Doanh nghiệp “tổn thương” nặng, khó trụ tiếp nếu dịch kéo dài

Ghi lại các kiến nghị từ nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang gặp khó khăn.
"Gồng mình" gánh chi phí

Chủ của hệ thống 3 nhà hàng kinh doanh đồ ăn tại TP.HCM, ông Tấn Phước đang băn khoăn có nên đóng cửa luôn 2 nhà hàng vì chi phí mặt bằng vẫn phát sinh trong khi 3 tháng không kinh doanh cộng với chi phí vẫn đang trả cho nhân viên đang ăn dần vào tiền để dành. Theo ông Phước; “Nếu không trả lương giữ nhân viên thì hết dịch lại không tuyển được nhân viên mới, còn tiếp tục gồng thì chỉ chịu được 2 tháng nữa”.

Trong khi đó, các danh nghiệp tại các tỉnh miền Tây lại gồng chi phí mô hình 3 tại chỗ. “Nếu dịch bệnh kéo dài liên tục hàng tháng trời như hiện nay công ty không đủ sức để duy trì mô hình 3 tại chỗ dù đã cắt giảm công suất hơn 60%, các đơn hàng bị ảnh hưởng. Nếu không có phương án khác để cắt giảm chi phí hoặc ít nhất hỗ trợ công nhân tiêm vaccine, công ty rất khó trụ với mô hình này”, đại diện Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, chia sẻ.

Thuộc 30% doanh nghiệp thủy sản vẫn tiếp tục hoạt động, công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau có gần 1.500 lao động. Sau khi thực hiện mô hình 3 tại chỗ để đối phó với dịch bệnh, công ty phải cắt giảm 2/3 lao động và chỉ bố trí được 500 công nhân làm việc tại chỗ.
Đại diện Công ty, cho biết: “Tất cả công nhân được chia các khu vực khác nhau, công ty phải thuê khách sạn, nhà trọ gần nhà máy để họ nghỉ ngơi. Công ty còn tổ chức ăn uống tại phân xưởng, với 3 bữa ăn/ngày, tất cả chi phí do công ty hỗ trợ”. Chi phí tốn kém nhất là khoản xét nghiệm PCR cho công nhân từ 300-500.000 đồng/lần và 3-4 ngày lại xét nghiệm lại, mỗi tháng công ty phát sinh thêm chi phí hàng tỉ đồng.

“Cuối cùng rồi dịch cũng đã vào cửa, nó phản ánh rất cụ thể về những gì chúng tôi đã thực hiện để ứng phó với nó lâu nay”, ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cỏ May, chia sẻ. Cỏ May có 4 nhà máy tham gia theo chương trình “3 tại chỗ” và một tiểu ban phòng chống dịch COVID-19 công ty lập riêng.

Mảng Chế biến thuỷ sản đông công nhân, lại làm việc trong môi trường ẩm ướt và nền nhiệt độ thấp. Nên khi test đầu vào hơi chậm so với diễn biến bên ngoài thì ngay lập tức có 3 ca dương tính, khiến khó khăn chồng chất từ khâu an toàn, chi phí, thanh khoản, đầu ra, kế hoạch…
Các danh nghiệp tại các tỉnh miền Tây lại gồng chi phí mô hình 3 tại chỗ. Ảnh: TL.
Sau 2 tháng ổn định với mô hình 3 tại chỗ, nhà máy gạo cho công nhân viên về thăm gia đình. Tuy nhiên, khi công ty tập trung lao động thì có hơn 10/100 ca dương tính. Nếu chúng tôi tự ngừng hoạt động thì xem như cáo chung vì không dễ giải quyết các tồn đọng và mất thị phần. Nếu hoạt động trong hoàn cảnh như thế này kéo dài đến cuối năm, dù có sống được cũng khó mà nuôi, vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chi phí tăng đột biến, đầu vào chập chờn, đầu ra vô định, trong khi đó vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán định kỳ…ông Thiện chia sẻ.

Theo Cỏ May, một tia hy vọng có thể cứu vãn được tình thế là ngân hàng thông báo giảm lãi suất từ 6% xuống chỉ còn 5,5%. Theo ông Thiên, doanh nghiệp không đòi hỏi nhiều, chỉ mong các chỉ thị có sự nhất quán và hợp lý trong triển khai để doanh nghiệp dễ sắp xép các quy trình vận hành sản xuất và kinh doanh.

Những vướng mắc cần tháo gỡ?

Anh em công nhân đã "cắm trại" hơn 1 tháng, nếu càng kéo dài mô hình 3 tại chỗ, doanh nghiệp càng rủi ro và nguy cơ mất lao động. Hiện khoảng 20% lao động của công ty đã nghỉ việc sau thời gian tham gia “3 tại chỗ”, nếu kéo dài mô hình này sẽ có thêm nhiều lao động xin nghỉ sẽ gián đoạn khâu sản xuất, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ.

Nhìn nhận vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Nguyên Chủ tịch Vasep, cho rằng, thực tế đối với mô hình 3 tại chỗ không quá mới mẻ với doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ngành tôm.
Song với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, doanh nghiệp phải sắp xếp lại dây chuyền sản xuất phù hợp với hoàn cảnh mới.

Theo ông Lực, trong ngành thủy sản, doanh nghiệp sử dụng lao động đông nên sẽ khó bố trí được theo mô hình này. Ngoài ra, chi phí cho việc thực hiện 3 tại chỗ là không nhỏ. Điều đáng lo, trong bối cảnh doanh nghiệp phải chịu hàng loạt chi phí khác phát sinh như vận chuyển, thức ăn, khám xét nghiệm…Muốn giảm chi phí, doanh nghiệp chỉ còn cách hạ thấp khâu nguyên liệu (chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm), do vậy dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp hạ thấp giá mua tôm nguyên liệu của người dân trong giai đoạn thực hiện 3 tại chỗ. “Nếu duy trì mô hình này lâu, không chỉ doanh nghiệp sẽ phải gánh chi phí cao, người nuôi tôm sẽ chịu ảnh hưởng do giá thu mua càng ngày càng giảm”, ông Lực nói.

Bên cạnh khó khăn trong sản xuất, doanh nghiệp còn gặp khó trong khâu “thông quan”. Ngày 25.8, vừa qua 7 hiệp hội ngành hàng gồm Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đồng loạt có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành gỡ khó trong việc cấp giấy đi đường tại TP.HCM.
Nếu kéo dài mô hình 3 tại chỗ, doanh nghiệp càng rủi ro và nguy cơ mất lao động. Ảnh: TL.
Hấu hết các doanh nghiệp đều có chung phản ánh gặp khó trong việc xin giấy đi đường, lưu thông hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường. Các doanh nghiệp logistics cũng đang gặp nhiều khó khăn với giấy đi đường. Theo phản ánh của của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nhiều doanh nghiệp logistics chỉ được Sở Công Thương TP.HCM cấp 2 giấy đi đường nên không giải quyết được công việc.

Theo đại diện một doanh nghiệp, “Dịch COVID-19 kéo dài, doanh nghiệp đã dùng đến nguồn vốn chủ sở hữu để duy trì hoạt động. Nguồn vốn từ hoạt động kinh doanh gần như đứng im mấy tháng nay. Trong khi, vay ngân hàng đã khó nay càng thêm khó. Doanh nghiệp đã khô máu”.

Minh Anh
0 Nhận xét