Do ảnh hưởng của 'cơn khát' chip trên toàn cầu và sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều hệ thống bán lẻ đã buộc phải điều chỉnh giá bán của hàng loạt mẫu laptop.
Giá bán trung bình của các mẫu laptop đồng loạt tăng cao tại Việt Nam. |
Gần đến mùa tựu trường, nhu cầu sử dụng, mua sắm laptop của người dùng tại Việt Nam bắt đầu tăng cao. Những năm trước, đây được xem là khoảng "thời gian vàng" để mua laptop bởi người dùng sẽ có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Đồng thời, các hệ thống bán lẻ cũng triển khai hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại, giúp khách hàng có thể dễ dàng chọn được sản phẩm phù hợp hơn.
Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược trong năm nay. Giá bán trung bình của các mẫu laptop đồng loạt tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế, người dùng không có nhiều sự lựa chọn.
"Vài tháng trước, ngành hàng laptop được điều chỉnh tăng giá một lần mỗi tháng. Hệ thống sẽ cố gắng duy trì giá bán của sản phẩm để hạn chế ảnh hưởng đến người dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán của laptop liên tục thay đổi hàng tuần. Mỗi lần hàng về lại có một mức giá mới, giá bán vào cuối tuần có thể cao hơn đầu tuần cả trăm nghìn đồng. Thậm chí, tại một số khoảng thời gian cao điểm, giá bán có thể biến động từng ngày", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS chia sẻ.
Ông Huy cho biết thêm rằng, các sản phẩm laptop đến từ hai thương hiệu Dell và HP đang tăng giá nhiều nhất. Trong khi đó, giá bán của các thiết bị từ Acer, Lenovo, Asus hay MSI cũng có tăng nhưng ít biến động hơn.
Cụ thể, mẫu laptop gaming Asus ROG Strix G15 có giá 26,8 triệu đồng vào cuối tháng 7, nhưng đến giữa tháng 8, đã tăng lên 27,3 triệu đồng. Mẫu HP 14-DQ2055WM cũng tăng 1,1 triệu đồng so với tháng trước, lên mức 12,7 triệu đồng. Hai sản phẩm khác là Lenovo Gaming Legion 5 và Microsoft Surface Go cũng vừa được các đại lý điều chỉnh tăng thêm 600.000 đồng so với trước.
Trong khi đó, các mẫu máy tính MacBook từ Apple hiện là dòng sản phẩm có giá bán ổn định và ít biến động nhất.
"So với laptop từ các thương hiệu khác, giá bán của các mẫu MacBook gần như không có sự thay đổi trong khoảng thời gian qua. Điều này có được một phần đến từ khả năng quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm rất tốt của hãng", ông Xà Quế Nguyên, Giám đốc hệ thống Hnam Mobile chia sẻ.
Theo chia sẻ từ các đại lý, so với mọi năm, người dùng hiện không có nhiều sự lựa chọn về mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, giá bán tăng cao cũng khiến cho việc tìm kiếm được một thiết bị phù hợp cũng khó
hơn.
So với mọi năm, người dùng hiện không có nhiều sự lựa chọn về mẫu mã sản phẩm. |
"Nhu cầu của người dùng tăng cao, trong khi nguồn cung lại không đủ để đáp ứng. Trong quá trình tư vấn, các nhân viên kinh doanh thường xuyên phải chuyển hướng khách hàng sang những lựa chọn khác vì nhiều dòng máy đã hết hàng. Người dùng hiện không còn nhiều lựa chọn như trước", ông Đào Đức Tiến, đại diện truyền thông hệ thống An Phát PC cho biết.
Cũng theo nhận định từ các chuyên gia, nhiều khả năng, phải đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, nguồn cung laptop tại thị trường Việt Nam mới có thể trở lại ổn định. Khi đó, mức giá của mặt hàng này cũng sẽ bình ổn trở lại.
(Theo Dân Trí)