Tác động của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến cho hàng loạt khách sạn trên địa bàn TP.HCM tiếp tục lâm vào tình trạng “cửa đóng then cài”, chưa kể, nhiều khách sạn dù ở vị trí đắc địa nhưng vì không thể cầm cự cũng đã rao bán với giá rẻ, là hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay.
Hàng loạt khách sạn đóng cửa, rao bán |
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chủ của 2 khách sạn chất lượng 3 sao ở TP.HCM (cơ sở 1 tại đường Lê Thị Hồng, quận Gò Vấp và cơ sở 2 tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận) đang phải “vật vã” từng ngày, cầu mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để khách sạn có thể hoạt động trở lại.
Chia sẻ với PV, bà Huyền cho biết, bắt đầu từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến cho hoạt động của cơ sở 2 bị ngưng trệ, tiếp đó là cơ sở 1 tại quận Phú Nhuận cũng phải đóng cửa nốt, để thực hiện theo các chỉ thị của lãnh đạo TP.HCM.
“2 cơ sở có 12 nhân viên là bảo vệ, tạp vụ, lễ tân đều đã tạm thời cho nghỉ việc và giảm 50% lương, còn khách sạn thì phải đóng cửa để phòng chống dịch nên hơn 2 tháng nay doanh thu bằng 0. Chúng tôi hiện giờ thật sự đang rất khó khăn, không biết lấy tiền đâu ra để trả cho nhân viên”, bà Huyền chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền cũng cho hay, đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan ban ngành hỗ trợ về cơ chế, chính sách như giảm thuế VAT, gia hạn thời gian nộp thuế,… để giúp các khách sạn có thể vượt qua giai đoạn dịch bệnh và có kinh phí để trả lương cho nhân viên, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
“Chỉ mong chính quyền sớm hỗ trợ, để những doanh nghiệp như chúng tôi có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu trong trường hợp xấu nhất, không còn cầm cự được nữa buộc lòng chúng tôi phải cho nhân viên nghỉ việc, thậm chí bán cả khách sạn”, bà Huyền nói.
Hàng chục khách sạn trên địa bàn TP.HCM đang được rao bán trên trang web homedy.com. Ảnh chụp màn hình |
Trong khi đó, lướt qua một số trang website như: Homedy.com, batdongsan.com.vn, alonhadat.com.vn, nha.chotot.com,… có thể thấy hàng loạt khách sạn từ 1-5 sao đang đăng rao bán.
Đơn cử như tại trang web homedy.com, có đến 22 khách sạn tại TP.HCM đang được giao dịch mua - bán, đa số các khách sạn này đều tập trung ở các khu vực sầm uất như quận 1 (các tuyến đường Lê Thị Riêng, Bùi Thị Xuân, Nguyễn An Ninh, Lê Thánh Tôn,…); quận Tân Bình (Hoàng Hoa Thám, Nguyên Minh Hoàng, Cộng Hòa,…); quận Bình Thạch, quận 5, quận 10,… với giá rao bán từ 15-500 tỷ đồng.
Gọi theo số điện thoại đăng bán một khách sạn có tên A25 HOTEL tại đường Lê Thị Riêng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, chúng tôi gặp được người tên Hoàng Huynh, tự xưng là người đại diện bán khách sạn này.
Theo đó, người tên Hoàng Huynh cho biết, khách sạn này được xây dựng gồm 1 hầm, 1 lửng, 8 tầng + sân thượng, với 62 phòng nội thất kiểu Pháp đi kèm với đó là nhiều tiện ích mang lại, sau đó chốt với mức giá là 300 tỷ đồng.
Khi được hỏi vì sao khách sạn tốt như vậy mà lại bán?, người này cho biết: “Một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến không có doanh thu vì phải đóng cửa trong suốt thời gian qua, một phần vì cần vốn để sử dụng vào việc khác nên đành phải bán”.
Tương tự, tại trang web alonhadat.com.vn cũng đang bán hàng trăm khách sạn trên địa bàn TP.HCM, trong đó, có khách sạn chất lượng 4 sao, tại đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1 đang được rao bán với giá 950 tỷ đồng, hay một khách sạn với 15 phòng, ngay đường Trần Hưng Đạo - Bùi Viện, phường Bến Thành, quận 1, khu vực được xem là sầm uất tại TP.HCM cũng đang được bán với mức giá chỉ 24,3 tỷ đồng.
Có thể thấy, tình trạng đóng cửa, rao bán khách sạn đã diễn ra kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát tại Việt Nam đến nay, với sự ảnh hưởng nặng nề của ngành du lịch đã khiến cho việc kinh doanh khách sạn cũng theo đó “lao dốc”.
Số liệu công bố gần đây nhất từ Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, TP.HCM đón trên 7.190.000 lượt khách nội địa, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 11, 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu ước đạt 35.581 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2021, TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, cơ sở lưu trú hạng 4 và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu của khách sạn 5 sao giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao động giảm hơn 40%; khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lượng lao động giảm hơn 50%; khách sạn 3 sao giảm hơn 80%, nhiều đơn vị tạm ngưng nhận khách để giảm chi phí tối đa.
‘Hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay’
Trước thực trạng hàng loạt khách sạn ở những vị trí đắc địa, sầm uất của TP.HCM đang được rao bán nhan nhản, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, trước đây, những khách sạn ở quận 1 trên các tuyến đường như Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Lê Thánh Tôn,... không phải là hàng để rao bán vì đều có vị trí rất đẹp kèm theo đó là có kiến trúc khác biệt làm nên thương hiệu Sài Gòn. Hơn nữa, chủ của những khách sạn này không phải là dân yếu tiền lướt sóng để dễ dàng bán ra khi thị trường lưu trú mới đóng băng hơn một năm, nhưng nay lại đang được rao bán rất nhiều, thậm chí là giảm giá. “Đây là hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay”.
Nói về nguyên nhân khiến thị trường khách sạn “lao dốc” như hiện nay, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, có thể là do các chủ đầu tư quá tự tin vào tài sản này nên mua nhiều bất động sản khác. Họ có thể vay với mức lên tới 70%-80% và giờ kẹt tiền các nơi, không xoay xở được nên phải rao bán.
“Một lý do khác có thể là các chủ khách sạn lo sợ dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch TP.HCM nên họ rao bán để đảm bảo tiền về tay”, TS. Đinh Thế Hiển nói.
Ngoài ra, dự báo về thị trường khách sạn trong thời gian tới, vị chuyên gia này đánh giá: “Làn sóng rao bán khách sạn sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hơn trong thời gian tới nếu dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, những chủ khách sạn vay vốn ngân hàng từ 70%-80% để đầu tư, kinh doanh khách sạn sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn là bán để trả nợ hoặc bị ngân hàng xiết nợ”.
Trong khi đó, nhìn ở góc độ tích cực hơn, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho rằng, triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.
Theo bà Trang, đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
“Hiện nay, chúng ta đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất, với số ca nhiễm tăng nhanh và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó, mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt”, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam nhận định.
Mặt khác, về trung và dài hạn, vị chuyện gia này cho rằng, việc đẩy mạnh tiêm chủng vacxin đã được chính phủ nước ta cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm "hộ chiếu vacxin" và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng dịch. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào "hộ chiếu vacxin" để vực dậy ngành du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn.
“Việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được "miễn dịch cộng đồng", dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ”, bà Trang nói.
Lý Tuấn
Theo Nhà đầu tư