Kinh doanh online và hàng thiết yếu giúp nhà bán lẻ vượt đại dịch

Trong 6-7 tháng vừa qua, các nhà bán lẻ buộc phải đa dạng kênh giao thương và hình thức bán hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Trong giai đoạn dịch bệnh, các chuỗi bán lẻ công nghệ truyền thống trông chờ vào doanh thu từ mảng online. Riêng các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động và FPT Shop có thêm mảng hàng hoá thiết yếu và dược phẩm để đóng góp doanh thu tổng.
Một cửa hàng điện thoại treo biển bán online trong giai đoạn giãn cách. (Ảnh: Hải Đăng)
Báo cáo kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động (MWG) mới đây cho thấy giãn cách đã tác động đến mảng bán lẻ công nghệ. Dù doanh thu tăng lên nhưng lợi nhuận sau thuế của toàn công ty giảm so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ đóng góp của mảng bán hàng công nghệ bắt đầu thấp hơn trước.

Trong bối cảnh này, các nhà bán lẻ trông chờ vào doanh thu online và kênh bán hàng thiết yếu.

Cụ thể, trên toàn MWG, doanh thu trực tuyến 7 tháng đầu năm đạt 11%, tăng 1% so với 6 tháng đầu năm.

Riêng tháng 7, hai chuỗi công nghệ đóng góp 1.000 tỷ đồng doanh thu online, chiếm 19% tổng doanh thu của hai chuỗi, tăng 61% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại FPT Retail, doanh thu online 6 tháng đầu năm đạt 2.829 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với 6 tháng đầu năm 2020 và chiếm đến 31% tổng doanh thu hợp nhất FRT. Doanh thu trực tuyến chiếm 1/3 như FRT là rất lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành, tuy nhiên cách phân biệt doanh thu online/offline của các doanh nghiệp có thể khác nhau.

Một số chuỗi nhỏ hơn như CellphoneS, Di Động Việt,... cũng cho biết doanh thu online đóng góp nhiều hơn trong 6 tháng qua, chủ yếu do nhiều địa phương hạn chế đi lại và tình trạng tạm đóng cửa hàng.

Trước đây, các chuỗi bán lẻ tận dụng nhân viên tại cửa hàng để giao máy khi khách đặt online. Nhưng vào giai đoạn hạn chế đi lại, các doanh nghiệp sử dụng đối tác giao hàng của bên thứ 3 có giấy phép vận chuyển và để bảo đảm an toàn cho nhân viên.

Việc sử dụng đối tác giao hàng khiến chi phí phát sinh thêm song cũng không ảnh hưởng lớn vào doanh thu trực tuyến nói chung.

Trong khi các chuỗi nhỏ chỉ kinh doanh đơn thuần mảng công nghệ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể sau những đợt dịch bùng phát vừa qua, các chuỗi lớn hơn có thêm mảng kinh doanh thiết yếu đã giúp cân bằng doanh thu.

Chẳng hạn, trong cơ cấu doanh thu của FRT, bên cạnh sự đóng góp chính của chuỗi FPT Shop, bắt đầu có sự góp phần đáng kể của các nhà thuốc Long Châu. Chuỗi này hiện có 268 cửa hàng, đóng góp doanh thu 1.336 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 15% tổng doanh thu toàn FRT.

Tương tự, chuỗi bách hoá và nhà thuốc đang giúp MWG tăng trưởng doanh thu trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu tháng 7 của Bách hoá Xanh gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước, đẩy tỷ lệ đóng góp của chuỗi trong tổng doanh thu của MWG lên tới 45%. Tức gần nửa doanh thu tháng 7 của MWG đến từ chuỗi bách hoá.

MWG cũng có 118 nhà thuốc An Khang. Riêng tháng 7 năm nay, doanh thu chuỗi này gấp 7 lần tháng 7/2020 và lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê, lũy kế 7 tháng đầu năm, điện thoại, laptop, gia dụng tiếp tục tăng trưởng dương và điện lạnh duy trì mức doanh số tương đương cùng kỳ. Điện tử (tivi) tăng trưởng âm so với 7 tháng năm 2020.

Hải Đăng
0 Nhận xét