Đồng thời, cơ chế phân bổ lệnh trong giao dịch cho các công ty chứng khoán cũng được gỡ bỏ, đảm bảo không xảy ra tắc nghẽn với số lượng lệnh như thời điểm hiện tại.
Nghẽn lệnh giao dịch từng là câu chuyện nan giải của hệ thống chứng khoán Việt Nam trong suốt 6 tháng, từ cuối năm 2020. Theo Chủ tịch FPT IS - Dương Dũng Triều chia sẻ tại Talkshow Nguy - Cơ, trong hệ thống cũ có một tham số là số lệnh giao dịch trong ngày, với mức giới hạn khoảng 900.000 lệnh/ngày. Ngoài ra, sàn HoSE tiến hành cơ chế phân bổ số lượng lệnh giao dịch một ngày cho các công ty chứng khoán.
Khi ấy, có 2 vấn đề xảy ra.
Thứ nhất là việc nghẽn cục bộ, tức là trong một số trường hợp, một số doanh nghiệp lớn như SSI, VNDirect có số lượng lệnh tăng đột biến và cũng chạm tới ngưỡng giới hạn được phân bổ, dẫn đến không giao dịch được và không trả kết quả được.
Thứ hai là tổng giao dịch của thị trường của tất cả các công ty chứng khoán đạt đến 90% trong số 900.000 lệnh thì hệ thống sẽ tự động chạy chậm, dù không sập nhưng sẽ chậm đi, không trả kết quả ra.
Ví dụ, thời gian cao điểm, trong top 20 công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng lệnh giao dịch tăng ít nhất lên 3 lần, trung bình tăng đến 5-6 lần. Có những ngày ngay từ sáng, 15 phút đầu tiên, hệ thống đã bị nghẽn ở công ty chứng khoán.
Những tình huống này đều dẫn đến việc nhà đầu tư không gửi được lệnh giao dịch và không đọc được kết quả trả về. Vì thế nhà đầu tư không có được diễn biến giá kịp thời, gây nên tâm lý lo lắng trên thị trường.
Ông Triều cho biết khi nhận thấy tình trạng nghẽn, bản thân ông đã tiếp xúc ít nhất 3 lần với các lãnh đạo HoSE, một lần với Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán và đề xuất rằng FPT có thể triển khai thay thế hệ thống cũ bằng hệ thống mới. Tuy nhiên, cả hệ thống HoSE và Uỷ ban chứng khoán đều đang theo dự án KRX của Hàn Quốc.
"Họ đã đầu tư rất nhiều tiền rồi và nguyên tắc của Nhà nước thì ta không thể đầu tư 2 lần trên cùng một dự án được.
Khi anh Bình (Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - PV) đặt vấn đề, anh Bình cũng là cú hích quan trọng khi đồng ý doanh nghiệp tư nhân sẽ tài trợ cho Bộ Tài chính và HoSE, cũng như Uỷ ban Chứng khoán để thay thế một phần mềm mới. Điều này đã giúp giải quyết vướng mắc cơ bản về vấn đề nguồn vốn đầu tư ở đâu", ông Triều chia sẻ.
Nói về nhiệm vụ thay đổi hệ thống giao dịch chứng khoán cùng deadline 100 ngày, ông Triều khẳng định tự tin là FPT làm được.
"Bởi vì thứ nhất, như đã nói, mình đã gặp lãnh đạo HoSE cũng như lãnh đạo Uỷ ban Chứng Khoán để đề xuất, thực ra phương án đã có sẵn và hai bên đã đồng thuận rồi. Thứ hai là FPT cũng là đơn vị có kinh nghiệm 30 năm triển khai các phần mềm lớn của quốc gia và đồng hành với ngành chứng khoán từ năm 2000, nên hiểu biết về ngành rất lớn".
Tuy nhiên, ông Triều cũng thú nhận cảm thấy áp lực lớn vì đây là hệ thống, là sự kiện mà rất nhiều người quan tâm, hàng trăm nghìn nhà đầu tư đang mong chờ. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội giải quyết những bài toán của quốc gia.
Để chạy được hệ thống thì không chỉ là vấn đề phần mềm, đó còn là các vấn đề như hạ tầng, thiết bị, phần cứng, mạng lưới, bảo mật, rồi cơ chế, do đó cần có cái nhìn bao quát. Nguồn lực gồm 50 cán bộ từ các đơn vị thành viên của FPT đã được tập hợp lại.
Khi đưa hệ thống vào hoạt động ngày 5/7, khó khăn lớn nhất mà FPT gặp phải lại là phần mềm của các công ty chứng khoán. 73 công ty chứng khoán có rất nhiều phần mềm khác nhau. Khi đưa hệ thống vào chạy thì đẩy kết quả ra rất nhanh, thậm chí khiến một số công ty không nhận được, dẫn đến hệ thống nhận kết quả có vấn đề. Hai ngày đầu tiên khi ra mắt, nhiều phần mềm của công ty chứng khoán bị sập. Ông Triều khẳng định các công ty chứng khoán cũng như các thành viên trong thị trường đều nỗ lực để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt.
Mục tiêu FPT và Bộ Tài chính đặt ra là nâng khả năng nhận số lượng giao dịch trong một ngày lên đến 3-5 triệu lệnh và bỏ cơ chế phân bổ lệnh trong giao dịch cho các công ty chứng khoán, đảm bảo không xảy ra tắc nghẽn với số lượng lệnh như thời điểm hiện tại.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị