Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật trên không chỉ có ở Việt Nam mà là vấn nạn mà nước nào cũng phải đối mặt.
Nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống và giải đáp cụ thể thắc mắc của người dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, chính quyền thành phố tổ chức chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) với tên gọi “Dân hỏi - Thành phố trả lời”.
Số đầu tiên của chương trình phát sóng trực tiếp vào tối 24/8 có sự tham gia của ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) và ông Lâm Việt Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, giải đáp các vấn đề liên quan đến thông tin giả mạo và các vấn đề hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Chương trình phát sóng trực tiếp "Dân hỏi - Thành phố trả lời” phát sóng tối 24/8 |
Theo ông Lê Quang Tự Do, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật trên không chỉ có ở Việt Nam mà là vấn nạn toàn cầu và nước nào cũng phải đối mặt.
“Khi đất nước đối mặt với những khó khăn thì tin giả lại càng xuất hiện”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ, Bộ TT&TT hiện có một đơn vị theo dõi các thông tin trên Internet, đó là Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, với năng lực quét khoảng 300 triệu tin mỗi ngày.
Theo thống kê từ đội ngũ phân tích, bức tranh về tin giả liên quan đến dịch Covid-19 gần đây chỉ tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật hoặc không có căn cứ khoa học về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19; tung các thông tin gây hoang mang cho người dân về tình hình ở các khu cách ly, phong tỏa; thông tin liên quan đến các lực lượng hỗ trợ dịch Covid-19, người dân sẽ không được cứu trợ…
Đồng tình với ý kiến này, ông Lâm Việt Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, tại TP.HCM xuất hiện tin giả và cũng có xu hướng tăng nhiều hơn trong thời gian vừa qua. Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng khuyến nghị, người dân khi đọc các thông tin trên mạng cần kiểm chứng nguồn tin và cần có đánh giá nhiều chiều trước khi sử dụng thông tin.
“Nếu không kiểm chứng thì khi mình chia sẻ, gửi cho bạn bè hay lan tỏa thông tin sẽ rất nguy hiểm, vì nó sẽ tạo dư luận không tốt. Nhiều người có thể làm theo tin giả đó và nó tạo hệ lụy không tốt cho xã hội”, ông Lâm Việt Thắng nói.
Khi dịch Covid-19 lan rộng ở nhiều địa phương, lượng tin giả liên quan đến dịch Covid-19 cũng gia tăng, đặc biệt ở những địa phương có tình hình dịch bệnh căng thẳng như TP.HCM và các tỉnh miền Nam.
Các thông tin giả chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ mà không kiểm chứng, khiến nhiều người dân hoang mang, mất niềm tin. Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Cuối tháng 7, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản yêu cầu về việc thực hiện nghiêm tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
Người dùng nên kiểm chứng trước khi chia sẻ thông tin |
Theo đó, Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng chống dịch cũng như tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở các địa phương đã xử phạt nhiều trường hợp đăng tin giả, tin sai sự thật, chủ yếu liên quan đến dịch Covid-19.
Duy Vũ