TheLEADER - Đại dịch Covid-19 gây ra những thách thức chưa từng có cho doanh nghiệp nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển nếu biết nắm bắt thời cơ, thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới.
Linh hoạt chuyển hướng kinh doanh
Từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ giúp việc cho người dân tại các thành phố lớn, gần 3 tháng nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, hoạt động giúp việc tại nhà không thể thực hiện, Công ty CP Phát triển dịch vụ nhà sạch HMC (app JupViec.vn) đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang cung ứng nông sản.
JupViec.vn đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh trong mùa dịch và đã có thành công bước đầu |
Nhờ lợi thế sở hữu nền tảng công nghệ, tệp khách hàng đông đảo có sẵn cùng với chiến lược bán hàng bình ổn giá, hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong đó chủ yếu là rau xanh, củ quả từ Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây Nam bộ và hoạt động giao hàng nhanh chóng, JupViec.vn đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.
Đặc biệt, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, đơn hàng của doanh nghiệp này luôn trong tình trạng, quá tải. Để chất lượng rau được đảm bảo khi vận chuyển, JupViec thậm chí đã thông báo chỉ phục vụ đơn hàng trong bán kính 10km tính từ kho hàng.
Bên cạnh các doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhiều ông lớn công nghệ như Grab Việt Nam cũng đang vào cuộc triển khai chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số, đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian vừa qua, Grab đang thử nghiệm cho người dùng tại TP.HCM dịch vụ đặt hàng Grab Mart giúp cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong thời điểm dịch dịch bệnh.
Người dùng tại TP.HCM có thể tìm kiếm và chọn mua thực phẩm đóng hộp, thức ăn, trái cây tươi, rau củ quả... từ các đối tác liên kết của Grab là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị; đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với Grab Mart.
Đối tác tài xế nhận đơn hàng Grab Mart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam |
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, dịch vụ này được triển khai thử nghiệm nhằm mang đến thêm sự lựa chọn an toàn cho người dân trong mùa dịch, đồng thời giúp tăng cơ hội thu nhập cho các tài xế và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các thương nhân liên kết Grab Mart trong thời điểm các doanh nghiệp đều đang rất khó khăn.
Trước đó, trang thương mại điện tử Tiki cũng có nhiều chương trình hỗ trợ đưa nông sản Việt đến với người dân thông qua nền tảng công nghệ. Trên hành trình đồng hành cùng nông sản Việt, Tiki đang lên kế hoạch hỗ trợ nhà vườn mở rộng kênh phân phối, giúp họ dễ dàng tiếp cận khách hàng, hỗ trợ hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Không chỉ các doanh nghiệp có lợi thế về công nghệ đang đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang cung ứng nông sản, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề kinh doanh khác đang khó khăn như du lịch, bất động sản cũng lựa chọn lĩnh vực này làm mục tiêu phát triển dài hạn trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp có thâm niên 16 năm phát triển bất động sản, trước những thách thức vô cùng lớn do đại dịch, ông Văn Dũng Chinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Vinareal cũng đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh doanh sang mô hình thứ hai là xây dựng chuỗi liên kết hợp tác xã để cung ứng sản phẩm nông sản, rau củ thiết yếu cho thị trường.
Nhờ lợi thế sở hữu vùng nguyên liệu giáp ranh giữa Khánh Hoà và Lâm Đồng, vị trí thuận lợi, đất đai trù phú, thay vì phát triển dự án bất động sản, ông Chinh đã lựa chọn xây dựng một hợp tác xã nông nghiệp để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và tạo hướng đi ổn định chắc chắn cho doanh nghiệp trong 3 - 5 năm tới.
Trong ngắn hạn, kế hoạch của doanh nghiệp sẽ là phát triển vùng nguyên liệu, thiết lập chuỗi cung ứng nông sản bằng hệ thống các cửa hàng trực tiếp và trên nền tảng số.
Khi dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch từng bước phục hồi, doanh nghiệp sẽ kết hợp hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đại với phát triển du lịch canh nông.
Khách du lịch đến dự án sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi và thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Doanh nghiệp tự cứu mình trong "cơn bão" Covid-19
Chia sẻ về động lực thúc đẩy doanh nghiệp quyết tâm mở rộng mô hình kinh doanh ngay trong thời điểm dịch bệnh, ông Chinh cho rằng, đây là hướng đi tất yếu, nếu doanh nghiệp muốn tồn và phát triển sau dịch.
Theo ông Chinh, không chỉ Vinareal mà hơn 80% các doanh nghiệp ở Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Đại đa số doanh nghiệp đều chưa chuẩn bị được một kế hoạch cụ thể và nguồn lực cần thiết để ứng phó với những khó khăn rất lớn hiện nay.
