Doanh nghiệp cần những gói cứu trợ chính sách khẩn cấp

(KTSG) – Năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng hơn, Chính phủ và Bộ Tài chính tiếp tục dựa trên những quy định của năm 2020 để đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi thuế nhằm mục đích hỗ trợ và vực dậy các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần những gói cứu trợ chính sách khẩn cấp
Năm ngoái, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đáng chú ý, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), gia hạn nộp thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp. Nhưng với tình hình dịch Covid-19 quá phức tạp và số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục soạn thảo thêm một số đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm 2020 – những chính sách đáng chú ý

Nghị quyết 42/NQ-CP được ban hành ngày 9-4-2020 nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP về các khoản hỗ trợ vay không có tài sản đảm bảo, với lãi suất vay 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) còn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; các hộ, cá thể kinh doanh thỏa điều kiện sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng.

Thêm nữa, Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho doanh nghiệp. Về thuế TNDN, doanh nghiệp nào có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng sẽ được giảm 30% thuế TNDN phải nộp (theo Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Nghị quyết 116(1)).

Bộ Tài chính cũng đã ban hành 19 thông tư để miễn giảm phí, lệ phí một số lĩnh vực như hoạt động của ngân hàng, xây dựng, chứng khoán… do Covid-19(2). Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp hạn chế được việc cắt giảm lao động, đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Việc này cũng giúp cho Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020 (2,91%)(3).

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng hơn, Chính phủ và Bộ Tài chính tiếp tục dựa trên những quy định của năm 2020 để đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi thuế nhằm mục đích hỗ trợ và vực dậy các doanh nghiệp.

Những chính sách ưu đãi thuế được áp dụng đến nay

Tiếp nối Nghị định 41, Nghị định 52/2021 ngày 19-4-2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (trong một số ngành, nghề nhất định) cũng thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 52. Ngoài ra, Thông tư 47/2021/TT-BTC ngày 24-6-2021 quy định mức thu mới cho 30 khoản phí, lệ phí trong một số lĩnh vực hoạt động như ngân hàng, xây dựng, chứng khoán. Tuy nhiên, các mức phí, lệ phí này giảm không đáng kể, nên nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng nhưng không ghi nhận tác động tích cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp lúc này.

Gần đây, ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NSDLĐ và NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nghị quyết 68 chỉ có một số điểm cải thiện so với Nghị quyết 42. Ví dụ, theo Nghị quyết 42, nếu muốn được hưởng chính sách về NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả NLĐ ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NSDLĐ và NLĐ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Còn theo Nghị quyết 68, chỉ cần NSDLĐ giảm từ 15% số NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4-2021 thì sẽ được áp dụng chính sách này. Hay như trước đây, hộ kinh doanh cá thể thuộc trường hợp được áp dụng Nghị quyết 42 sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá ba tháng, thì theo Nghị quyết 68, sẽ được nhận một lần 3.000.000 đồng/hộ.

Các đề xuất hiện tại của Bộ Tài chính và tình hình thực tế

Giảm 50% thuế đối với tất cả hộ, cá nhân kinh doanh. Bộ Tài chính đang soạn thảo chính sách giảm 50% thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quí 3 và quí 4 năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, mọi địa bàn.

Tuy nhiên, đa số các hộ kinh doanh đều đã phải đóng cửa tại thời điểm này, nếu còn hoạt động thì cũng chỉ tạm bợ, cố gắng cầm cự. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, để hỗ trợ tối đa cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ còn hoạt động, thay vì giảm 50% thuế, Chính phủ nên xem xét miễn thuế hoàn toàn.

Ưu đãi thuế TNDN. Bộ Tài chính đang dự thảo đề xuất giảm 30% thuế TNDN năm 2021 cũng như miễn tiền phạt chậm nộp phát sinh trong hai năm 2020-2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong ba năm từ 2018-2020.

Đề xuất này được cho là sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để xoay sở, dự trữ nguồn vốn, tái sản xuất cũng như trả lương cho NLĐ. Tuy nhiên, với thực tế hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong sáu tháng đầu năm 2021 và không ít doanh nghiệp đang lỗ nặng, phương án này có vẻ chưa hỗ trợ những nhu cầu cứu trợ sát sườn của doanh nghiệp.

