Một vài năm qua có hàng loạt mô hình kinh doanh F&B theo trend như trà sữa, trà chanh, nước mía, mì cay 7 độ…. Thị trường sôi động, có "người ra đi" và "kẻ ở lại".
Chuyên gia ẩm thực Hoàng Tùng đã chỉ ra 4 yếu tố quyết định các mô hình theo trend có thể sống sót lâu dài hay không.
Thứ nhất là sản phẩm. Người kinh doanh chạy theo trend cần đặt ra câu hỏi: sản phẩm có đủ tính đại trà hay không? Sản phẩm theo trend cần tính đại trà, phố biến, ai ai cũng có thể dùng được. Nếu có rào cản thì sản phẩm sẽ khó theo trend. Bởi sản phẩm với rào cản về tính địa phương hay độ khó làm thì khó có thể phổ tạo thành cơn sốt được. Đồng thời, sản phẩm cũng không đủ lớn để tạo ra cơn sốt.
Do đó, trà chanh, trà sữa, sữa chua trân châu, nước mía có nhiều khả năng để bùng nổ. Mì cay cấp độ 7 khó có khả năng này vì tệp khách hàng nhỏ.
Thứ hai là tần suất. Sản phẩm chạy theo trend mà không đạt tần suất sử dụng tốt thì coi như thất bại. Ví dụ như mì cay cấp độ 7 bùng lên rồi nhanh chóng lụi tàn. Các sản phẩm khác như trà chanh, trà sữa… thì mật độ sử dụng cao hơn.
Thứ ba là tính mở. Tính mở ở đây có nghĩa là mô hình phải mở ra vỉa hè được, phải bình dân, dễ để cho khách ngồi “chém gió” vỉa hè. Những mô hình theo trend nhưng phải ngồi máy lạnh chỉ tồn tại được một thời gian. Càng đầu tư cơ sở vật chất lớn, càng khiến giá vận hành cao khiến giá sản phẩm cao. Giá cao thì khách hàng khó có thể đi ăn thường xuyên.
Thứ tư là độ phủ. Các sản phẩm theo trend thường không có sự khác biệt quá lớn về sản phẩm. Thực tế, sản phẩm có thể bắt chước rất nhanh. Thế nên lợi thế cạnh tranh không đến từ sản phẩm hay mô hình kinh doanh. Thực ra, cạnh tranh đến từ độ phủ, bung thật nhanh, chiếm lĩnh các địa điểm tốt.
Đó là lý do phải nhượng quyền để có độ phủ tốt. Ban đầu thị trường “trăm hoa đua nở” nhưng cuối cùng chỉ khoảng 3 thương hiệu sẽ phủ phần lớn thị trường. Người kinh doanh phải nhanh chân để đứng ở vị trí thứ 3, nếu không sẽ bị hụt hơi rất nhanh.
Đỗ Lan
Theo Trí Thức Trẻ