"Công nghệ cho đến thời điểm này có lẽ là thất bại lớn nhất trong các trụ cột của chiến lược phòng chống dịch" trong báo cáo của Tổ tư vấn COVID-19 với lãnh đạo Tp.HCM gây nên những phức cảm ở người hoạt động trong lĩnh vực CNTT như mình.
Chiến lược phòng chống dịch covid-19 |
Với tư cách là kẻ làm trong lĩnh vực CNTT 27 năm nay từ lúc làm cho APPINFO của anh Nguyễn Long (tổng thư ký hội tin học VN) , Hồng Cơ của anh Nguyễn Đình Thắng (cựu Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt), rồi VNPT TP.HCM, Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft) thì kết luận này không làm mình thoải mái lắm. Nghĩa là "bức xúc không làm ta vô can".
Hôm nọ, có nói đùa với các bạn là 2 ứng dụng Google Form và Zalo có lẽ nên được trao Huân Chương vì thành tích chống dịch, công cụ của các tổ trưởng dân phố, phường, quận năng động trong khi chờ đợi Hệ thống tiêm chủng hoành tráng.
Về mặt khai báo y tế, chúng ta có một loạt các ứng dụng từ Bluezone (BKAV), thông tin về dịch COVID-19 (NCOVI), Vietnam Health Declaration, tokhaiyte.vn,... nhưng cơ sở dữ liệu của các ứng dụng không liên thông, gây bất tiện cho người dùng. Sau đó thì có tin là có thể liên thông nhưng thực hư thế nào không rõ.
Rồi thì Hệ thống tiêm chủng quốc gia mà Bộ TT&TT cổ vũ do Viettel xây dựng và bàn giao cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia được công bố và PR ầm ĩ trong trung tuần tháng 7/2021, mặc dù có nhiều lỗi khá sơ đẳng.
Ngày 10/8/2021, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua phần mềm đăng ký tiêm chủng đã được đưa vào sử dụng, đến nay đã có 2,4 triệu người dân tải app sổ sức khoẻ điện tử; 63/63 tỉnh đã cập nhật dữ liệu lên phần mềm.
Đến thời điểm này, đã có dữ liệu 10,1 triệu đối tượng đăng ký tiêm trên phần mềm và nhập trên hệ thống, trong đó có hơn 4,9 triệu mũi tiêm nhập trên hệ thống. Đã có 5.568 điểm tiêm chủng tại 63 tỉnh/thành phố được cập nhật lên nền tảng tiêm chủng.
Tổng số tiêm từ đầu đến nay hơn 10,5 triệu mũi. Như vậy có một nửa tổng số lượt tiêm chủng là chưa được cập nhật vào hệ thống.
Trong khi đó, theo mình biết, VNPT đã đầu tư hàng nghìn tỷ xây dựng hồ sơ khám chữa bệnh, sổ sức khỏe điện tử và cung cấp trong hàng ngàn đơn vị cấp cơ sở. Mình vẫn thắc mắc tại sao không giao cho VNPT thực hiện lại giao cho Viettel? Trong khi ai cũng rõ khâu dữ liệu mới quan trọng, làm sạch dữ liệu, nhập liệu chiếm 70, 80% công sức chứ dựng cái cổng thông tin, làm cái app thì dễ hơn nhiều.
Một vấn đề khác nữa là Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư do Bộ Công An xây dựng và triển khai thành công, được các chuyên gia đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá” và là một trong sáu CSDLQG cốt lõi đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. CSDLQG về dân cư tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nó đang ở đâu trong tiến trình chống dịch của Chính phủ? Tại sao các app kia không thể sử dụng CSDLQG? Đó cũng là câu hỏi lớn với nhiều chuyên gia. Theo tôi biết, CDSLQG chúng ta sử dụng công nghệ của Nga và Israel, hai cường quốc bảo mật hàng đầu thế giới và VNPT chỉ là đơn vị triển khai mà thôi. Như thế CSDSL quốc gia đáng tin hơn cái Blu-dồn của bạn Quảng kia nhiều.
Nói chung, thắc mắc thì nhiều nhưng mà đành chịu vậy. Nước Việt Nam mình nó thế. Những thứ tưởng chừng dễ hiểu mà thật ra khó hiểu ngay cả với dân làm công nghệ lâu năm như mình.
Theo ông Đào Trung Thành