Với Shopee, thành bại của sàn TMĐT phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp của các đối tác bán hàng và họ cảm thấy các doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện kỹ năng bán hàng online hơn nữa. Tiki thú nhận: dù rất xem trọng việc phát triển công nghệ, song công nghệ hiện có của họ vẫn chưa giải được những bài toán phát sinh trong vận hành suốt đại dịch.
Càng phụ thuộc vào các đơn vị vận chuyển thứ 3 như Ahamove, sàn TMĐT càng gặp khó. Ảnh: Tuổi Trẻ - Ngọc Phượng |
Nỗi đau chung – đứt gãy chuỗi cung ứng, có đơn hàng nhưng không có hàng để giao hoặc không thể đi giao
Sau khi giãn cách được nới lỏng cách đây vài ngày tại TP.HCM, theo quy định thì những sàn TMĐT như Tiki, Shopee và Lazada sẽ được giao hàng trở lại khắp tất cả các quận, kể các các quận ở vùng đỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: chuỗi cung ứng TMĐT vẫn chưa thể hoạt động suôn sẻ như trước kia.
Ví dụ: một khách hàng tên Thu Hồng tại phường 4, quận 8, TP.HCM thử đặt thực phẩm và hàng gia dụng trên cả 3 sàn Tiki, Lazada lẫn Shopee; với mục tiêu là ai giao sớm thì hủy đơn bên còn lại, vì không chắc là các sàn sẽ giao được.
Kết quả: Tiki thông báo là không hỗ trợ giao hàng ở địa điểm nói trên, Shopee báo cửa hàng đã giao cho đơn vị vận chuyển nhưng vì đơn vị vận chuyển nằm trong khu phong tỏa nên đơn hàng tiếp tục bị pending, chỉ mỗi Lazada đã giao được khoảng 3 đơn.
"Theo quan sát và quan điểm của tôi, hiện tại, khách hàng ở vùng đỏ như tôi có đặt và nhận được hàng hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố: chính sách của sàn, địa điểm của cửa hàng và khả năng của các bên giao nhận. Vậy nên, việc đặt hàng và nhận hàng thành công cũng khá hên xui, chứ không hẳn sàn này tốt hơn sàn kia.
Tuy nhiên, có thể Lazada nhỉnh hơn một chút vì họ có hệ thống logistic riêng, những đơn hàng thành công của tôi từ sàn Lazada đều từ đội ngũ giao nhận in-house của Lazada", chị Thu Hồng cho hay.
Lazada từng quảng bá nhiều về chính sách coi trọng việc xây dựng hệ thống logistic riêng khi đã đổ rất nhiều tiền vào việc xây dựng hệ thống kho bãi và hạ tầng giao thông riêng của bản thân. Sàn này luôn tự hào đây là lợi thế cạnh tranh đường dài bền vững của mình.
Việc chú trọng phát triển hạ tầng logistic từ sớm đã giúp Lazada có một vài lợi thế hơn các đối thủ trong suốt mùa dịch. |
Hiện tại, quy mô các trung tâm xử lý hàng hoá của Lazada đã lên tới 300.000 m2 tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Sàn TMĐT do Alibaba hậu thuẫn cũng có 15 trung tâm phân loại hàng hoá và gần 400 cụm nhận và giao hàng chặng cuối. Lazada đã bỏ ra vài chục triệu USD để có được hệ thống này.
"Hơn 85% kiện hàng chuyển tới tay người dùng được phân loại trong các mạng lưới riêng của Lazada", một dại diện giấu tên của Lazada nói với TechInAsia. Người này cũng khẳng định rằng việc có khả năng tự triển khai logistics của Lazada đã trở thành một lợi thế cạnh tranh của Lazada so với các đối thủ.
Dù là thế, trong Covid-19, Lazada vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng cộng với việc dấn thân vào những mảng mới nhiều hơn như thực phẩm tại thị trường Việt Nam.
"Trong khoảng thời gian vừa qua, lượng đặt hàng của chúng tôi đã tăng gấp 3 so với trước đại dịch, tuy nhiên những khó khăn về logistics tại TP.HCM đã khiến đối tác không thể kịp thời vận chuyển hàng hóa đến khách hàng.
Khó khăn nhất với chúng tôi chính là vấn đề logistics cho mảng khá mới là thực phẩm – với lượng đặt hàng tăng 50% so với trước đây. Vì muốn đưa hàng hóa thực phẩm từ miền Tây như Long An lên TP.HCM cần phải vận chuyển một quãng đường dài, vừa xa – hệ thống kho bãi vẫn trong quá trình xây dựng. Công tác vận hành của các sàn TMĐT như chúng tôi đang gặp thách thức hơn bao giờ hết trong đại dịch.
Tôi nghĩ, chúng ta sẽ cần một khoảng thời gian cần thiết để quay trở lại như trước kia cũng như Lazada mới có thể quay lại thực hiện được sứ mệnh của mình là ‘dễ mua, dễ bán và dễ vận chuyển’", ông James Dong – CEO Lazada Thái Lan và Việt Nam chia sẻ trong một Tọa đàm gần đây.
Sinh sau đẻ muộn so với Lazada, Tiki và Shopee có phần chậm chân hơn. Hai đơn vị này mới quan tâm đến chuyện xây dựng hệ thống logistics cho bản thân chỉ trong khoảng 3 năm gần đây – tức so với Lazada, nguồn lực riêng về logistic vẫn khá mỏng. Hiện tại, công tác vận chuyển hàng hàng hóa của cả 2 vẫn phụ thuộc rất nhiều vào bên thứ ba là những hãng chuyên giao nhận như S-Commerce (Giao Hàng Nhanh - Ahamove), Giao Hàng Tiết Kiệm, VN Post hay Viettel Post. Dù gần đây, cả Shopee và Tiki đều dành nhiều chính sách ưu tiên cho đội giao hàng “gà nhà” như Shopee Express hay TikiNow Smart Logistics, đặc biệt với các đơn hàng giao siêu tốc.
Trong Covid, tình trạng của các hãng giao nhận đang khá “bi đát”. Theo anh Phan Tường Bách – COO của AhaMove thì họ đang mất phương hướng với hàng loạt thủ tục hành chính mới trong suốt vài tháng vừa qua.
Phan Tường Bách – COO của AhaMove. |
"Mặc dù, để hạn chế sự tiếp xúc và giảm bớt các rào cản hành chính, Nhà nước đã khuyến khích làm giấy đi đường bằng QR Code hoặc các phương tiện công nghệ khác, song các không ít khu vực tại các thành phố lớn vẫn yêu cầu shipper cung cấp giấy tờ và dấu mộc đỏ. Điều này đã làm khó những công ty giao vận như chúng tôi.
Chúng tôi mong các cơ quan hành chính tiếp tục cải cách các thủ tục, làm sao để các thủ tục cấp giấy tờ hoàn toàn bằng điện tử và được phép sử dụng chữ ký số.
AhaMove cũng đang hoạt động trên toàn quốc - ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, mỗi tỉnh thành lại đưa ra thông tin và cách làm việc khác nhau, khiến chúng tôi phải liên hệ quá nhiều ban ngành khác nhau. Ví dụ: về việc xin các giấy phép di chuyển cho shipper trong mùa dịch, chúng tôi phải liên hệ với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải có khi phải liên hệ với cả Sở Y tế và Công an. Chưa hết, mỗi tỉnh thành lại có một đầu mối và phong cách làm việc khác nhau.
Điều đó, khiến doanh nghiệp cảm thấy rất khó khăn trong việc xin cấp phép hoặc triển khai các kế hoạch kinh doanh. Hơn nữa, rất ít doanh nghiệp đủ nhân sự và nguồn lực để theo dõi từng thay đổi nhỏ nhất trong các quy định từ Nhà nước. Thiết nghĩ, ở mỗi tỉnh thành nên có một bộ phận kiểu như cơ quan liên ngành, hỗ trợ doanh nghiệp chỉ cần đến một cửa là có thể giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh trong đại dịch", anh Phan Tường Bách đề nghị.
Nỗi đau riêng
Ngoài nỗi đau chung như đã nói ở phía trên, với Tiki, họ còn nỗi đau riêng là sự phát triển công nghệ của bản thân vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo anh Nguyễn Thành Long – Giám đốc Makerting của Tiki, trong 10 năm qua, Tiki luôn cho rằng: 3 lĩnh vực mà theo họ sẽ tạo nên sự thành công cho ngành là Chính sách - Công nghệ - Con người vận hành.
Trong 2 năm gần đây, quả thật Tiki đã làm chủ được công nghệ. Mặc dù, Tiki không có lợi thế nguồn lực như nhiều đối thủ FDI khác trên thị trường, nhưng họ bước đầu đã thành công ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, như sử dụng AI và robotics cho kho bãi.
Nguyễn Thành Long – Giám đốc Makerting của Tiki |
"Tuy nhiên, trong đại dịch, chúng tôi nhận ra, mình cần phải làm tốt phần công nghệ hơn nữa. Thời gian gần đây, mảng thực phẩm của Tiki tăng tốc rất nhanh – gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái và vì thế phát sinh nhiều bài toán mà chúng tôi chưa thể giải được bằng công nghệ.
Ví dụ: các robotics có thể di chuyển 1 các kiện hàng nặng 20kg đến 30kg khi sắp xếp kho, nhưng không có máy móc nào làm được việc chia 1 cân hành ra từng phần khoảng vài lạng để bán cho khách hàng. Vậy nên, công việc này cũng tôi vẫn phải dựa vào sức người và làm thủ công.
Dù vậy, chúng tôi vẫn muốn những công nghệ mà Tiki đã ứng dụng thành công có thể mang ra ngoài ứng dụng cho các doanh nghiệp – mảng miếng tương tự, bởi nó sẽ tốt cho nền kinh tế số nói chung của Việt Nam", ông Nguyễn Thành Long bày tỏ.
Còn với Shopee, thành bại của sàn TMĐT phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp của các đối tác bán hàng và họ cảm thấy các SMEs Việt cần phải cải thiện kỹ năng bán hàng online hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – CEO của Shopee Việt Nam, TMĐT là mảng kinh doanh mà công việc vận hành không hề đơn giản; nó cấu thành bởi 4 bên là người bán - sàn TMĐT - đơn vị vận chuyển - người mua, nó liên quan đến công nghệ, tài chính, hệ thống logistics. TMĐT không chỉ là bán hàng online mà phần offline như kho bãi – giao nhận cũng quan trọng không kém.
Vậy nên, một đối tác lên sàn TMĐT như Shopee bán hàng, cần phải học cách vận hành chuyên nghiệp như nhận đơn hàng online như thế nào, làm việc với đơn vị vận chuyển ra sao, biết cách sử dụng các phương thức thanh toán, biết rõ các chính sách hoạt động của sàn… Thị trường TMĐT nhiều cơ hội nhưng cũng lắm cạnh tranh, nếu đối tác có nhiều đơn đặt hàng song lại không thể giao hàng đến tay người nhận – điều xảy ra thường xuyên trong đại dịch, thì sẽ thua cuộc.
Mặc dù, đội ngũ hỗ trợ của Shopee đã hoạt động hết sức năng nổ - nhiệt tình, nhưng họ cũng không thể ‘cầm tay chỉ việc’ cho tất cả đối tác trên sàn của mình – bởi theo CEO của Shopee Việt Nam, không chỉ SMEs hay hộ kinh doanh cá thể mới bỡ ngỡ với thế giới TMĐT, mà các doanh nghiệp lớn cũng thế.
Lãnh đạo Shopee kì vọng được thấy các đối tác trên sàn ngày càng cải thiện kỹ năng bán hàng online hơn nữa bằng cách không ngừng tự học hỏi và thực hành.
Quỳnh Như