(KTSG Online) – Tại phiên họp chiều 24-9 của hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom do thành phố Đà Nẵng tổ chức, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đã có những kiến nghị được cho là “đi thẳng vào vấn đề” mà họ đang gặp phải trong mùa dịch.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng, chia sẻ trong thời gian qua công ty gặp rất nhiều khó khăn trong phân phối hàng hóa đến khách hàng vì thành phố áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch.
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài là cơ hội để Đà Nẵng lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc, khiến doanh nghiệp an tâm hơn để đầu tư và làm ăn lâu dài. Ảnh: Báo chí Đà Nẵng |
Hơn nữa, theo ông Phúc, do bia không được xem là mặt hàng thiết yếu nên công ty càng khó khăn trong việc kinh doanh và phân phối. “Vì vậy, tôi đề nghị Đà Nẵng cho phép lưu thông hàng hóa, không phân biệt đối xử với bia, để tạo thuận tiện cho chúng tôi phân phối sản phẩm đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa… phục vụ người tiêu dùng trong bối cảnh các nhà hàng chưa thể phục vụ tại chỗ trở lại”, ông Phúc nói.
Bên cạnh vấn đề này, ông cũng thay mặt công ty đề xuất thành phố xem xét lại việc kéo dài yêu cầu “3 tại chỗ” áp dụng tại các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Mô hình này, theo ông Phúc, sẽ không bền vững trong thời gian tới vì sẽ ảnh hưởng đến thể chất, chất lượng làm việc và tinh thần của nhân viên, chưa kể chi phí kinh doanh tăng cao.
Cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ cho công ty được phép cử người đến công ty thực hiện dịch vụ với điều kiện đảm bảo an toàn; không tăng thuế, không mở rộng đối tượng nộp thuế để doanh nghiệp quay trở lại phục vụ cho nền kinh tế; có những chính sách cụ thể, dễ dự đoán trong phòng chống dịch… là những kiến nghị khác từ đại diện của Công ty Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng.
Theo đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, không nhất thiết phải “đóng băng” di chuyển giữa các địa phương như hiện nay. Thay vào đó, các địa phương phối hợp cảnh báo vùng nguy cơ. “Thành phố có những chính sách khắt khe hơn so với Hà Nội và TPHCM khiến nhiều doanh nghiệp cảm giác không thoải mái, và rõ ràng điều này không có lợi cho thu hút và hoạt động FDI”, vị đại diện này nhận xét.
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng mong thành phố sớm cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại 100% càng sớm càng tốt vì doanh nghiệp đang gặp khá nhiều khó khăn, mất khách hàng và chưa biết phục hồi lại được hay không. “Thành phố cũng nên tính lại phương án phòng chống dịch trong tương lai. Nếu có ca lây nhiễm trong công ty mà phải dừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp”, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng nói và đề nghị nên hủy bỏ giấy đi đường mà thay vào đó là giấy tiêm chủng hoặc tương đương. Ông giải thích một công ty quy mô lớn mất rất nhiều thời gian để làm giấy đi đường.
Trong khi đó, cũng như các doanh nghiệp khác, đại diện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cũng muốn thành phố hỗ trợ tiêm vaccine sớm cho tất cả người lao động và cung cấp thông tin, rõ ràng minh bạch về lộ trình mở cửa để thông tin chính xác đến nhân viên và đối tác.
Tại sự kiện, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, thừa nhận các biện pháp khống chế dịch bệnh nghiêm ngặt vừa qua đã tác động tiêu cực đến một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.
“Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã cố gắng triển khai các giải pháp tốt nhất trong khả năng cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh. Mặc dù vậy, nhiều biện pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp, khiến lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở”, ông nói và chia sẻ thành phố xác định nhiệm vụ trước mắt của chính quyền là phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp FDI.
Nhân Tâm