Thương mại điện tử giữa đại dịch: Thất thu hàng trăm tỷ đồng

Đại dịch COVID-19 trở thành cơ hội vàng cho các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội Facebook, Youtube, Google...Chủ các sàn này kiếm tiền khi người dân phải ở nhà nhiều hơn, làm việc online nhiều hơn. Tuy nhiên, do chưa có chế tài cụ thể để xử lý nên hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vẫn “chảy” ra nước ngoài.
Thu hàng trăm tỷ, chưa nộp thuế

Gần đây, các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet (gọi tắt là dịch vụ OTT TV) đang trở thành xu thế của toàn thế giới. Điển hình như dịch vụ Iflix xủa Malaysia, WeTV của Trung quốc, Netflix của Mỹ....

Tại Việt Nam, Netflix cung cấp dịch vụ từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam được cho là đã đạt trên 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.

Qua rà soát, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho PV Tiền Phong biết, Netflix hiện chưa đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) này cũng chưa thực hiện thủ tục cần thiết để có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet ở nước ta, dẫn tới thất thu thuế. Song ngành thuế hiện chưa có chế tài cụ thể nào để xử phạt trường hợp này.

Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn,  gồm: Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); Có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube...); Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, ông Viên Viết Hùng cho biết, ngày càng có nhiều cá nhân với trí tuệ, năng lực sáng tạo kiếm được thu nhập từ Youtube, Google, Facebook và các chợ ứng dụng như Playstore, Appstore. Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định. Như vậy, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, Youtube... được xếp là cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo tỷ lệ 5% VAT và 2% thuế TNCN.

Qua rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu quản lý, Cục Thuế TP. Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ điện tử, trò chơi trên mạng có tổng thu nhập trong 3 năm gần đây (2016 - 2019) là 4.800 tỷ đồng, trong đó cá nhân có thu nhập cao nhất lên đến 140 tỷ đồng. Sau 1 tháng hỗ trợ, tính đến ngày 24/7 đã có hơn 100 cá nhân đăng ký, kê khai và nộp hơn 10 tỷ đồng tiền thuế TNCN và VAT trên tổng doanh thu hơn 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội đánh giá tỉ lệ cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế còn thấp.

Cách nào truy thu được thuế xuyên biên giới?

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan (các ngân hàng thương mại…) kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…). Đồng thời, qua thanh kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, Tổng cục Thuế đã thu được số thuế rất lớn.

Tại Hà Nội, từ năm 2017, cục thuế đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng, đến nay có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế. “Tổng số thuế và tiền phạt thu nộp từ loại hình kinh doanh trên được hơn 22,7 tỷ đồng”, ông Minh nói.

Đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, Youtube, ...), theo ông Minh, qua dữ liệu do các ngân hàng TMCP cung cấp, có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng; với tổng số thu nhập từ Google, Facebook, Youtube khoảng 1.462 tỷ đồng.

“Tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thu nộp được từ các tài khoản trên mạng xã hội nước ngoài khoảng 14 tỷ đồng”, ông Minh cho biết thêm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, các đơn vị trực thuộc đang thanh kiểm tra tại DN cung cấp dịch vụ, bán hàng qua website (sàn thương mại điện tử…). Trong quá trình thanh tra một DN, cơ quan thuế đã thu thập được danh sách 9.510 trường hợp có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT do DN này cung cấp với tổng số tiền phát sinh từ hoạt động rút tiền là 211 tỷ đồng.

Đối với hoạt động cho thuê nhà, cụ thể là tổ chức, cá nhân đăng thông tin qua các website nước ngoài, cơ quan thuế đã rà soát 483 địa chỉ. Trong đó 107 tổ chức đã nộp khoảng 9,4 tỷ đồng; 68 cá nhân đã nộp 634 triệu đồng.

Theo ông Minh, năm 2019, Tổng cục Thuế đã thanh tra và phát hiện ông T.Đ.P nhận từ Google 41 tỷ đồng do cung cấp dịch vụ quảng cáo cho Google trên phần mềm ứng dụng trò chơi, nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Sau khi được mời lên làm việc, đoàn thanh tra đã truy thu và phạt chậm nộp hơn 4 tỷ đồng.

Để quản lý, thu đúng, thu đủ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, dịch vụ trực tuyến, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành Thuế sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Từ đó, ngành Thuế quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân tốt hơn.

TUẤN NGUYỄN
Theo Tiền Phong
0 Nhận xét