạnh/điều hòa tại Việt Nam. Theo báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp máy lạnh Nhật, tại Việt Nam, doanh số mặt hàng máy lạnh đã tăng gấp 3 lần, đạt 150 tỉ yen, tức khoảng 1,35 tỉ USD.
Vì thế, từ lâu, Việt Nam là thị trường hấp dẫn thu hút sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trong ngành điều hòa như Daikin, Panasonic, Mitsubishi, Sharp, LG, Samsung... Trong khi đó, theo Công ty nghiên cứu Euromonitor International (Anh), chỉ 17% số hộ gia đình ở Việt Nam có điều hòa nên thị trường Việt Nam còn nhiều dự địa tăng trưởng.
Cùng với mùa nắng nóng đang tăng nhiệt, thị trường điều hòa tại Việt Nam thu hút các thương hiệu đến từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... tạo ra cuộc đua tranh rất gay gắt. Trong cuộc chiến này, các thương hiệu Nhật như Daikin và Panasonic đang dẫn đầu thị trường, chiếm khoảng 25% thị phần mỗi hãng. Kế đó là LG, Samsung của Hàn Quốc, Electrolux của Thụy Điển, Gree của Trung Quốc.
Ông Ogami Noriyoshi, Giám đốc nhà máy, Phó Tổng Giám đốc Daikin Vietnam, cho biết, Daikin Việt Nam được đặt mục tiêu trở thành trọng điểm trong chiến lược đẩy mạnh hoạt động ở châu Á của Tập đoàn. “Số lượng điều hòa Daikin bán ra tại thị trường Việt Nam trong 10 năm gần đây đã tăng gấp 17 lần. Quy mô thị trường điều hòa dân dụng tại Việt Nam ở thời điểm năm ngoái là khoảng 2,7 triệu bộ. Nhật có dân số khoảng 130 triệu dân trong đó quy mô thị trường khoảng 9 triệu. Việt Nam cũng khá tương đồng với Nhật. Do đó, chúng tôi tin rằng triển vọng thị trường điều hòa không khí ở Việt Nam còn rất tiềm năng”, ông Ogami Noriyoshi cho biết.
Trong chiến lược của Mitsubishi Heavy Industries (MHI) tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu, ông Jun Shirota, Trưởng Đại diện Tập đoàn này tại Việt Nam khẳng định, thị trường điều hòa Việt sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Jun Shirota lý giải, tại châu Á, hiện Việt Nam xếp thứ 3 về tốc độ phát triển ngành hàng này, sau Ấn Độ và Indonesia. Trong đó, 17% hộ gia đình Việt sử dụng điều hòa và thu nhập người dân đang tăng cho thấy nhu cầu dùng điều hòa còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Báo cáo của Globe Newswire vào tháng 10.2019 ghi nhận Việt Nam nằm trong top 3 thị trường tiêu thụ điều hòa lớn nhất Đông Nam Á về doanh thu cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng đến năm 2023.
Nhằm cạnh tranh với các đối thủ Nhật, LG đầu tư 1,5 tỉ USD để nâng cao sản lượng vào năm 2028 tại một nhà máy ở thành phố Hải Phòng, vốn sản xuất màn hình hiển thị và điều hòa không khí. Panasonic tăng cường sản lượng tại nhà máy Malaysia để cung cấp cho Việt Nam. Cùng với đó, Panasonic sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng ở Bangkok để hợp nhất vào một cơ sở lớn hơn tại Việt Nam. Theo ông Marukawa Yoichi, Tổng Giám đốc Panasonic Việt Nam, sản xuất và cung cấp sản phẩm từ Việt Nam đến các thị trường sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan.
Trong khi đó, thương hiệu điều hòa Gree hiện diện tại Việt Nam cũng được hơn 7 năm. Đại diện hãng này cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc, cụ thể là các hãng điện lạnh khi đầu tư vào Việt Nam cần xây dựng chiến lược phù hợp để giải quyết bài toán về “thương hiệu” bởi đa số người Việt vẫn chuộng hàng Nhật.
Xác định mục tiêu sẽ từng bước chiếm thị phần tại khu vực Đông Nam Á nói chung, thị trường Việt Nam nói riêng, Gree đã nghiên cứu chuyên sâu về nhu cầu thị trường, đặc biệt là các yếu tố ảnh hưởng đến thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Thực tế, ở thị trường phía Bắc và thị trường nông thôn, các thương hiệu OEM hay Trung Quốc cũng đang có những lợi thế nhất định, đặc biệt về giá như Casper, Comfee, Midea, Nagaroo, Kangaroo, Sunhouse...
Khảo sát cho thấy trên thị trường hiện có khoảng 50 thương hiệu lớn nhỏ về máy điều hòa tại thị trường Việt Nam. Các hãng sản xuất máy lạnh Nhật hiện nay có thế mạnh và đang tập trung nhiều cho thị trường Đông Nam Á hơn là thị trường Mỹ hay châu Âu. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc khi đã đạt được thành công trong phân khúc bình dân và quy mô lớn, đang nỗ lực cải thiện chất lượng công nghệ và sản phẩm, sau đó tấn công các đối thủ Nhật ngay cả phân khúc cao cấp.
Cuộc cạnh tranh nóng không kém là thị phần của máy điều hòa “không nhãn hiệu”. Ngoài các sản phẩm chính hãng, nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc nhưng vòng qua thị trường Thái Lan hoặc Indonesia để vào Việt Nam nhằm tránh thuế. Các hãng điện máy lớn hay nhỏ đa phần đều dựa vào nguồn vật tư, linh kiện từ các nhà máy ở Trung Quốc với lợi thế sản xuất quy mô lớn nên giá thành rất thấp. Từ những nhà xưởng này, linh kiện được lắp ráp thành từng bộ phận và các hãng nhập hàng về lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau.
Tiềm năng của thị trường này cũng thu hút doanh nghiệp nội vốn lâu nay tập trung trong thị trường TV là Asanzo. Trước sức hấp dẫn của thị trường điều hòa, công ty này đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng cho dây chuyền lắp ráp. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Asanzo, cho biết, riêng sản phẩm máy điều hòa, Asanzo đặt mục tiêu bán 300.000 chiếc, chiếm 15% thị phần cả nước. Nhà máy Asanzo tại quận Bình Tân, đạt công suất thiết kế tối đa là 2.000 máy mỗi ngày, tương đương 60.000 máy chiếc mỗi tháng, gấp đôi so với giai đoạn cuối năm 2019.
Ông Andy Deng, Giám đốc thương hiệu điều hòa Gree tại Việt Nam, dự đoán: “Trong 2-3 năm tới, khi thu nhập thặng dư trung bình của người Việt ở mức 1.500 USD/năm, nền kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, sức mua của người dân là không gì cản nổi. Nhu cầu tiêu thụ điều hòa sẽ ngày càng bùng nổ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM”.
Viễn Sơn
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư