Vì sao tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt chậm hơn nước khác?

Thói quen mua sắm riêng lẻ, không đồng bộ được xem là một yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ số hoá tại các doanh nghiệp Việt.
Dell Technologies vừa tổ chức sự kiện công bố khảo sát về cách doanh nghiệp toàn cầu sử dụng dữ liệu thu thập được, đồng thời đề cập đến công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp tại Việt Nam.

ICTnews đặt câu hỏi về những khó khăn của doanh nghiệp Việt khi thực hiện chuyển đổi số. Ông Vũ Trần, Giám đốc điều hành Dell Technologies Việt Nam, cho hay, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước đi chậm hơn so với nước khác là vì thói quen mua sắm tồn tại từ nhiều năm trước.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt thường có thói quen đầu tư hạ tầng riêng biệt, thay vì mua trọn giải pháp đồng bộ. Ví dụ, các thiết bị mạng, server, phần mềm... thường được mua riêng, thay vì mua một giải pháp. Dễ hiểu hơn, máy photocopy được mua riêng, máy in mua riêng,… thay vì việc mua sắm nên được giao cho bộ phận CNTT của công ty triển khai đồng bộ.

Song song đó, việc mua sắm vẫn thực hiện trên quy mô phòng ban hay cá nhân, thay vì mua trên quy mô toàn công ty.
Một số doanh nghiệp đạt mục tiêu nhất định trong chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang trong quá trình chuyển đổi.
Ở góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Vũ cho rằng nên giao trọng trách cho bộ phận CNTT nhiều hơn, không chỉ các công việc lặt vặt như thay cáp mạng, sửa máy tính như hiện tại. Bộ phận này nên được giao bảo đảm vận hành mượt mà hệ thống công nghệ trong công ty với những yêu cầu mang tính chiến lược hơn.

Trong giai đoạn hiện tại, ông Vũ đánh giá Covid-19 như một nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số.

“Nhu cầu bức thiết trong giai đoạn dịch bệnh sẽ thúc đẩy công ty ra quyết định, khiến việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn”, ông Vũ nhận xét.

Trên thực tế, đại diện Dell Technologies cho biết, trong 18 tháng qua, ông nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của các doanh nghiệp Việt trong thói quen mua sắm CNTT. Các doanh nghiệp đã chú trọng giải pháp tổng thể, sử dụng các giải pháp dịch vụ (aaS, as-a-Service) nhiều hơn.

Tại Việt Nam, các công ty fintech và ngành tài chính ngân hàng đang dẫn đầu chuyển đổi số, đạt được nhiều mục tiêu ấn tượng, tốc độ ngang bằng với khu vực.

Ông Vũ đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh tại Đông Nam Á, do đó một tương lai số hoá hạ tầng mạnh mẽ trong nước là điều có thể đoán biết.

“Các doanh nghiệp cần tận dụng thời điểm hiện tại để chuẩn bị cơ sở hạ tầng thật tốt. Để trong giai đoạn bình thường mới có đủ công cụ phục vụ khách hàng, vượt trên đối thủ”, Giám đốc Dell Technologies nhận định.

Ngoài các vấn đề chung về chuyển đổi số, Dell cũng công bố kết quả khảo sát về những nghịch lý dữ liệu tại các doanh nghiệp, được uỷ thác cho Forrester Consulting thực hiện.

Theo kết quả khảo sát trên 45 quốc gia cho thấy một “nghịch lý về dữ liệu”: Các doanh nghiệp cho biết, họ cần thêm dữ liệu nhưng bản thân họ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc chiết xuất giá trị từ dữ liệu đang có.

Doanh nghiệp đang thu thập dữ liệu nhiều hơn và cho rằng đây là khối tài sản quý báu, tuy nhiên dữ liệu đang được tạo ra với khối lượng lớn, tốc độ nhanh và sự đa dạng, khiến cho khả năng, công nghệ, nhân lực và quy trình của doanh nghiệp không theo kịp.

Khảo sát cho thấy 91% các doanh nghiệp vẫn chưa phát triển đủ công nghệ và quy trình, hay văn hóa và kỹ năng về dữ liệu. Chỉ 9% doanh nghiệp thỏa mãn cả hai điều kiện trên (về công nghệ/quy trình và văn hóa/kỹ năng).

73% người tham gia khảo sát từ Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của họ hoạt động dựa trên dữ liệu và “dữ liệu chính là mạch máu của công ty”. Nhưng chỉ có 18% cho thấy, họ xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi và sử dụng chúng xuyên suốt hoạt động của doanh nghiệp.

Rất nhiều doanh nghiệp (76%) thu thập được nhiều thông tin hơn nhưng lại không kịp phân tích và sử dụng.

Trong 18 tháng qua, lĩnh vực theo yêu cầu (on-demand) đã và đang mở rộng, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được mô hình sử dụng dữ liệu ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sang mô hình aaS (as-a-Service) vẫn chiếm rất ít (24%).

Nói riêng về cách sử dụng dữ liệu, báo cáo đề xuất 3 giải pháp. Một là, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT để đáp ứng được yêu cầu của dữ liệu tại vùng biên. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp xử lý được khối dữ liệu lớn, và đưa ra quyết định hành động kịp thời.

Thứ hai, tối ưu hóa “ống” dẫn dữ liệu để dữ liệu có thể “chảy” tự do và an toàn trong khi được tăng cường bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học. Thứ 3, cần phát triển phần mềm để mang đến những trải nghiệm tích hợp, cá nhân hóa mà khách hàng mong muốn.

Hải Đăng
0 Nhận xét