Chuyển đổi và ứng dụng công nghệ sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp không chỉ giúp giải quyết những bài toán cấp thiết cho doanh nghiệp giữa cơn bão Covid-19, mà còn giúp các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Doanh nghiệp và bài toán sống còn trong tâm bão
Tác động của Covid-19 không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người, mà còn làm gián đoạn nền kinh tế của tất cả các quốc gia, kéo theo đó là những tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp, công ty, tổ chức.
Dịch bệnh đã gây ra tâm lý hoang mang ở người dân, khi mà thu nhập bị giảm sút, chi tiêu hạn chế, thậm chí người lao động mất việc làm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp phải đối diện với nhiều rủi ro như mất doanh thu, cạn kiệt nguồn vốn lưu động, gián đoạn chuỗi cung ứng, đội ngũ nhân viên mất tinh thần làm việc, năng suất sụt giảm...
Tại Việt Nam, những tưởng sau gần ba tháng đã kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp bắt đà phục hồi trở lại, thì làn sóng thứ hai ập tới, mà theo dự báo của nhiều chuyên gia thì tác động và ảnh hưởng của làn sóng này còn phức tạp và dài hơi hơn. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa công bố, trong 7 tháng đầu năm đã có gần 63.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tức là trung bình mỗi ngày có hơn 300 công ty dừng hoạt động.
Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao lớn tại Việt Nam, thời gian dài "phát triển nóng" đã mang đến những tăng trưởng đột phá nhưng cũng để lại những nhược điểm tiềm ẩn trong quy trình vận hành, tạo chi phí thừa hoặc thiếu hiệu quả. Chỉ đến khi khủng hoảng xảy ra, dòng tiền giảm mạnh, các điểm yếu này mới bộc lộ rõ nét, góp phần tác động tiêu cực đến sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.
Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng này còn khiến cho 35% doanh nghiệp thế giới phá sản trong giai đoạn này từ nay đến hết 2021 vì mất khả năng thanh toán. Theo hãng tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới McKinsey, cuộc khủng hoảng đã buộc tất cả các doanh nghiệp tăng tốc trong cuộc đua làm sao để linh hoạt và tốc độ hơn. Tuy nhiên, "Nhanh thôi chưa đủ. Những công ty dẫn đầu thị trường đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, dữ liệu và quy trình. Đó mới là chiến lược thông minh để đưa ra quyết định đúng đắn, điều chỉnh kịp thời hơn trong bối cảnh hiện nay!", một chuyên gia McKinsey cho biết.
Liên minh – chuyển đổi – bứt phá để vượt khủng hoảng
Trước cả khi đại dịch xảy ra, RXR Realty, một công ty bất động sản có trụ sở tại New York, đã tận dụng các giải pháp số để tạo khác biệt cạnh tranh, mang lại những trải nghiệm độc đáo và cá nhân hóa cho khách hàng. Đối diện với khủng hoảng, công ty này quyết định đầu tư vào các sáng kiến số - một ứng dụng cho phép lên lịch đi lại, giao hàng, thanh toán tiền thuê, đo chất lượng không khí, bản đồ thân nhiệt quét tự động theo thời gian thực dành cho khách và một ứng dụng phân tích hệ thống sưởi, quản lý thanh toán, tối ưu diện tích mặt bằng cho thuê dành cho bộ phận quản lý. Nhờ đó, người thuê nhà đảm bảo được sức khỏe, cũng như mọi giao dịch giữa họ và nhân viên quản lý bất động sản diễn ra bình thường dù không cần tiếp xúc trực tiếp.
Một doanh nghiệp hàng đầu trong mảng F&B tại Việt Nam với quy mô đồ sộ, đã mạnh dạn số hóa toàn bộ quy trình doanh nghiệp, giúp tối thiểu các loại giấy tờ, rút ngắn thời gian phê duyệt của lãnh đạo. Công ty này cho biết, chỉ sau 6 tháng triển khai, 30-50% tác vụ nội bộ của doanh nghiệp tự động hóa hoàn toàn, giảm tới 70% thời gian và 20% chi phí quản lý, đồng thời tăng 50% năng suất cho đội ngũ văn phòng.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT, số hoá vận hành chính là bước đi chiến lược đầu tiên và thông minh để doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt, tinh gọn và tối ưu bộ máy.
Cũng theo ông Sơn, mô hình doanh nghiệp số - linh hoạt hóa hoạt động vận hành doanh nghiệp bằng các giải pháp chuyển đổi số - không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh nhạy hơn trong phân tích xu hướng thị trường mà còn nhanh chóng đưa ra được quyết sách phù hợp và đúng đắn dựa trên số liệu. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với cơn sóng mới của khủng hoảng cũng như nắm chắc cơ hội phục hồi, bứt phá sau dịch.
Phục hồi doanh nghiệp chính là chiến lược quan trọng mà Chính phủ cũng đang tích cực chỉ đạo nhằm góp phần vượt khó khăn do dịch bệnh để hoàn thành các mục tiêu, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nhằm đóng góp cho vấn đề cấp thiết này, ngày 20/8, đại diện lãnh đạo top các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam sẽ cùng có mặt tại Diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng" do FPT tổ chức dưới hai hình thức trực tiếp tại khán phòng ở Hà Nội, TP.HCM và trực tuyến qua hệ thống Webex, với chủ đề "Vững vàng vượt khủng hoảng".
Với sự liên minh của các lãnh đạo doanh nghiệp đại diện từ các lĩnh vực khác nhau đang có những ứng phó kịp thời với Covid-19 như VPBank, PNJ, AA Corporation, Tập đoàn Minh Phú, Thiên Long Group, FPT... và đại diện của Deloitte - chuyên gia tư vấn chiến lược hàng đầu về quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận những câu chuyện thực tế về những thách thức, lựa chọn các vấn đề ưu tiên sống còn và hành động thực tiễn để giải quyết.
Chia sẻ về việc kết hợp sức mạnh toàn thể các doanh nghiệp Việt để cùng nhau vượt qua khủng hoảng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh: "Giờ là lúc chúng ta, những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình. Làm thế nào để không chỉ vượt khó mà còn bứt phá và mạnh mẽ hơn, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của đất nước? FPT tin rằng, đây là lúc các doanh nghiệp Việt đoàn kết giúp nhau vươn lên".
Nhiều sáng kiến rút ra từ bài học thực tiễn, giải pháp từ công nghệ... cho cộng đồng doanh nghiệp cùng những đánh giá thực tế nhất về tác động của Covid-19 cũng sẽ được chia sẻ tại sự kiện. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phân tích, chuẩn bị các phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với những khó khăn, thách thức, đón đầu cơ hội để vực dậy và vững mạnh sau đại dịch.
PV
Theo Trí Thức Trẻ