(KTSG Online) – Cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp phải đáp ứng đủ 9 tiêu chí về phòng chống dịch mới được hoạt động trở lại. Trong đó, người lao động trở lại làm việc phải có giấy xét nghiệm âm tính, phải có thẻ xanh covid hoặc là F0 đã khỏi bệnh.
Đây là một trong những điều kiện đáng chú ý được quy định tại quyết định số 3328 về tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng chống dịch vừa được UBND TPHCM banh hành.
![]() |
Nhân viên bán hàng tại siêu thị phải đáp ứng được các tiêu chí an toàn phòng dịch mới được làm việc trở lại – Ảnh: Lâm Vũ |
Người đi làm lại phải có giấy xét nghiệm âm tính
Tại quyết định này, UBND TPHCM quy định các tiêu chí an toàn mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được hoạt động trở lại.
Điều kiện đối với người lao động trở lại làm việc là phải có thẻ xanh Covid. Cụ thể, một người có thẻ xanh khi hội đủ các điều kiện gồm có giấy xét nghiệm âm tính test nhanh hoặc RT-PCR; tiêm vaccine mũi 1 từ 14 ngày trở lên hoặc từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.
Về các tiêu chí, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp phải đáp ứng đủ 9 tiêu chí.
Trong đó, tiêu chí đầu tiên là người lao động phải có thẻ xanh covid hoặc thẻ xanh bị giới hạn hoạt động (người mới tiêm vaccine mũi 1). Đồng thời, phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid trước khi vào làm việc.
Tiếp đến, doanh nghiệp phải xét nghiệm định kỳ cho người lao động 7 ngày/lần, đối với nhóm nguy cơ cao thì xét nghiệm 3 ngày/lần.
Tiêu chí về khoảng cách an toàn ở các phân xưởng, diện tích tối thiểu cho một người lao động là 4 m2 trở lên và khoảng cách giữa 2 người từ 2 mét trở lên. Trường hợp không đảm bảo diện tích thì phải có vách ngăn giữa 2 người hoặc người lao động đeo kính che giọt bắn.
Ngoài các điều kiện về xét nghiệm, giữ khoảng cách, doanh nghiệp phải kiểm tra giám sát và trang bị đầy đủ thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.
Trong 9 tiêu chí, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí về kiểm soát lưu thông và lưu trú của người lao động.
Siêu thị, chợ truyền thống áp dụng thẻ xanh Covid
Đối với siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đáp ứng 7 tiêu chí mới được hoạt động.
Trong đó, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng phải có thẻ xanh Covid; nhân sự trở lại làm việc lần đầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.
Khi hoạt động phải đảm bảo kiểm soát mật độ người hoạt động tại địa điểm kinh doanh tối thiểu là 4 m2/người và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa hai người.
Ngoài ra phải đáp ứng các tiêu chí khác như có kế hoạch phòng chống dịch, trang bị các vật tư, thiết bị y tế cho phòng chống dịch…
Đối với chợ truyền thống phải thực hiện 7 tiêu chí. Tương tự như siêu thị, chợ truyền thống cũng áp dụng tiêu chí thẻ xanh đối với người bán hàng.
Về khoảng cách đối với chợ truyền thống, không áp dụng mật độ tối thiểu là 4 m2/người nhưng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 2 mét.
Ngoài ra, phải đáp ứng các tiêu chí kiểm tra giám sát các biện pháp phòng chống dịch, trang bị các thiết bị phòng chống dịch…
Trong tất cả các tiêu chí mà UBND TPHCM đưa ra, doanh nghiệp phải đạt đủ các tiêu chí mới được hoạt động. Nếu không đạt đủ các tiêu chí thì không được hoạt động và phải có biện pháp khắc phục.
Đối với người lao động, dù có thẻ xanh Covid những vẫn phải tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
Shipper có thể xét nghiệm bất kỳ điểm nào từ 6 đến 21 giờ
Tại buổi họp báo chiều 20-9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết khi thành phố có chủ trương cho shipper hoạt động trở lại ban đầu chỉ có khoảng 20.000 người.Tuy nhiên trong 2 ngày qua, số lượng shipper đã tăng lên 82.000 người. Sự gia tăng số lượng shipper rất lớn đã khiến các điểm xét nghiệm bị quá tải.Để giải quyết sự quá tải tại các điểm xét nghiệm, ông Phương cho biết UBND TPHCM đã thông qua đề xuất cho phép 800 trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày.“Bắt đầu từ ngày 21-9, shipper không nhất thiết phải xét nghiệm trên địa bàn cư trú, mà có thể xét nghiệm ở tất cả các điểm, nếu thấy điểm nào vắng shipper có thể vào xét nghiệm”, ông Phương cho biết.Theo ông Phương, việc cho shipper hoạt động liên quận đã giúp cho tình hình cung ứng hàng hóa lưu thông tốt hơn, đồng thời giúp cho shipper có việc làm trong mùa dịch.Theo thống kê của Sở Công Thương, trước đây mỗi ngày shipper có thể chuyển được 250.000 đơn hàng. Khi số lượng shipper tăng lên thì hiện nay mỗi ngày có thể chuyển từ 600.000-800.000 đơn hàng.
Lê Anh