Nói về tin đồn cắt giảm lượng nhân sự lớn khiến dịch vụ tệ đi, Giám đốc Traveloka Việt Nam cho biết: không hẳn là cắt giảm mà công ty đang tái cơ cấu và công tác chăm sóc khách hàng của họ cũng đang ngày được cải thiện hơn sau 1,5 năm ‘làm quen’ với đại dịch. Bên cạnh đó, Traveloka cũng đã kịp thời ra nhiều sản phẩm mới phù hợp thời cuộc.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, Traveloka là một trong những ‘kỳ lân’ khốn khổ nhất. Thị trường hoạt động chính của startup trong ngành bán lẻ du lịch này là Đông Nam Á, mà khu vực này đang là ‘điểm nóng' đại dịch Covid-19.
Hiện tại, họ vẫn đang hỗ trợ với Chính phủ để triển khai các chương trình hỗ trợ chống dịch, bán phòng cho các F1 cách ly như tại Việt Nam; tuy nhiên, theo tiết lộ của chị Huỳnh Thị Mai Thy – Giám đốc Traveloka Việt Nam, thì họ không hề lấy hoa hồng của các đối tác trong chương trình này.
Có thể nói, trong khoảng hơn 1,5 năm chìm trong đại dịch vừa qua, mọi kế hoạch tăng trưởng của họ đành phải hoãn lại, chỉ tập trung vào làm thương hiệu. Tuy nhiên, với việc vừa kêu gọi thành công 250 triệu USD vào năm ngoái, Traveloka có lẽ sẽ còn cầm cự được rất lâu. Hơn nữa, ‘kỳ lân’ này vẫn đang nung nấu ý định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua còn đường SPAC.
Traveloka Việt Nam không xác nhận việc sa thải lượng nhân sự lớn mà cho rằng, đó chỉ là quá trình tái cơ cấu
Trong tháng 4/2020, Nikkei thông tin: Traveloka đã sa thải gần 100 nhân viên, tương đương 10% tổng số lượng nhân sự của startup này, đồng thời còn có kế hoạch cắt giảm 50% mức lương cơ bản của những người còn lại. Sau đó, một vài tin đồn khác đã lan truyền tại Việt Nam, chứng thực thông tin của Nikkei là chính xác, vì Traveloka cũng cắt giảm lượng lớn nhân sự và thu hẹp quy mô văn phòng tại TP. HCM – chỉ còn 2/3 so với trước kia.
Tuy nhiên, trong buổi đối thoại cùng phóng viên hôm 24/8, chị Huỳnh Thị Mai Thy - Giám đốc Traveloka Việt Nam cho rằng: không hẳn là cắt giảm nhân lực mà họ chỉ đang tái cấu trúc công ty.
Chị Huỳnh Thị Mai Thy – Giám đốc Traveloka Việt Nam |
"Trong đại dịch, Traveloka là một trong những danh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm ngoái, trong giai đoạn đầu dịch, Ban lãnh đạo của Traveloka đã suy nghĩ rất nhiều mới đi đến quyết định tái cấu trúc công ty, làm sao có lợi cho nhân viên – đối tác – khách hàng cũng như đảm bảo vận hành mô hình kinh doanh trơn tru.
Nhân sự của Traveloka rất trẻ, chịu khó thử thách và có tinh thần thép. Những người này có thể làm công việc kia và những người kia có thể làm công việc nọ. Thật ra, lãnh đạo của Traveloka đang quản lý doanh nghiệp rất tốt và có tầm nhìn", chị Mai Thy bày tỏ.
Còn về dịch vụ chăm sóc khách hàng vào thời điểm năm ngoái, cả khách hàng lẫn Traveloka đều lần đầu đối diện với đại dịch, nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Còn hiện tại, hạng mục chăm sóc khách hàng của họ đã được cải thiện rất nhiều, nhờ liên tục ra mắt các sản phẩm – dịch vụ phù hợp với thời cuộc bất định.
"Khi gặp khó khăn, chúng ta sẽ phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo. Trong khoảng 1,5 năm vừa qua, chúng tôi đã cải tiến ứng dụng – sản phẩm nhanh và liên tục để thích nghi với thị trường; nhiều chương trình mới đã ra đời như ‘Hủy phòng miễn phí 24h’, ‘Khách sạn sạch sẽ’…
Thêm nút đổi chuyến - hoàn tiền ngay vé, thêm kênh chăm sóc khách hàng tiện lợi khi chat trực tiếp qua app thay vì chỉ gọi điện hoặc gửi email như trước đây. Bây giờ, khách hàng cũng đã quen với chuyện đặt hủy phòng cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng, đặt sát giờ và chịu khó chờ đợi hoàn tiền theo quy định của Traveloka và các hãng bay.