Ưu đãi thuế GTGT. Đối với thuế GTGT – một loại thuế gián thu, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ giảm 30% đối với doanh nghiêp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ nhằm giúp giảm một phần giá bán hàng hóa, dịch vụ, thu hút người mua và đẩy lượng sản phẩm tiêu thụ lên. Có thể nói, chính sách này có thể tác động tích cực cho nguồn tài chính trung và dài hạn, nhưng lại chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực, dịch vụ nhất định.

Ưu đãi thuế TNCN. Việc gia hạn thời hạn nộp thuế TNCN theo Nghị định 52/2021 giúp các cá nhân, hộ kinh doanh có thể hoãn nộp thuế TNCN đáng lẽ phải nộp trong năm 2021. Nhưng suy cho cùng, điều này không giải quyết được vấn đề khó khăn cấp thời cho các hộ, các cá nhân kinh doanh.

Bởi lẽ hiện đa số doanh nghiệp đều giảm thời giờ làm việc, dẫn đến giảm lương, đồng nghĩa với thuế TNCN giảm tương ứng; một số doanh nghiệp đã tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để NLĐ nhận lương ngừng việc theo quy định, nên số thuế TNCN phải thu không đáng kể.

Thêm nữa, đa số doanh nghiệp đều trả lương trước thuế (gross), việc thu thuế TNCN trên cơ sở doanh nghiệp thu hộ cho Nhà nước, nếu Nhà nước chưa thu thì doanh nghiệp chưa khấu trừ thuế của NLĐ nên chỉ có NLĐ được lợi ích trực tiếp còn doanh nghiệp thì không, hay chỉ có lợi ích gián tiếp. Vì thế, quy định này cũng chỉ mang tính chất trì hoãn, không có nhiều tác động tích cực trong lúc này.

Một số kiến nghị từ thực tế

Như đã trình bày, các đề xuất Bộ Tài chính góp phần vào những chính sách mang tính trung và dài hạn, tính cấp bách không cao, chưa giải quyết được những khó khăn trước mắt của hầu hết các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp. Do vậy, cần gấp rút có các chính sách giúp thêm nguồn tiền để những chủ thể này duy trì sản xuất, kinh doanh.

Thứ nhất, thay vì gia hạn thời gian nộp thuế hay giảm 30% thuế TNDN, Chính phủ nên miễn tiền thuế TNDN trong năm 2021 cho những doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỉ đồng. Đối với thuế GTGT, nên giảm 50% hoặc miễn thuế năm 2021 và áp dụng cho tất cả các loại hình sản xuất, kinh doanh.

Đối với thuế TNCN thì nên nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng lên 20 triệu đồng/tháng để NLĐ có thêm tiền xoay xở cuộc sống hằng ngày, an tâm tiếp tục tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước phối hợp ban hành chính sách cho các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp vay với lãi suất 0% trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là 3, 6 hoặc 12 tháng, nhắm hỗ trợ họ duy trì sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, Nghị quyết 68/NQ-CP đặt ra điều kiện để NSDLĐ và NLĐ được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ là số lượng NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội phải giảm từ 15% trở lên so với thời điểm tháng 4-2021, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, quy định trên cần được sửa đổi theo hướng áp dụng cho tất cả đối tượng là NSDLĐ bởi khó khăn về kinh tế là tình hình chung của tất cả NSDLĐ.

Nói tóm lại, ngoài các chính sách ưu đãi có thể dùng cho trung và dài hạn giúp các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp duy trì một số nguồn vốn để tái đầu tư trong và sau đại dịch, Chính phủ và các bộ ngành cần bổ sung các chính sách thuế nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của các chủ thể kinh doanh hiện nay.

Hơn thế, các chính sách để áp dụng sau khi chấm dứt đại dịch cũng rất cần thiết vì khi bắt đầu khôi phục là lại một lần thay đổi các mức thuế, phí, lệ phí so với các những gì đang được áp dụng hiện nay. Để tránh gây “sốc” cho các chủ thể kinh doanh, việc lập phương án sau đại dịch phải theo một kế hoạch, lộ trình cụ thể, tránh áp dụng đột ngột, vì người kinh doanh cần thời gian để phục hồi các hoạt động của họ.

Hoàng Minh Khánh - Công ty Luật Phuoc & Partners
———–
(1.) Điều 2.1 Nghị quyết 116/2020/QH14; Điều 2.1 Nghị định 114/2020/NĐ-CP
(2). https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/29111/tong-hop-thong-tu-ve-mien-giam-phi-le-phi-mot-so-linh-vuc-do-covid-19
(3). https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh/
0 Nhận xét