Mặt khác, chính vì sự phát triển quá nóng trong vòng 7 -10 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều, quá dựa vào sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, đợt dịch lần 4 này đã làm triệt tiêu toàn bộ nguồn doanh thu và sức lực còn lại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang lâm vào trạng thái cạn kiệt mọi nguồn tiền và phương án kinh doanh.
Suốt từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, các công ty đã liên tục điều chỉnh nhiều phương án ứng phó như cắt giảm chi phí, cắt giảm nguồn nhân lực, chỉ giữ lại những nhân sự cốt cán nhất. Song, đợt dịch nghiêm trọng lần này đã làm đứt gãy hết bài toán doanh thu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bất động sản, du lich, trong khi chi phí lại không giảm bao nhiêu, nhất là chi phí tài chính, nợ và lãi phải trả ngân hàng.
Ông Văn Dũng Chinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Vinareal |
"Nhiều doanh nghiệp đang đối diện với khoản nợ quá hạn và lãi xuất quá sức chịu đựng. Mặc dù, Chính phủ và các ngân hàng đã có chính sách giãn nợ, hoãn nợ cho doanh nghiệp nhưng điều này là không đủ. Từ nay đến cuối năm 2021 sẽ là thời điểm kinh hoàng, nỗi ám ảnh đối với tất cả doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp sẽ chết trên đống tài sản nếu không có phương án kinh doanh để thích nghi với tình hình dịch bệnh", ông Chinh nhìn nhận.
Ý thức rất rõ những nguy cơ đối với sức khỏe của doanh nghiệp, ông Chinh cho rằng, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp phải có giải pháp để tự cứu mình. Trong đó, việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực cung ứng nông sản là một trong những hướng đi đầy triển vọng khi ngành hàng đang có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo ông Chinh, trong dịch bệnh, khó khăn của của ngành này là nhưng lại xuất hiện hội của ngành khác. Đại dịch Covid-19 đã khiến một số ngành “lên ngôi” như logistics, thực phẩm, y tế,... Trong đó, lĩnh vực nông sản đang có tiềm năng rất lớn do đây là ngành hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân và có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong và sau dịch.
Trong thời điểm dịch bệnh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang tạo sức cầu rất lớn nhất và sự gia tăng giá khủng khiếp của các mặt hàng nông sản. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản xây dựng các các chuỗi cung ứng hiện đại hơn, chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình chuyển đổi số, áp dụng 4.0 trong việc xây dựng, gắn kết các doanh nghiệp với nhau và làm việc với các địa phương để khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cơ hội hiện nay sẽ dành cho doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự luân chuyển hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Khi được hỏi về những thách thức đối với một doanh nghiệp "ngoại đạo" mới "chân ướt chân ráo" bắt tay vào lĩnh vực nông nghiệp và cung ứng nông sản, ông Chinh cho rằng, những khó khăn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây không phải điều đáng ngại đối với doanh nghiệp bởi đã là doanh nghiệp thì giá trị quan trọng nhất để có thể phát triển là nguồn lực nhân sự.
Hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị được những nhân sự chất lượng cao, thực sự giỏi và có kinh nghiệm trong nghề để bắt tay vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh doanh và tạo lợi thế cạnh tranh ngay lập tức trên thị trường.
Theo ông Chinh, các doanh nghiệp hiện nay cạnh tranh không chỉ bằng số lượng, giá rẻ mà bằng cả chất lượng và thương hiệu, hướng đến thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, dù mới ra nhập thị trường nhưng doanh nghiệp không xác định đi sau các đơn vị khác mà luôn nỗ lực tạo lợi thế cạnh tranh bằng sản phẩm, tạo sự đa dạng, tiện lợi cho người tiêu dùng.
Mặt khác, nếu như trước đây, khi phát triển một kế hoạch kinh doanh nào đó, doanh nghiệp thường tự xoay sở vay vốn, một mình lo hết mọi việc thì nay, dịch bệnh đang làm thay đổi tư duy kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang có xu hướng hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi bên đều có điểm mạnh riêng, hỗ trợ nhau cùng phát triển và vượt qua thời điểm khó khăn này.
Ông Chinh cho rằng, những khó khăn do đại dịch chỉ là ngằn hạn, nếu có kế hoạch và chiến lược kinh doanh tốt, doanh nghiệp sẽ có thể tìm thấy cơ hội để tồn tại và phát triển. Và sau cùng, dù ở lĩnh vực kinh doanh nào, mục đích của doanh nghiệp cũng là tạo ra giá trị cho xã hội, doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
Phương Linh