(KTSG Online) – Do tác động của dịch Covid-19, khiến xuất khẩu ngành thuỷ sản Việt Nam sụt giảm khá mạnh ở hầu hết các thị trường và các mặt hàng. Điều này, diễn ra đúng như những lo lắng và dự báo được đưa ra trước đó.
Covid-19 đã “xuyên thủng” xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh
Tháng 8-2021, thời điểm việc sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam diễn ra hoàn toàn trong điều kiện bùng phát dịch Covid-19, đã có những tác động rất lớn đến ngành hàng chủ lực này của Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ngành hành này đạt 588 triệu đô la Mỹ, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng thuỷ sản chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ, mực bạch tuộc, cua ghẹ…, sụt giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn so với tháng trước đó, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong tháng 8 đã sụt giảm đến 31%, trong đó, tôm giảm 36%, cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực bạch tuột giảm 23%, theo VASEP.
Báo cáo của VASEP cũng cho thấy, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong tháng 8 ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các thị trường chủ lực. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản giảm 36%; sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 32%; sang Mỹ giảm 16%; sang Anh, Úc và Canada lần lượt giảm 48%, 35% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TPHCM và 18 địa phương phía Nam cũng như khu vực Nam Trung bộ- nơi chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước- khiến doanh nghiệp “rời” thị trường nhiều, trong khi đó, số còn lại phải sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, ảnh hưởng công suất của doanh nghiệp rất lớn.
Số liệu báo cáo của VASEP cho thấy, so với tháng 7, thì số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8-2021 đã giảm đến 100 đơn vị và giảm đến 150 đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, người thường được cộng đồng xuất nhập khẩu thủy sản gọi là “vua tôm”, tại diễn đàn trực tuyến “Tôm Việt 2021– Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19” diễn ra mới đây cho biết, quy mô nhà máy ở Cà Mau và Hậu Giang có số lượng công nhân lần lượt là 7.000 và 6.000, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà máy ở Cà Mau hoạt động với 1.600 công nhân và Hậu Giang là 1.300 công nhân theo phương án “3 tại chỗ”. “Điều này có nghĩa, tình hình sản xuất của nhà máy chỉ đạt khoảng 25% và sản lượng chế biến đạt khoảng 50%”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, do tác động của dịch Covid-19 nên trong tháng 8-2021 sản lượng và giá trị xuất khẩu của đơn vị này lần lượt giảm 30,8% và 17,74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm nay, sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 9,87% và 19,56% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng xuất khẩu ở những tháng trước đó đã bù đắp.
Việc xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay diễn ra đúng với những dự báo được đưa ra trước đó về tình hình khó khăn của ngành hàng này.
Khảo sát của VASEP cho thấy, đối với những doanh nghiệp thuỷ sản tại các địa phương phía Nam, đến cuối tháng 8 chỉ có 30-40% doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”; 30-40% phải ngưng hoạt động và số còn lại tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy nhằm thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Những đơn vị còn hoạt động “3 tại chỗ” cũng chỉ huy động được khoảng 30-50% so với tổng số lao động, khoảng 50-70% phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, khiến công suất chế biến giảm 50-60% so với trước. Còn công suất chung của cả vùng, ước đã giảm 60-70%.
Việc phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội được dự báo cũng hết sức khó khăn khi chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi, trong khi số doanh nghiệp còn lại (khoảng 60-70%) gặp rất nhiều khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Điều này, khiến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam những tháng cuối năm nay được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.
Trung Chánh