Hộ kinh doanh tìm “lối thoát hiểm” trong đại dịch

Dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến các SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Một số SME đã nhanh chóng tìm cách vượt khó bằng thương mại điện tử.

Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đang khiến hàng triệu hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không có doanh thu trong thời gian dài. Không ít doanh nghiệp buộc phải giải thể, hay tạm thời ngừng sản xuất, nhưng cũng có rất nhiều nhà bán chuyển mình, tìm ra "lối thoát hiểm" để duy trì và phát triển trong biến động.

Thách thức chung không của riêng ai

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp cho thấy, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%.

Đặc biệt, sau khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng ở nhiều tỉnh thành hiện nay, vấn đề nan giải nhất đối với các hộ kinh doanh là vận chuyển, lưu thông hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Giãn cách xã hội đồng nghĩa với người dân hạn chế ra đường tối đa, nhất là khi các dịch vụ bán mang về cũng ngừng hẳn.

Tình hình dịch căng thẳng kéo dài cũng khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ mất đi một lượng lao động nhất định do đóng cửa, ngừng sản xuất. Tình trạng đóng cửa khiến nhiều người phải chuyển hình thức kinh doanh, tránh tình trạng "đóng băng" hoạt động hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, kinh doanh trên thương mại điện tử được xem là "lối thoát hiểm" cần thiết cho doanh nghiệp giúp duy trì sản xuất, tạo ra nguồn thu, từ đó hồi phục kinh tế.

Khôi phục doanh thu nhờ "lối thoát hiểm" TMĐT

Nghỉ việc tại công ty để bán thực phẩm online trong mùa dịch, anh Hiếu (Hà Nội) là điển hình của một tiểu thương tận dụng tốt nền tảng TMĐT.

Khi dịch bùng phát, phải nghỉ việc tại công ty, anh Hiếu bắt đầu tìm hiểu về kinh doanh trên TMĐT. Anh biết đến Lazada đã khá lâu nhưng trước đây, bị quấn vào nhiều việc nên không tập trung nghiên cứu kinh doanh các mặt hàng trên sàn TMĐT này.

Đối với anh Hiếu, đây là mô hình kinh doanh mới mẻ, nhiều điều khiến anh bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì của mình, anh đã cố gắng khắc phục nhanh chóng. Từ nguồn hàng, khách hàng đến khâu vận chuyển… anh đều tự mày mò và nỗ lực xây dựng kênh bán hàng.

"Trước mắt, mình cố gắng hết sức, khắc phục khó khăn từng bước một. Đợt này, do dịch bệnh, khâu vận chuyển tắc nghẽn nhiều, sản phẩm phải qua rất nhiều bước mới đến được tay người tiêu dùng. Phía mình đang dần khắc phục những vấn đề này", anh Hiếu chia sẻ.

Trước những khó khăn trên, anh Hiếu cho biết đã luôn nhận được sự hỗ trợ của Lazada trong mọi khâu marketing. Anh tâm sự: "Các bạn hỗ trợ rất nhiệt tình, chia sẻ chân thành để mình cân nhắc kỹ, nhìn lại nguồn lực tới đâu trước khi tham gia các ngày hội giảm giá lớn. Về thủ tục, giấy tờ khi lên sàn, mình hoàn thiện rất nhanh, không gặp vướng mắc gì".

Theo anh Hiếu, lợi thế khi kinh doanh trên TMĐT là thị trường đã có sẵn và rất lớn. Anh cho rằng kinh doanh online sẽ lợi thế hơn rất nhiều, không tốn phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên. Anh chỉ cần đầu tư vào hình ảnh, nội dung rõ ràng, bắt mắt để thu hút nhiều khách hàng hơn. Đồng thời, anh muốn mang những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng để họ có những trải nghiệm tốt.
Gian hàng của anh Hiếu khi tham gia vào ngày hội sale 8.8 vừa qua trên Lazada.
Gian hàng Thực phẩm ngon Family của anh Hiếu cũng vừa tham gia ngày hội sale 8/8 vừa qua của Lazada. Doanh thu từ những dịp này tăng gấp đôi so với những ngày bình thường. Trong tương lai, anh đặt mục tiêu kinh doanh trên Lazada là phát triển tất cả các mặt hàng, doanh thu gấp 2, gấp 3 hiện tại.

Kinh doanh trên TMĐT - bước đi cần thiết để duy trì và phát triển kinh doanh cũng là suy nghĩ của anh Thông (TP. Cần Thơ). Làm dịch vụ giặt là vốn là phương thức kinh doanh của anh Thông nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc của anh khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, anh quyết định chuyển sang mảng kinh doanh thực phẩm đóng gói để phù hợp với nhu cầu người dùng hiện nay.

Anh Thông đã biết đến TMĐT vài năm trước. Lúc đầu, anh chưa hiểu rõ cách thức bán hàng, đúng lúc này, Lazada đã mở những chương trình, khóa học hướng dẫn. Anh Thông theo dõi, tìm hiểu và tự mở được kênh bán hàng trên sàn TMĐT Lazada.

Cũng như nhiều gian hàng khác, Bếp nhà Bo của anh Thông cũng tích cực tham gia các ngày hội giảm giá của Lazada. Doanh thu của gian hàng vào những ngày này tăng gấp 3 lần những ngày bình thường nhờ uy tín từ Lazada.
Doanh thu bán hàng trên Lazada của anh Thông (TP Cần Thơ) đang vào khoảng hơn 150 triệu đồng một tháng. Ảnh: NVCC.
"Phụ thuộc vào sự phát triển của các mặt hàng và tình hình dịch bệnh, tôi sẽ mở rộng kinh doanh online trong thời gian tới. Mục tiêu trước mắt là kiếm được lợi nhuận gấp đôi so với hiện tại", anh Thông chia sẻ.

Bước đi cần thiết cho doanh nghiệp

Việc tham gia kinh doanh trên các sàn TMĐT hiện nay của các nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ là hoàn toàn phù hợp. Với chi phí đầu tư tương đối cùng sự hỗ trợ của sàn TMĐT, nhà bán có thể tiếp cận người mua ở khắp nơi và tận dụng các công cụ, công nghệ hiện đại.

Đồng thời, việc tự động hóa các giao dịch giúp hoạt động kinh doanh được thực hiện 24/7/365 mà không mất thêm nhiều chi phí. Điều này giúp củng cố nguồn thu, giữ chân khách hàng, vừa giúp ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
0 Nhận xét