Hoặc như gần đây, khi đại dịch dâng cao khắp Đông Nam Á, chúng tôi nhanh chóng làm thêm landing page cho chương trình ‘Vận chuyển cách ly 0 đồng’ kết hợp cùng Sasco Travel và kết nối 80 khách sạn tham gia chương trình "Cách ly an toàn’", Giám đốc Traveloka Việt Nam cho hay.
Còn tại Indonesia, vào tháng 4/2021, "kỳ lân" này đã giới thiệu các nhà hàng mới trên nền tảng Traveloka Eats, đồng thời thuê người giao hàng tận nơi.
Traveloka Eats ban đầu là một nền tảng đánh giá và gợi ý nhà hàng. Nền tảng này âm thầm cung cấp dịch vụ giao hàng vào cuối năm ngoái thông qua quan hệ hợp tác với công ty hậu cần Lalamove. Cả hai công ty đều có chung một nhà đầu tư là Hillhouse Capital.
Traveloka rất tốt nhưng đại dịch… rất tiếc
Cũng trong suốt buổi đối thoại, chị Mai Thy nhiều lần nhấn mạnh rằng: Traveloka là một trong những nền tảng đặt phòng có hoa hồng cạnh tranh và thấp nhất thị trường. Mỗi khi khách sạn tìm đến Traveloka, đều được họ cam kết sẽ mang tới nhiều booking và doanh thu cho đối tác. Thực tế là doanh số mà Traveloka mang về cho các khách sạn rất tốt.
Thế nên, hòa với xu hướng chung của thị trường - nhu cầu du lịch luôn tăng cao sau mỗi đợt cao trào của đại dịch, nhu cầu khách hàng trên Trevaloka cũng thế. Năm ngoái, doanh thu Traveloka đã tăng vọt trở lại trong tháng 3 – 4 – 5 – 6 và có giảm một chút bởi đợt cao trào tại Đà Nẵng, sau đó phục hồi và chỉ giảm sâu với đợt cao trào ở Tết Nguyên Đán. Trong năm nay, nhu cầu của khách hàng cũng tăng trở lại từ tháng 3 cho đến tháng 6.
Theo đó, trong 2 năm 2020 và 2021, giai đoạn từ khoảng tháng 3 đến tháng 6, lượng khách đặt phòng và các dịch vụ khác trên Traveloka phục hồi rất tốt và gần bằng trong năm 2019.
Còn nhớ năm ngoái, sau khi nhận được 250 triệu USD tiền đầu tư từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm East Ventures; ông Ferry Unardi - Đồng sáng lập và CEO Traveloka cũng cho hay: "Chúng tôi rất vui mừng khi thông báo rằng: doanh số đã phục hồi đáng kinh ngạc trên tất cả các thị trường. Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã tiệm cận mức trước khi dịch Covid-19 xảy ra, trong khi doanh số tại Thái Lan cũng sắp hồi phục 50%".
Tuy nhiên, dù Traveloka tốt như thế nào và luôn cố gắng hồi phục nhanh nhất có thể ra sao, thì không thể tránh được sự thật: họ chỉ có doanh thu khoảng 7 đến 8 tháng trong hơn 1,5 năm vừa qua.
Vậy nên, mặc dù chị Mai Thy khẳng định là Traveloka vẫn đang đầu tư và phát triển kinh doanh như bình thường; song chắc chắn họ sẽ phải gác lại các kế hoạch tăng trưởng đã đề ra trước đại dịch, cắt giảm chi phí – song vẫn phải đầu tư vào quảng cáo rất nhiều để làm thương hiệu.
Tuy nhiên, với nguồn lực dồi dào mà họ có được từ các nhà đầu tư, Traveloka có lẽ còn có thể cầm cự trong thời gian dài. "Kỳ lân" 9 năm tuổi này đã thành công kêu gọi 1,2 tỷ USD tiền đầu tư từ 4 quỹ chính thông qua các vòng gọi vốn khác nhau.
Ở khía cạnh khác, với ngành nghề của mình, đại dịch càng kéo dài, thì Traveloka càng gặp nhiều bất lợi. Với đợt gọi vốn gần nhất mà chúng ta đã đề cập ở trên, Traveloka có mức định giá 2,75 tỷ USD – thấp hơn 17% so với lần gọi vốn trước đó nữa. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi "kỳ lân" này đang cố gắng IPO càng nhanh càng tốt.
Traveloka được cho là đang đàm phán để huy động 400 triệu USD với mục tiêu niêm yết tại Mỹ bằng cách hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) do tỷ phú Hong Kong Richard Li và nhà đầu tư Peter Thiel hậu thuẫn.
Hoạt động huy động vốn là một phần của kế hoạch sáp nhập với Bridgetown Holdings, sẽ được thực hiện thông qua PIPE (Private Investment in Public Equity - đầu tư tư nhân vào cổ phần đại chúng), Bloomberg News đưa tin hôm 3/8.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị