Ông Nguyễn Tử Quảng đã chia sẻ quan điểm về lý do TP.HCM không dùng shipper công nghệ để thực hiện công việc đi chợ hộ từ ngày 23/8.
Nhằm hạn chế việc người dân ra khỏi nhà, từ 0h ngày 23/8, thành phố Hồ Chí Minh chính thức áp dụng các quy định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ).
Trong bối cảnh đó, thông tin từ chính quyền TP.HCM cho hay, lực lượng quân đội sẽ về các phường, xã đội; còn lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) sẽ được công an phường, xã tiếp nhận, cùng thực hiện nhiệm vụ.
Chính thức từ 23/8, người dân tại thành phố Hồ Chí Minh được lực lượng chức năng giúp "đi chợ hộ", từ mô hình đăng ký qua các tổ hỗ trợ ở khu phố cho đến đăng qua mạng rồi theo combo của siêu thị để cung ứng đủ lương thực, nhu yếu phẩm trong những ngày giãn cách xã hội, qua đó giúp người dân "ai ở đâu ở yên đó" một cách triệt để.
Chia sẻ về điều này trên Facebook cá nhân, CEO Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, những ngày qua nhiều bạn thắc mắc tại sao phải cần đến quân đội đi chợ hộ, trong khi đã có shipper công nghệ, các ứng dụng gọi đồ.
Bài đăng của CEO Nguyễn Tử Quảng trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Ông Nguyễn Tử Quảng đã lý giải điều này như sau:
"Vì sao quân đội ĐI CHỢ HỘ mà không dùng shiper công nghệ ?
Những ngày qua nhiều bạn thắc mắc tại sao phải cần đến quân đội đi chợ hộ, trong khi đã shiper công nghệ, các ứng dụng gọi đồ. Về lý thuyết thì NGHE CÓ VẺ hợp lý, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì khác.
Quân đội đi chợ hộ là như thế nào ?
Nhiều người đang hiểu rằng đi chợ hộ là mình liệt kê những thứ cần mua, sau đó nhờ các chú bộ đội mua hộ và trả tiền. Tuy nhiên KHÔNG PHẢI NHƯ VẬY.
Để thực hiện việc siết chặt giãn cách nghiêm ngặt, đảm bảo HIỆU QUẢ việc cung cấp lương thực tới từng hộ gia đình, thực phẩm được đóng thành CÁC GÓI COMBO ĐỊNH SẴN và GIỐNG NHAU khi cung cấp cho người dân.
Vì nó giống nhau, không cần phân biệt của ai, nên quân đội có thể chuyển TẬP TRUNG một số lượng lớn đến các khu phố, sau đó các chú bộ đội chuyển đến các nhà dân. Như vậy mức độ di chuyển sẽ ít hơn rất nhiều, so với việc mỗi hộ mua hàng lại GỌI RIÊNG một shiper cho món hàng đó.
Ngoài ra quân đội nổi tiếng là kỷ luật. Mỗi khi giao thực phẩm họ sẽ thực hiện nghiêm việc khử khuẩn tránh lây chéo. Việc này khó đòi hỏi nghiêm được nếu là đội ngũ shiper công nghệ.
Nói chung tôi thấy yên tâm với sự xuất hiện của các chú bộ đội".
Dưới phần bài đăng là rất nhiều bình luận đồng tình với CEO Bkav.
Trong đó, tài khoản Tạ Cảnh đóng góp ý kiến: "Ngay từ đầu dịch diễn ra tại TP.HCM và phòng dịch kiểu Bắc Giang, Bắc Ninh và xa hơn là Hải Dương (dịch chủ yếu diễn ra ở khu công nghiệp), cá nhân em đã nhận định Mục tiêu kép là chủ trương đúng nhưng vận dụng mục tiêu này vào TP.HCM là máy móc, dịch bệnh dễ lan rộng và rơi vào tình trạng khó kiểm soát. HCM là bài học quý cho các cấp từ TRÊN xuống dưới, cho các tỉnh, thành phố còn lại.
Mục tiêu kép có thể chỉ đúng ở vùng/địa bàn nhỏ như các khu công nghiệp, thành phố thị xã nhỏ, mật độ người đi chuyển thấp. Nhưng nó sẽ không phù hợp với những thành phố lớn, nơi mật độ người di chuyển nhiều như HN, HP, ĐN, TP.HCM...
Nếu giả sử đợt dịch đang diễn biến phức tạp ở TP.HCM là Hà Nội, khả năng bây giờ Hà Nội cũng không khác TP.HCM hiện tại.
Thôi thì lỡ rồi, cả nước đồng lòng, tất cả hướng về miền nam. Cầu mong dịch sớm dập tắt, sớm đưa cuộc sống bình thường trở lại, đồng thời thúc đẩy tinh thần phòng dịch cho các địa phương còn lại, ban cố vấn sẽ có cái nhìn chính xác về cách phòng dịch từ trước đến nay, bài học về sau và không có đợt dịch nào như TP.HCM thứ 2!".
Gần đây, một số đơn vị vận chuyển và giao hàng như Baemin đã tạm dừng hoạt động hoàn toàn tại TP.HCM, còn Gojek hay Shopee Food VN cũng đưa ra thông báo chính thức về việc sẽ tạm dừng một số dịch vụ từ ngày 23/8 tại vài địa điểm trên địa bàn TP. HCM, bao gồm TP Thủ Đức và 7 quận/huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.
Các dịch vụ sẽ được mở lại khi có thông báo mới từ các cơ quan chức năng. Việc tạm ngưng dịch vụ tại một vài quận huyện có thể đem đến bất tiện nhưng là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Sáng 23/8, tổ công tác UBND quận Tân Bình (TP.HCM) lập chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại giao lộ Lạc Long Quân - Âu Cơ. Trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số trường hợp ra đường không có lý do chính đáng đã bị xử phạt. Nhiều shipper bị yêu cầu quay đầu vì giấy tờ không hợp lệ.
Đến sáng 24/8 lượng phương tiện lưu thông trên đường tại TP.HCM đã giảm đáng kể. Người đi ra đường chủ yếu là shipper, nhân viên y tế, lao công…
Hải Yến
Theo Doanh nghiệp tiếp thị