Nhiều người ở các chung cư, khu phòng trọ bắt đầu có xu hướng mua chung đơn hàng để tiết kiệm phí vận chuyển, mua được nhiều hàng hoá hơn trong bối cảnh TP.HCM hạn chế đi lại.
Chị Trâm (Bình Thạnh) ở trọ một mình trong giai đoạn thành phố cách ly, mua sắm khó khăn. Đối với hàng hoá thiết yếu, chị mua trên ứng dụng và tổng đài của các siêu thị. Tuy vậy, khi thèm cà phê của một thương hiệu cụ thể thì không có.
“Hôm qua em được các bạn cùng nhà rủ mua chung một đơn hàng. Một người trong nhóm đặt mua thực phẩm từ VinMart, trong đó có kiosk của cà phê P.L nên đặt mua thêm”, chị Trâm nói. Nhờ vậy, nhóm bạn có đa dạng đồ ăn, thức uống khi phải ở nhà mùa dịch.
Một người rủ mua chung... trứng vịt lộn, nhiều người hưởng ứng. (Ảnh chụp màn hình) |
Việc “mua chung”, “gom đơn” đang dần phổ biến trong các chung cư hay cộng đồng dân cư. Do việc hạn chế ra ngoài, một người sẽ đại diện mua đơn hàng lớn, sau đó về chia lại cho bạn bè, hàng xóm.
Chị Uyên (Tân Bình) cho biết, mùa dịch này chị ở nhà hoàn toàn, dù được phát phiếu đi chợ nhưng vẫn chưa bước chân vào siêu thị nào. Khi mua qua kênh online, các siêu thị gần nhà hầu như không có rau xanh, chỉ có củ quả. Do đó, chị phải đặt mua rau xanh từ nguồn bên ngoài.
Những vựa bán rau xanh, trái cây thường ship đơn hàng lớn 10kg trở lên, ít khi giao đơn nhỏ lẻ. Do đó, chị Uyên và một số bạn bè phải cùng nhau gom đơn. Một nhóm 3 người sẽ đặt mua khoảng chục ký rau xanh, sau đó về chia lại.
“Nếu không tìm người mua cùng, mua 3kg rau mà tiền vận chuyển hết 50 ngàn thì phí quá”, chị Uyên chia sẻ.
Qua gần hai tháng giãn cách nghiêm ngặt ở Sài Gòn, nhiều người dần quen với việc mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua ứng dụng. Tuy vậy, các kênh này chỉ đáp ứng được các loại hàng hoá cơ bản, thực phẩm khô, rất ít thịt cá, rau xanh. Đặc biệt một số loại ăn vặt hàng ngày của người dân như ốc, hải sản, hủ tiếu, phở, bún... sẽ khó mua hơn nữa.
“Có hôm thèm ăn… hột vịt lộn mà không biết mua ở đâu. Chỗ bán chỉ ship một đơn 100 trứng, không ship lẻ. Thế là phải đăng lên nhóm Facebook ở chung cư để tìm người mua chung”, chị Phượng (Tân Phú) chia sẻ. Cả chung cư mua hơn trăm trứng vịt lộn, mỗi nhà về tự luộc ăn.
Mùa dịch này, những người ở các khu chung cư, nhóm trọ được lợi khá nhiều do cư dân thường có nhóm trên mạng xã hội. Ai mua dư hàng hoá có thể tìm người chia sẻ lại. Người nào thiếu món gì cũng có thể hỏi để tìm nguồn bán, sau đó cùng đặt mua.
Ở đợt giãn cách gần nhất bắt đầu từ ngày 16/8, thành phố cho mở trở lại các cơ sở sản xuất, trong đó lò bánh mì được bán trở lại. Bánh mì ở lò bán 2.000 đồng/ổ, nhưng phải đặt hàng trăm ổ mới giao. Thế là ban quản lý chung cư chỗ chị Phượng đăng vào nhóm chat, hỏi thăm nhu cầu cư dân. Kết quả, chỉ riêng một tầng thôi đã có hơn trăm ổ cần giao. Đại diện ban quản lý sẽ mang từng bao bánh mì treo trước cửa từng căn hộ, sau đó nhận chuyển khoản để bảo đảm 5K.
Dẫu vậy, nhiều người dù không ở trong các khu cộng đồng nhưng cũng là cứu cánh cung cấp thực phẩm cho bạn bè khi cần thiết. Như chị Ngọc Thiện (Bình Thạnh) luôn có mối mua hàng thực phẩm ổn định kể từ trước dịch đến nay.
Chị Thiện thường mua đơn hàng lớn rồi về phân chia, tích trữ, đủ cho nhà 4 người ăn hơn một tuần. Do đó, một số bạn bè còn độc thân trong nhóm cũng thường nhờ chị mua giúp, sau đó ship đến nhà từng người.
“Dạo trước em cũng hay mua một đơn hàng lớn, sau đó chia cho một số bạn ở giai đoạn khan hiếm thực phẩm. Gần đây việc mua chung cũng bớt lại do các bạn đã quen với việc tìm nguồn mua hàng”, chị Thiện nói.
Đặc biệt, sau khi thành phố cho shipper giao hàng thiết yếu liên quận, việc giao hàng thực phẩm thuận lợi hơn trước. Người mua đồ ăn thức uống bắt đầu có nhiều kênh mua sắm hơn, việc vận chuyển cũng thoải mái hơn giữa các địa bàn, khiến việc “đi chợ” trực tuyến bớt khó khăn hơn trước.
Hải Đăng