Ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số là chủ đề nóng hổi với mọi công ty trên phạm vi toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Nhưng dù có triển khai theo hình thức nào, áp dụng các công nghệ và nền tảng ra sao thì chuyển đổi số về cơ bản cũng sẽ phải tuân thủ ba yếu tố quan trọng.

Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ mới, tiên tiến để cải thiện triệt để hiệu suất và phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp. Các giám đốc điều hành của tất cả các ngành đều đang hối hả sử dụng các tiến bộ kỹ thuật số như nghiên cứu thị trường, phân tích hành vi người dùng, truyền thông mạng xã hội,… để cải thiện tình hình hoạt động chung.

Thay đổi trải nghiệm khách hàng

Đây là một trong những yếu tố then chốt của chuyển đổi số. Bởi thực tế, chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ để tạo ra giá trị mới cho khách hàng, tăng mức độ hài lòng của khách hàng trong quá trình trải nghiệm dịch vụ, từ đó nâng cao giá trị tài sản và khả năng hiện có của doanh nghiệp. Về cơ bản, để thay đổi trải nghiệm khách hàng, các công ty cần tập trung vào 3 điểm chính:


1. Hiểu rõ khách hàng: Xác định chân dung khách hàng thông qua các đặc điểm như độ tuổi, phân khúc thị trường, tính cách vị trí, địa lý, sự hài lòng và không hài lòng với sản phẩm của công ty… Các công ty có thể tận dụng các công cụ kỹ thuật số để nắm được thống kê về người dùng, xây dựng khả năng phân tích để nắm được thị hiếu của khách hàng một cách chi tiết hơn. Đó là nền tảng cho một kế hoạch kinh doanh hiệu quả trong tương lai.

2. Thay đổi trải nghiệm mua hàng: Sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để cải thiện chất lượng giao tiếp với khách hàng trước, trong và sau khi bán; Đơn giản hoá các thao tác khi mua hàng (đặc biệt tại các nền tảng thương mại điện tử; Thu thập, phân tích hành vi và tâm lý mua hàng của người tiêu dùng, từ đó đưa ra các hoạt động tiếp thị hiệu quả.

3. Tạo điểm "tiếp xúc" với khách hàng: Cải tiến hoặc tạo mới các dịch vụ để tiết kiệm tối đa thời gian cho khách hàng, gia tăng các tiện ích đa kênh…

Chuyển đổi quy trình hoạt động

Mặc dù gia tăng trải nghiệm khách hàng là khía cạnh dễ thấy nhất - và được cho là thú vị nhất - của quá trình chuyển đổi số, các công ty cũng đang dần nhận ra những lợi ích rất lớn từ việc chuyển đổi quy trình nội bộ thông qua cải tiến quy trình, hỗ trợ nhân viên và quản lý hiệu suất.

Việc số hoá quy trình là việc có thể cho phép các công ty tái tập trung nhân viên của họ vào các nhiệm vụ chiến lược hơn. Công tác "tự động hoá" này cũng tạo ra các luồng dữ liệu có thể hữu ích cho quá trình khai thác dữ liệu sau này.


Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa cho người lao động cũng cần được coi trọng, bởi khi những nhân viên được giải phóng bớt những tác vụ không cần thiết, họ có thể tập trung vào đổi mới và sáng tạo.

Chuyển đổi quy trình hoạt động thông qua quản lý hiệu suất cũng cho phép cung cấp thông tin tốt hơn, và thay đổi quá trình ra quyết định chiến lược (quyết định dựa trên dữ liệu thực thay vì dựa trên giả định).

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Các công ty không chỉ thay đổi cách thức triển khai của các hoạt động mà còn xác định lại hiệu quả của các hoạt động này. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ tiến hành đánh giá và cân nhắc chuyển đổi mô hình kinh doanh.


Các tổ chức có thể cải tiến chất lượng dịch vụ của mình, tăng cường tính đa nền tảng (giữ nguyên sản phẩm, thay đổi kênh phân phối). Ví dụ, các công ty bán hàng tạp hoá có thể kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cải tiến chính sản phẩm của mình và gắn yếu tố kỹ thuật số vào sản phẩm. Điều này có thể dễ nhận thấy ở các sản phẩm thể thao thế hệ mới khi chúng được trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật số khác để có thể theo dõi và báo cáo về quá trình tập luyện của khách hàng.

Có thể nói, điện toán đám mây đang là một trong những công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp tiến nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số. Và một trong những bước đi đầu tiên trong chiến lược này cần phải có chính là Cloud Server, đây là nền tảng để các ứng dụng vận hành trơn tru nhất hỗ trợ quá trình chuyển đổi số hiệu quả.

Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
0 Nhận xét